Cùng phận nhà nghèo, hai cách làm bóng đá chuyên nghiệp

VietTimes -- Đến giờ thì SLNA và Nam Định đều có điểm tương đồng, đó chính là “phận con nhà nghèo”. Nhưng 2 đội bóng có 2 cách làm khác nhau, khiến cho cổ động viên ngồi ngẫm mãi và thầm lo cho số phận của đội bóng.
Đến giờ thì SLNA và Nam Định đều có điểm tương đồng, đó chính là “phận con nhà nghèo”. Ảnh AT
Đến giờ thì SLNA và Nam Định đều có điểm tương đồng, đó chính là “phận con nhà nghèo”. Ảnh AT

Dường như biết phận mình không thể thắng đối thủ khi rời sân Thiên Trường nên các cầu thủ thành Nam rất quyết tâm thi đấu trên sân nhà. Việc các học trò của GĐKT Nguyễn Văn Sỹ giành được 27 điểm trên sân Thiên Trường (SLNA chỉ 21 điểm), đứng thứ 3 tại V.League 2019 sau Hà Nội, TP.HCM đã nói lên chiến lược biết người, biết ta của đội bóng con nhà nghèo này.

Biết thân, biết phận

Hơn ai hết, Nam Định biết cách tiêu tiền, bởi “tốn tiền sân, tiền thuốc” khi đề xuất địa phương chăm sóc mặt cỏ để hạn chế các cầu thủ chấn thương trong tập luyện, thi đấu. Nhìn danh sách “thương binh” SLNA mùa vừa rồi dài đến cả gang tay, nhiều người đã thấy nản. Mặt sân cứng, xấu của đội bóng xứ Nghệ không chỉ gây khó khăn cho đội khách mà chính chủ nhà cũng đang phải trả giá.

Xuân Mạnh sẽ là trụ cột của SLNA mùa tới. Ảnh SLNAFC
Xuân Mạnh sẽ là trụ cột của SLNA mùa tới. Ảnh SLNAFC

Mùa giải V.League 2019, tuy đội bóng chỉ đứng thứ 11 nhưng sân Thiên Trường đứng đầu Việt Nam về số lượng khán giả. Trung bình mỗi trận đấu có 15.000 khán giả đến sân, đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á và họ thực sự là “cầu thủ thứ 12” khiến cho bất cứ đội khách nào cũng khó đá. “Chảo lửa” thành Vinh đã nguội vài năm nay và không biết đến bao giờ mới khôi phục? Không có khán giả, các nhà tài trợ cũng không mặn mà gắn bó với đội bóng sông Lam, rất ít khi thấy đại diện của Bắc Á xuất hiện như Dược Nam Hà.

Quan hệ giữa BHL, cầu thủ Nam Định với Hội cổ động viên cực tốt, họ bên nhau trong sinh hoạt đời thường, các hoạt động xã hội bình đẳng và hỗ trợ nhau hiệu quả. Hội cổ động viên đã đứng ra phân phối 4.000-5.000 vé mỗi trận đấu, những người con thành Nam đi xa quê hương đã chung tay góp kinh phí giải quyết các khó khăn khi đội bóng cần.

Nam Định tự tin
Nam Định tự tin "làm mới" Đỗ Merlo. Ảnh ĐNFC

Các nhà báo thể thao đều công nhận Nam Định chính là đội bóng nhân dân. Niềm vui của người thành Nam là đến sân Thiên Trường vào dịp cuối tuần. Bóng đá Nam Định khiến cho khán giả đến với nhau, vui vẻ bên nhau và cả tha thứ cho nhau. Khá nhiều hoạt động cộng đồng cho chính các thành viên cổ động viên hay các địa chỉ khó khăn mà hội phát hiện ra đã nâng tầm của Hội cổ động viên Nam Định.

Trong khi đó, dù thành lập đã lâu nhưng Hội CĐV SLNA dường như đang hoạt động tự phát. Những trận đấu ở phía Nam khán giả còn đến sân nhiều hơn tại chính sân Vinh. Tất nhiên vì vậy tiền thu bán vé sân Vinh thuộc dạng ít nhất V.League và cũng chưa có xu hướng cải thiện trong những năm tới.

Người tiêu dùng thông thái

Kinh phí không nhiều hơn SLNA nhưng GĐKT Nguyễn Văn Sỹ lại thấy mình là “người tiêu dùng thông thái”. Nếu như SLNA đã để trung vệ hay nhất trong vòng 10 năm qua của mình về tay HAGL thì Nam Định đã sớm gia hạn hợp đồng với trung vệ Tony Agbaji. Trước đó, khi trung vệ nhập tịch Lê Văn Phú không gia hạn hợp đồng thì HLV Văn Dũng đã cất trên ghế dự bị, khác hẳn SLNA nhốt cầu thủ trẻ ngoài sân.

HLV Mashiedee Sulaiman (trái) và ông thầy GĐKT VFF Juergen Gede. Ảnh NĐFC
HLV Mashiedee Sulaiman (trái) và ông thầy GĐKT VFF Juergen Gede. Ảnh NĐFC

Hơn ai hết ông Sỹ biết kiếm ra ngoại binh hay trong bối cảnh các giải Malaysia, Thái Lan đang “hút hàng” là điều cực khó. Việc mua phải hàng hớ vài ba lần, có khi còn tốn tiền hơn sớm gia hạn ngoại binh đã quen sân, quen lối đá.

Khá ngạc nhiên khi Nam Định là số ít đội “nhà nghèo chơi sang” khi có HLV thể lực ngoại. HLV Mashiedee Sulaiman là người Malaysia, là học trò cũ của GĐKT VFF Juergen Gede, từng làm HLV thể lực cho ĐT U23 Malaysia (2015-2017). Có trong tay, HLV thể lực có chuyên môn Nam Định đã “làm sống lại” cầu thủ nhập tịch Lê Văn Phú 34 tuổi khi Hải Phòng “chê già”.

Có Mashiedee Sulaiman bảo đảm, Nam Định đã mạnh dạn ký hợp đồng với Đỗ Merlo, chân sút khét tiếng 1 thời của V.League không còn được SHB.Đà Nẵng tin dùng vì vấn đề tuổi tác. Dù ở tuổi 34, Merlo vẫn chơi 22 trận và ghi 11 bàn cho CLB Đà Nẵng ở mùa giải vừa qua. Cầu thủ gốc Argentina là một trong những chân sút hay nhất lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Anh từng bốn lần giành danh hiệu "vua phá lưới" V.League (2009, 2010, 2011, 2016).Theo số liệu thống kê qua các mùa giải V.League của Soccerway, Đỗ Merlo đã ghi được 131 bàn thắng, nằm trong tốp 5 chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất ở V.League. 

Nam Định chính là đội bóng nhân dân tại V.League. ẢnhTTVN
Nam Định chính là đội bóng nhân dân tại V.League. ẢnhTTVN

Chân sút này vừa khoác áo Nam Định đá giải Viettel mở rộng, giúp cho đội bóng thành Nam vô địch giải đấu này bằng những bước chạy thanh thoát nhờ có giáo án thể lực chuẩn. Nếu như năm ngoái “lão tướng” Lê Văn Phú đã gia cố tốt hàng thủ thì mùa giải này “lão tướng” Argentina được kỳ vọng sẽ làm mới hàng công Nam Định.

Nhà nghèo chơi sang

Trong bối cảnh không có nhiều tiền thì đây chính là hướng đi, chính xác là lối thoát khá hay cho đội bóng thành Nam. Trong khi việc mua bán ngoại binh của đội bóng xứ Nghệ vài năm nay bao giờ cũng khiến nội binh phải “è cổ cõng ngoại binh”, mùa giải nào cũng gặp phải “chân gỗ” tốn kém vì phải thanh lý hợp đồng. Đúng là nhà nghèo chơi sang.

Điều khiến cho cổ động viên sân Vinh quay lưng với chủ nhà đó là việc để ngoại binh tồi tranh chỗ của cầu thủ trẻ. Để rồi khi 14 cầu thủ hết hợp đồng và lần lượt rủ nhau ra đi mới vội vàng đôn 7 cầu thủ trẻ lên đội 1.

Đội bóng Nam Định nghèo, nhưng cách làm bóng đá của anh em nhà Văn Sỹ đáng để nhiều đội bóng khác học tập. Một cách tiêu pha có tính toán, tiết kiệm và không để lại những tiếng ì xèo cắt phế, hay lãng phí.