Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng khi vừa đặt chân đến thủ đô Havana hồi giữa tháng này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thốt lên rằng: “Tôi cảm thấy như mình đang ở nhà”. Câu nói này đủ lột tả hết những gì đang diễn ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba – hai nước từng là kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Ngày 14/8 có thể được coi là một trong những ngày quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba thời kỳ mới bởi ngày này đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong vòng 70 năm một Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Cuba và cũng là ngày Washington mở đại sứ quán ở Havana sau hơn 50 năm hai nước ở trạng thái đối đầu không khoan nhượng. Chuyến thăm của ông Kerry đã mở ra một bước ngoặt mới mang tính lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Nhà ngoại giao số 1 của Mỹ đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 19 thành viên, trong đó có các quan chức chính phủ và các nghị sĩ, đến thăm Cuba. Trong cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Kerry với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez, hai vị quan chức ngoại giao này đã nhất trí mở ra các lĩnh vực đối thoại mới và tăng cường các cơ chế hợp tác đã được thiết lập nhằm khai phá mối quan hệ hợp tác song phương về môi trường, sức khoẻ, khoa học và thực thi pháp luật.
Một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Kerry trong chuyến thăm lịch sử đến Cuba chính là việc ông chủ trì lễ kéo cờ Mỹ tại toà nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana . Phát biểu tại buổi lễ, ông Kerry tuyên bố, sự kiện mở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana đã “chấm dứt quá nhiều ngày của sự hy sinh và hối tiếc, quá nhiều ngày của sự hoài nghi và sợ hãi” trong hơn một nửa thế kỷ hai bên có mối quan hệ hết sức thù địch, ghẻ lạnh lẫn nhau.
Trước khoảng 300 vị quan khách ngoại giao của Mỹ, Cuba và nhiều nước khác và trước đám đông hàng trăm người dân Cuba tụ tập bên ngoài toà nhà Đại sứ quán Mỹ, ông Kerry đã nói lời cảm ơn Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro về cái mà ông này gọi là “một quyết định dũng cảm khi chấm dứt tình trạng hai nước là tù nhân của lịch sử và tập trung vào các cơ hội mới của ngày nay và ngày mai”.
“Thời điểm đã đến để chúng ta có thể tiến bước về phía trước theo một hướng đầy hứa hẹn và nhiều tương lai hơn”, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố.
Ngoài những phát biểu thể hiện sự lạc quan trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, ông Kerry cũng thừa nhận, cả Washington và Havana đều biết rõ về khó khăn mà hai bên sẽ phải đối mặt trên con đường tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, “mỗi nước đều tự tin vào mục đích của mối quan hệ, vào những cuộc tiếp xúc mà chúng ta đã thực hiện và vào tình bạn mà chúng ta bắt đầu vun đắp”, ông Kerry nói thêm.
Không ai có thể phủ nhận những tiến bộ đầy bất ngờ và không kém phần mạnh mẽ trong tiến trình khôi phục lại quan hệ giữa Mỹ và Cuba . Tuy nhiên, mọi người cũng đều có thể cảm nhận được những thách thức mà mối quan hệ này phải đối mặt trong thời gian sắp tới. Điều này có thể được thấy qua những phát biểu của giới chức hai nước Mỹ , Cuba .
Trong bài phát biểu cả ở sự kiện khai trương Đại sứ quán Mỹ lẫn ở những sự kiện sau đó trong ngày, ông Kerry đều nhấn mạnh rằng, việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ giữa Mỹ và Cuba, trong đó có cả việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba, sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những tiến bộ của chính phủ Havana trong vấn đề nhân quyền.
Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đánh giá cao động thái “chìa tay ra” của Mỹ và chia sẻ sự lạc quan của người đồng cấp Kerry về tương lai quan hệ hai nước. Tuy nhiên, ông Rodriguez cũng nhấn mạnh rằng thực tế nhà nước một đảng của Cuba không phải là một chế độ chống dân chủ như Washington miêu tả. Thẳng thừng hơn, nhà ngoại giao hàng đầu Cuba còn khẳng định, Havana thấy ở nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề về nhân quyền tương đương như ở Cuba .
Nhà đàm phán hàng đầu của Cuba trong các cuộc đàm phán với Washington - bà Josefina Vidal còn phát đi một thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ đối với Mỹ. Theo đó, bà tuyên bố, các công việc nội bộ của quốc đảo xinh đẹp Cuba sẽ không bao giờ được đặt lên bàn đàm phán và rằng Havana sẽ không bao giờ lùi bước dù “chỉ một milimét” để xoa dịu hay chiều lòng các kẻ thù ở Mỹ.
"Cuba sẽ tuyệt đối không bao giờ làm bất kỳ điều gì, lùi bước dù chỉ 1 milimét, chỉ để thích ứng” với tình hình, bà Vidal cảnh báo sau khi Ngoại trưởng John Kerry phát biểu ở thủ đô Havana rằng Quốc hội Mỹ không thể dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba nếu nước này không cải thiện vấn đề nhân quyền.
Có thể nói, con đường phía trước trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba dù đã được mở ra nhưng trên đó vẫn còn khá nhiều khúc mắc và trở ngại đòi hỏi hai nước phải thực sự có thiện chí, có quyết tâm và cần cả một sự thấu hiểu nhau thì mới có thể vượt qua.
Vân Linh theo VnMedia