Cử tri Hà Nội: ‘Cải cách giáo dục chưa động đến phần gốc’

Đại diện cử tri phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) cho rằng, việc ngành giáo dục đổi mới công tác thi cử chỉ là phần ngọn chứ chưa động đến cái gốc, giống như sau khi thi công thì giám sát kiểm tra chất lượng mà không coi trọng cả quá trình thi công.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải.

Chiều 8/5, tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Đăng Tuấn, cử tri phường Hàng Bông bày tỏ băn khoăn về cải cách giáo dục với kỳ thi THPT quốc gia và thay sách giáo khoa đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

“Dư luận nói chung vẫn cho rằng kỳ thi chỉ là khâu cuối cùng của đào tạo, giống như sau khi thi công thì giám sát kiểm tra chất lượng. Chọn thi là khâu đột phá của giáo dục thì mới là phần ngọn, còn cái gốc chưa động đến”, ông Tuấn nói.

Theo cử tri phường Hàng Bông, việc soạn chương trình sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng trước đó phải xác định mục tiêu giáo dục là gì, đào tạo con người như thế nào và nếu có nhiều bộ sách giáo khoa thì ai chịu trách nhiệm duyệt để đảm bảo mục tiêu của giáo dục. Cử tri cũng chỉ ra những bất cập của nền giáo dục hiện nay, như: chỉ lo truyền thụ kiến thức mà coi nhẹ sự gợi mở, hướng dẫn, khuyến khích tư duy học sinh; mới nặng dạy chữ mà chưa dạy người.

Bên cạnh đó, việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, bỏ thi vào lớp 6 đối với các trường có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu cũng gây lo lắng cho phụ huynh. Ông Nguyễn Đăng Tuấn đề nghị: “Việc đổi mới giáo dục phải nhận được sự đồng tình trước tiên của đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành giáo dục và toàn thể nhân dân. Vì đây là vấn đề đào tạo con người, khác hẳn với thay đổi kinh tế”.

Một số đại biểu chia sẻ những khó khăn của nông dân. Ông Phạm Văn Bồng, cử tri phường Phan Chu Trinh, chia sẻ nông dân Việt Nam đã tạo nên kỳ tích đưa đất nước từ chỗ phải nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo, nhưng thu nhập không tương xứng với sức lao động bỏ ra, năng suất hạn chế, việc bao tiêu sản phẩm nhỏ lẻ manh mún, dẫn tới đời sống còn khó khăn. 

Dẫn chứng vụ dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc dồn ứ ở cửa khẩu, hay hành tím được mùa bị ép giá ở Sóc Trăng làm người nông dân điêu đứng, ông Bồng bày tỏ: “Mong muốn của nhân dân là Quốc hội, Chính phủ sớm tìm ra chính sách đột phá mới như khoán 10 để thay đổi đời sống nông dân”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp công tâm, xác đáng của cử tri về tăng cường giám sát việc điều hành của Chính phủ với kinh tế thị trường, giá xăng; cải cách giáo dục… Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến và tổng hợp báo cáo tại kỳ họp tới.

Theo: VnExpress