Cư dân tòa nhà cao nhất Hà Nội Keangnam thua kiện

Sáng 17-6, sau năm ngày nghỉ nghị án, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên án bác đơn khởi kiện của bà T.V.T. với Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina về việc tính diện tích căn hộ chung cư. 
Bà Lê Xuân Hoa (đại diện nguyên đơn, ngồi bàn bên phải) và bị đơn (bàn bên phải) tại tòa ngày 12-6
Bà Lê Xuân Hoa (đại diện nguyên đơn, ngồi bàn bên phải) và bị đơn (bàn bên phải) tại tòa ngày 12-6

Tòa cũng không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Keangnam - Vina yêu cầu bà T. bồi thường hơn 3,2 tỉ đồng tiền bồi thường do hợp đồng mua bán căn hộ bị chậm thanh toán.

Trước đó, ngày 9-3-2012, bà T.V.T. đã có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đề nghị tòa án tuyên hủy toàn bộ hợp đồng bán căn hộ số A710 được ký giữa bà và Công ty Keangnam.

Theo đơn khởi kiện, tháng 12-2009 bà T. đã ký hợp đồng mua bán căn hộ A710 với Công ty Keangnam.

Căn hộ có tổng diện tích 118,75m2, giá bán 319.394 USD. Tuy nhiên sau khi nộp tiền căn hộ lần 3, bà T. phát hiện việc chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư bằng ngoại tệ là vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

Khi căn hộ đã được hoàn tất trên thực tế, bà T. đến xem thì phát hiện căn hộ được hình thành không đúng với nội dung trong hợp đồng.

Cụ thể hợp đồng ghi rõ phần diện tích căn hộ là 118,75m2 với phương pháp đo từ tim tường đến tim tường và diện tích sử dụng trên thực tế của căn hộ là không thay đổi.

Nhưng nếu theo cách đo từ tim tường đến tim tường không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung (tường, cột, khung chịu lực, hộp kỹ thuật) thì căn hộ của bà T. chỉ còn 103,74m2.

Diện tích bị thiếu so với trong hợp đồng là 15,01m2.

Cho rằng toàn bộ diện tích căn hộ mà mình đã trả tiền phải thuộc sở hữu riêng nhưng Keangnam lại tính toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung của tòa nhà để bán cho khách hàng, bà T. đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án.

Tại đơn khởi kiện, bà T. đề nghị tòa án tuyên hủy hợp đồng bán căn hộ giữa bà và Keangnam, buộc Keangnam phải hoàn trả cho bà toàn bộ số tiền căn hộ đã thanh toán hơn 800 triệu đồng.

Theo tòa, việc Keangnam quy định giá trên hợp đồng mua bán căn hộ bằng USD vi phạm điều 22 pháp lệnh ngoại hối.

Tuy nhiên, căn cứ vào nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì nếu nội dung hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi một hoặc các bên không có chức năng thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó các bên thỏa thuận thanh toán bằng VND thì giao dịch đó không bị vô hiệu toàn bộ.

Về cách tính diện tích, HĐXX nhận định các bên lựa chọn cách tính từ tim tường đến tim tường theo thông tư 01/2009 và tổng diện tích căn hộ được tính bằng cách đo từ tim tường bao ngoài căn hộ và tim tường ngăn cách giữa các căn hộ.

Hình ảnh thực tế của căn hộ mẫu có thể hiện căn hộ có cột chịu lực, có hộp kỹ thuật số, hộp phòng cháy chữa cháy, phòng bếp, phòng ăn… nguyên đơn được xem và không có ý kiến gì về diện tích căn hộ nên đã ký hợp đồng.

Do vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về cách tính thông thủy mà cách tính diện tích căn hộ là cách đo tim tường như trong hợp đồng.

HĐXX khẳng định hợp đồng mua bán không vô hiệu toàn bộ, phù hợp với tinh thần của nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Do hợp đồng quy định giá căn hộ bằng ngoại tệ không phù hợp nên cần xác định lại giá căn hộ sang VND tại thời điểm ký kết là 5,902 tỉ đồng.

Xét yêu cầu phản tố của bị đơn, HĐXX cho rằng bị đơn ký hợp đồng mua bán nhà bằng USD là vi phạm quy định quản lý ngoại hối, vì vậy bà T. tạm dừng thanh toán chờ bị đơn điều chỉnh giá căn hộ cho phù hợp quy định.

Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà T.V.T. về yêu cầu hủy hợp đồng bán căn hộ A710, đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn, và bị đơn nghe tuyên án tại tòa sáng 17-6 - Ảnh: T.L.
Bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn, và bị đơn nghe tuyên án tại tòa sáng 17-6 - Ảnh: T.L.

Theo Tuổi trẻ