Cứ 100.000 người bình thường thì có 16 người bị nấm phổi

VietTimes -- Sáng nay (19/2), Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh nấm phổi do Aspergillus.
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Thông tin về bệnh nấm phổi do Aspergillus, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – cho biết: Bệnh phổi do nhiễm nấm, đặc biệt là nấm Aspergillus, sẽ xâm lấn toàn bộ hệ thống miễn dịch trong phổi. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc nấm xâm lấn Aspergillus có tỷ lệ tử vong từ 50-70%.

Hiện, Việt Nam là nước có số bệnh nhân mắc nấm xâm lân cao nhất trên thế giới với 14.523 ca (cứ 100.000 người thì có 16 người mắc bệnh).

Thực tế, một người bình thường có thể mắc bệnh nấm phổi do hít phải bào tử Aspergillus siêu nhỏ từ môi trường. Hầu hết mọi người đều hít phải bào tử Aspergillus mỗi ngày nhưng không bị bệnh.

Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý về phổi sẽ có nguy cơ mắc nấm phổi cao hơn người bình thường.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học chào mừng ngày thế giới phòng chống bệnh nấm phổi do nấm Aspergillus. Ảnh: Minh Thúy
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học chào mừng ngày thế giới phòng chống bệnh nấm phổi do nấm Aspergillus. Ảnh: Minh Thúy

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: nấm phổi là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt sau bệnh lao. Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: Nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mạn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm. Để chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, thời gian tới, Bệnh viện phổi Trung ương sẽ tăng cường năng lực chuyên khoa chẩn đoán, quản lý điều trị nấm phổi; xây dựng mạng lưới chẩn đoán nấm phổi từ trung ương đến địa phương; xây dựng, chuyển giao các kỹ thuật mới.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh – Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương – Aspergillus là tác nhân gây nhiễm trùng do nấm xâm lấn nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân bị bệnh máu ác tính sau hóa trị liệu và ghép tế bào gốc tạo máu.

TS. BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin về bệnh nấm phổi mạn tính do Aspergillus. Ảnh: Minh Thúy
TS. BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin về bệnh nấm phổi mạn tính do Aspergillus. Ảnh: Minh Thúy 

TS. BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương – cho hay: Khi mắc bệnh phổi xâm lấn, 100% người bệnh sẽ tử vong nếu không được điều trị. Những rường hợp có nguy cơ mắc nấm phổi là người bị suy giảm miễn dịch trầm trọng, mắc bệnh ung thư máu, điều trị Corticid dài ngày, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch,…

Đối với bệnh nấm phổi mạn tính do Aspergillus, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều không chữa khỏi, nhiễm trùng mạn tính, dai dẳng kéo dài, tỷ lệ sống sau 10 năm dưới 50%. Khi bị nấm phổi, bệnh nhân thường có các biểu hiện lâm sàng như: sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực, ho ra máu.

TS. BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc khuyến cáo, khi phát hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh nấm phổi, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị càng sớm càng tốt. Phác đồ điều trị chủ yếu sử dụngt huốc khám nấm tĩnh mạch, hỗ trợ miễn dịch và phẫu thuật nếu cần trong thời gian 3 tháng.

Ngày 14/2, Bệnh viện phổi Trung ương đã điều trị thành công cho nữ bệnh nhân mắc nấm phổi nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiều bộ phận hô hấp bị tổn thương, viêm loét nặng, hoại tử do nấm sợi Aspergillosis xâm nhập và lan rộng. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có tiền sử bị nhiều bệnh khác như suy gan, K tuyến giáp nên phương án điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên theo sát để thay đổi phác đồ phù hợp.

ThS. BS. Ngô Thị Thúy Quỳnh – Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương - cho biết: Bệnh nhân N. T. L. được điều trị thời gian dài với 2 liệu trình liên tục trong hơn 1 tháng. Ở liệu trình đầu tiên, cơ thể người bệnh không đáp ứng thuốc tốt nên tình trạng sức khỏe ít cải thiện.

Sau rất nhiều lần hội chẩn xem xét các phương án điều trị, sự thay đổi phác đồ thuốc ở liệu trình thứ 2 đã mang lại hiệu quả tốt. Hiện, người bệnh đã khỏe trở lại, cắt ho, nói rõ tiếng, xét nghiệm nấm Aspergillosis cho kết quả âm tính.