CPI tháng 8 tăng nhẹ 0,1%

Theo số liệu của Tổng cụ Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng 0,1% so với tháng 7/2016, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân CPI tháng 8 tăng do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao
Nguyên nhân CPI tháng 8 tăng do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao

Theo cách tính của Tổng cục Thống kê, trong giỏ hàng hóa và dịch vụ, có 6 mặt hàng, dịch vụ tăng và 5 mặt hàng, dịch vụ giảm. Trong đó, nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%; giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 có thể kể đến như việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo bước 2 của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở 16 địa phương.

Cùng với đó, một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng học phí theo lộ trình. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá điện sinh hoạt tăng 0,18%.

Theo chiều ngược lại, nguyên nhân làm cho CPI tháng 8 giảm là do nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước khá dồi dào nên giá lương thực và giá thực phẩm giảm nhẹ. Bên cạnh đó, giá dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 20/7 và ngày 4/8 làm chỉ số giá của nhóm giao thông giảm 1,97% , đóng góp 0,17% vào mức giảm chung của CPI.

Cùng với giá xăng dầu giảm, từ ngày 1/8, giá gas điều chỉnh giảm 4.500 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 3 giá gas giảm với tổng mức giảm gần 20.000 đồng/bình làm cho chỉ số giá gas giảm 3,13% so với tháng trước.

Cũng trong tháng 8, chỉ số giá vàng tăng 1,72%. Đối với nhóm chỉ số giá đô la Mỹ, tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh ngưỡng 22.330 VND/USD.

Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, đây là mức lạm phát cơ bản thấp nhất trong khoảng hơn 7 năm gần đây.

Trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố chủ quan là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Nhưng nhìn chung, lạm phát chung và lạm phát cơ bản khá sát với nhau, điều này thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.