COVID-19 tạo cơ hội “ngàn vàng” cho doanh nghiệp tái cấu trúc để bứt phá

VietTimes – COVID-19 đang đưa nền kinh tế toàn cầu vào giai đoạn suy thoái đột ngột chưa từng có nhưng đây lại được coi là “chất xúc tác” cho những thay đổi lớn. Doanh nghiệp đứng trước lựa chọn tái cấu trúc để gia tăng sự linh hoạt, khả năng thích ứng và bứt phá thay vì bị loại khỏi cuộc chơi.
Dịch COVID-19 tạo cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp tái cấu trúc để bứt phá. Ảnh minh họa: Lê Mai
Dịch COVID-19 tạo cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp tái cấu trúc để bứt phá. Ảnh minh họa: Lê Mai

“Thời đại TUNA” – Tái cấu trúc doanh nghiệp là điều tất yếu

“TUNA” là thuật ngữ dùng để nói về sự biến động cực độ của môi trường kinh doanh, được mô tả với các đặc điểm gồm: Turbulent (biến động cực độ); Uncertain (tính không chắc chắn); Novel (Mới chưa từng thấy); Ambiguous (tính mập mờ).

Hơn nửa năm qua, tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa có dấu hiệu đi xuống. Tại Việt Nam, tình hình có được kiểm soát tốt hơn nhưng ảnh hưởng đối với nền kinh tế vẫn rất lớn. Trong một thời gian ngắn, các tổ chức và doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Nhưng xét về lâu dài, sự biến động và không chắc chắn là tính chất của thời đại “TUNA” chứ không đơn thuần là đặc điểm riêng của khủng hoảng dịch bệnh. 

“Thời đại TUNA” được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mới, sự phát triển công nghệ, biến động môi trường, đe dọa an ninh, nguy cơ chiến tranh, xung đột...cùng tác động trực diện của dịch COVID-19. Những yếu tố đó tạo thành cú sốc thực sự về y tế kéo theo cú sốc kinh tế, tác động đến hành vi của khách hàng và mô hình kinh doanh.

“Có thể nói, những thách thức chung của thời đại cùng với những thách thức cụ thể do COVID gây ra lớn hơn những gì chúng ta từng đối phó. Đó là một môi trường kinh doanh biến động cực độ, thay đổi liên tục với tốc độ nhanh hơn, là sự không chắc chắn, không thể tiên đoán. Đó là sự xuất hiện của những yếu tố mới chưa từng thấy, là sự mập mờ của thực tế không rõ ràng và khó nắm bắt” – Giám đốc thương mại Agilead Global Nguyễn Quang Huy nhận định.

Giám đốc thương mại Agilead Global Nguyễn Quang Huy.
Giám đốc thương mại Agilead Global Nguyễn Quang Huy.

Đồng tình với ông Huy, ông Phạm Anh Đới - Giám đốc Học viện Agile - cho rằng, tái cấu trúc là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp để thích ứng và tìm kiếm cơ hội trong tất cả các lĩnh vực.

“Đó là sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược, mô hình kinh doanh, tổ chức, văn hóa, con người, quy trình của công ty. Tái cấu trúc đòi hỏi các sáng kiến lớn được điều hành bởi ban lãnh đạo cao nhất để đối phó với những thách thức lớn nhất liên quan đến sự sống còn của tổ chức” – ông Phạm Anh Đới nhấn mạnh.

Những vướng mắc trong tái cấu trúc doanh nghiệp


Theo nghiên cứu của McKinsey với 1.900 giám đốc điều hành, 82% trong số đó đã trải qua việc tái cấu trúc nhưng chỉ 23% thực hiện thành công. Có thể thấy, khả năng chuyển đổi đã trở thành một lợi thế cạnh tranh thực sự cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, hầu hết các công ty không gặt hái được kết quả từ những nỗ lực chuyển đổi. Theo phân tích của Tập đoàn tư vấn Boston - BCG, chỉ có 24% các công ty hoàn thành chuyển đổi vượt trội so với các đối thủ trong ngành của mình.

Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc đào tạo Học viện Agile - nêu ra các nguyên nhân chính dẫn đến việc tái cấu trúc không thành công. Cụ thể, nguyên nhân đầu tiên là cách tiếp cận ngắn hạn, từ trên xuống. Các biến đổi tốn nguồn lực và thường được thực hiện dưới áp lực rất lớn từ lãnh đạo cao nhất. Nhiều công ty chỉ đơn giản là tìm cách ép buộc nhân viên thay đổi hành vi của họ thay vì khai thác các yếu tố thúc đẩy nội tại để nhân viên cải thiện hiệu suất một cách bền vững.

COVID-19 tạo cơ hội “ngàn vàng” cho doanh nghiệp tái cấu trúc để bứt phá ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Phương - Chuyên gia về Tư duy phát triển, Giám đốc đào tạo Học viện Agile.

Thứ hai, chuyển đổi thành công ngày càng đòi hỏi những thay đổi đối với các mô hình kinh doanh và hoạt động, do đó đòi hỏi những cách suy nghĩ và làm việc mới. Tuy nhiên, các công ty thường không xây dựng được khả năng cho phép mọi người làm việc theo những cách mới và khác nhau.

Thứ ba, nhiều công ty tiếp cận việc tái cấu trúc theo kiểu hành động một lần như những sáng kiến độc lập. Cách này tập trung vào việc thay đổi một phần và một lần rồi thôi chứ không phải quá trình liên tục và toàn diện. Các tiếp cận này có thể đem lại kết quả tốt trước mắt nhưng không giúp tổ chức thành công về lâu dài.

“Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là sức ỳ của tổ chức, thiếu động lực thay đổi cả từ phía nội tại lẫn yếu tố bên ngoài như môi trường, khách hàng, đối tác” – bà Phương nêu quan điểm. 

Tái cấu trúc linh hoạt để thích ứng với "thời đại TUNA"


Bà Nguyễn Thị Phương nhận định: “Cho dù mục tiêu là cải tiến mang tính phản ứng nhanh hay thay đổi cơ bản cấu trúc doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần một cách tiếp cận hiệu quả. Bởi mọi sai lầm trong giai đoạn biến động cực độ này đều có thể dẫn tới đổ vỡ lớn”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu của Học viện Agile về quá trình chuyển đổi hàng trăm doanh nghiệp cho thấy, các tổ chức thành công luôn thể hiện những đặc điểm như: có một mạng lưới các nhóm tự chủ; môi trường văn hóa lấy con người làm trung tâm; hoạt động theo chu kỳ học hỏi và quyết định nhanh; được kích hoạt bởi công nghệ; có mục đích chung là tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan.

Ông Phạm Anh Đới - Chuyên gia về Agile, Giám đốc Học viện Agile.
Ông Phạm Anh Đới - Chuyên gia về Agile, Giám đốc Học viện Agile.

Theo nghiên cứu của McKinsey, trong các tổ chức Agile, hiệu suất thực sự cải thiện khi áp lực nhiều hơn. Các tổ chức Agile có 70% cơ hội nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số sức khỏe của tổ chức và hiệu suất dài hạn với thời gian tiếp thị nhanh hơn, tăng trưởng doanh thu cao hơn và chi phí thấp hơn. Trong một báo cáo khảo sát hàng quý gần đây do McKinsey thực hiện với 2.500 lãnh đạo doanh nghiệp, 75% số người được hỏi nói rằng sự linh hoạt của tổ chức là ưu tiên hàng đầu và gần 40% hiện đang tiến hành chuyển đổi để trở nên linh hoạt hơn.

Theo đó, ông Phạm Anh Đới khẳng định: “Vận may của một doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19 phụ thuộc đáng kể vào sự sẵn sàng và khả năng phục hồi của ngành. Trong khi khả năng phục hồi của ngành là một yếu tố khách quan thì sự sẵn sàng sẽ giúp doanh nghiệp ngay lập tức nắm bắt được cơ hội khi nó xuất hiện. Doanh nghiệp phải sẵn sàng, bằng việc tái cấu trúc để có được sự linh hoạt, khả năng thích ứng với các cú sốc hoặc kích thích bên ngoài”.