COVID-19 có thể làm chấm dứt trật tự thế giới đơn cực như Tổng thống Putin từng dự báo

VietTimes -- Sau chuỗi dài các sự kiện trong những năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã tung đòn chí mạng vào trật tự thế giới đơn cực. Kết cục này đã từng được Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo cách đây hơn 10 năm rằng trật tự đó không thể tránh sụp đổ bởi nó không dựa trên cơ sở đạo đức-tinh thần của nền văn minh hiện đại của loài người và tất yếu sẽ được thay thế bằng một trật tự thế giới khác.
Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich 2007: Trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường lãnh đạo không thể tồn tại do không dựa trên cơ sở nền tảng đạo đức-tinh thần của nền văn minh hiện đại (Ảnh: Wikipedia).
Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich 2007: Trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường lãnh đạo không thể tồn tại do không dựa trên cơ sở nền tảng đạo đức-tinh thần của nền văn minh hiện đại (Ảnh: Wikipedia).

Cách đây 13 năm, trong bài phát biểu với tư cách là Tổng thống Nga tại Diễn đàn Hội nghị an ninh quốc tế Munich thường niên vào năm 2007, V.Putin đưa nhận định: “Trật tự thế giới đơn cực được hình thành sau chiến tranh lạnh không thể tồn tại bền vững. Mặc dù người ta cố tô son điểm phấn cho thuật ngữ này nhưng cuối cùng nó cũng chỉ còn mang một ý nghĩa duy nhất là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định. Đó là thế giới của một chủ nhân và chủ thể có chủ quyền. Tình trạng này rút cuộc không chỉ làm tổn hai tất cả những quốc gia nằm trong hệ thống đơn cực đó mà còn cả quốc gia chủ nhân của nó, bởi có tác dụng tàn phá từ bên trong. Điều này không có một chút gì chung với dân chủ. Bởi dân chủ, như chúng ta biết, là quyền lực của đa số có tính đến lợi ích và ý kiến của thiểu số”.

Theo V.Putin, đối với thế giới hiện đại, mô hình trật tự thế giới do một quốc gia lãnh đạo không chỉ không thể tiếp nhận được mà còn không thể tồn tại. Điều này không chỉ vì siêu cường đứng đầu thế giới đơn cực ngày nay không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị-quân sự và kinh tế để thực hiện vai trò đó, mà điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành được bởi không dựa trên cơ sở nền tảng đạo đức-tinh thần của nền văn minh hiện đại. Các hành động đơn phương và bất chấp luật pháp không những không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà còn là nguồn gốc phát sinh thảm họa mới đối với con người.

Minh họa cho nhận định của mình, V.Putin nêu lên một thực tế không thể phủ nhận. Đó là, chiến tranh và xung đột cục bộ ở nhiều khu vực không hề giảm trong trật tự thế giới đơn cực, trong đó sức mạnh đang được ngang nhiên sử dụng không có gì kiềm chế trong các công việc quốc tế, đưa thế giới lâm vào chuỗi dài các cuộc xung đột không bao giờ kết thúc.

Thí dụ điển hình là chiến tranh ở Afghanistan từ năm 2001 và chiến tranh Iraq từ năm 2003 vẫn chưa có hồi kết. Trong đó, thế giới chứng kiến các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị bỏ qua, các chuẩn mực và gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của một quốc gia trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhân đạo, đã được mang đi áp đặt cho phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, cơ chế duy nhất để thông qua quyết định sử dụng sức mạnh quân sự như là giải pháp cuối cùng chỉ có thể là Hiến chương của Liên hợp quốc.

Theo V.Putin, việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ có thể được coi là hợp pháp nếu quyết định đó được thông qua trên cơ sở và trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và không thể thay thế Liên hợp Quốc bằng NATO hoặc bằng EU. V.Putin còn cho biết, Nga sẽ là quốc gia đi đầu trong tiến trình xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, đều phải được tôn trọng.   

Dự báo của V.Putin năm 2007 đã được khẳng định tại  Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2019. Trong đó đưa ra nhận định: cục diện chính trị toàn cầu đứng trước sự xung đột của ba xu hướng xây dựng trật tự thế giới mới hiện chưa ngã ngũ. Theo xu hướng thứ nhất, trật tự thế giới đơn cực đứng trước nguy cơ sụp đổ do Tổng thống Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” đang rút lui nhiều cam kết và hiệp định quốc tế. Theo xu hướng thứ hai, Trung Quốc tuyên bố xây dựng trật tự thế giới mới mà Bắc Kinh gọi là “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang theo đuổi toan tính xây dựng “trật tự thế giới theo sự đồng thuận Bắc Kinh” để chuẩn bị thay thế “trật tự thế giới theo sự đồng thuận Washington”. Theo xu hướng thứ ba, Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới khác với Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, cục diện chính trị toàn cầu được giới phân tích ví tương tự như một bộ ghép hình khổng lồ, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga đang muốn ghép thành một trật tự thế giới theo ý mình.

Hội nghị an ninh quốc tế Munich 2020 với chủ đề “Westlessness”-có thể hiểu theo nghĩa “Không còn phương Tây” hoặc “Vắng bóng phương Tây”, để khẳng định một hiện thực mới trong nền chính trị toàn cầu là sự suy giảm vai trò và ảnh hưởng của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, do không thể đạt được sự đồng thuận về một chiến lược thống nhất để giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

 Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Walter Steinmeier thẳng thắn đề cập tới những yếu kém của phương Tây, trong đó chính Mỹ đã tự bác bỏ sự tồn tại của "cộng đồng phương Tây" khi tuyên bố rằng các quốc gia nên tự lo liệu và đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết. Với chính sách "Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã đưa Mỹ rút khỏi nhiều cam kết và hiệp định quốc tế, tuyên chiến thương mại với cả chính các đồng minh thân cận nhất của mình và gây sức ép buộc các đồng minh then chốt trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng đáng kể phần đóng góp vào ngân sách quân sự của tổ chức này. Ông Walter Steinmeier cho rằng, đã đến lúc phương Tây không thể định hình thế giới theo mô hình của mình nữa.

Ủng hộ quan điểm của Tổng thống Đức Walter Steinmeier, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận thấy sự suy yếu của phương Tây sau khi Mỹ rút khỏi các cam kết với các đồng minh và cộng đồng quốc tế. Theo ông Emmanuel Macron, vào thời điểm 15 năm trước, mọi người vẫn nghĩ và tin rằng các giá trị của phương Tây là phổ quát và bất biến đối với thế giới. Thế nhưng, lúc này mọi người nhận thấy rõ sự suy yếu của phương Tây khi Mỹ thay đổi các chính sách đối với châu Âu, trong đó Washington sẵn sàng tuyên chiến thương mại với họ.

Trước đó, phát biểu trước các đại sứ Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng kỷ nguyên phương Tây lãnh đạo thế giới đã tới hồi kết do những chuyển dịch địa-chính trị trên phạm vi toàn cầu trước tác động từ sự trỗi dậy của những cường quốc mới nổi có vị thế và ảnh hưởng ngày càng lớn như Nga và Trung Quốc.

Có mặt và theo dõi các cuộc thảo luận tại Hội nghị, chuyên gia nghiên cứu chính trị chuyên sâu về chính sách đối ngoại của Mỹ và là Chủ tịch Tập đoàn tư vấn chính trị lớn nhất thế giới “Eurasia Group”, ông Yan Bremer, đưa ra nhận định trên Twitter cá nhân rằng, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc và sẽ không bao giờ phục hồi được nữa (US-led global order is over. And it's not coming back).

Chủ tịch Tập đoàn tư vấn chính trị Eurasia Group, ông Yan Bremer, nhận định: trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc và sẽ không bao giờ phục hồi được nữa (Ảnh: Wikipedia).

Chủ tịch Tập đoàn tư vấn chính trị Eurasia Group, ông Yan Bremer, nhận định: trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc và sẽ không bao giờ phục hồi được nữa (Ảnh: Wikipedia).

Trong bối cảnh ấy, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Trong đại dịch này, Mỹ là quốc gia có hệ thống y tế và khoa học-công nghệ được coi là hiện đại nhất thế giới cũng chưa thể ngăn chặn được dịch. Còn Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng chi 1 tỷ USD cho Công ty CureVac của Đức để được độc quyền công nghệ sản xuất vaccine chống Covid-19. Thủ tướng Angela Merkel đã phải chủ trì cuộc họp khẩn cấp với nội các để bàn về chiến lược bảo vệ CureVac trước nguy cơ chiếm đoạt của Mỹ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Italy, Lầu Năm Góc ra lệnh cho Không quân Mỹ chuyển 500.000 bộ xét nghiệm Covid-19 từ một căn cứ ở quốc gia này về nước. Khi Chính phủ Italy đề nghị EU kích hoạt cơ chế phòng thủ dân sự để liên minh này cung cấp thiết bị y tế và phương tiện phòng vệ cá nhân cho quốc gia này, thì không một quốc gia thành viên nào hưởng ứng và ủng hộ.

Các nước thành viên EU còn quyết định phong tỏa mọi hoạt động xuất khẩu loại hàng này, trong đó cả khẩu trang phòng dịch. Nhiều nước thành viên EU còn quyết định phong tỏa biên giới và tạm thời chấm dứt hiệu lực Hiệp định Schengen-một trong những “giá trị cốt lõi” của liên minh này. Trong khi đó, Cuba, Venezuela,  Nga là ba quốc gia đang bị Mỹ và một số nước thành viên EU cấm vận, và Trung Quốc đã điều động y bác sĩ mang theo thiết bị và thuốc men sang giúp Italia chống Covid-19.

Máy bay Mỹ chở 500.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 từ Italia về nước(Ảnh: Daily Mail)

Máy bay Mỹ chở 500.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 từ Italia về nước(Ảnh: Daily Mail)

Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, Mỹ và đồng minh cũng như các thành viên trong cộng đồng phương Tây nói chung sẽ phải xem xét lại mối quan hệ giữa họ cũng như quan hệ của họ với Nga và Trung Quốc. Hơn nữa, Covid-19 chưa phải là thảm họa cuối cùng. Không loại trừ khả năng, Covid-19 là kịch bản tập dượt về một cuộc chiến tranh thế giới phức hợp (World Hybrid War). Đơn cử, khi một loại virus máy tính có thể tấn công làm tê liệt toàn bộ hệ thống mạng thông tin trên phạm toàn cầu, thì thế giới sẽ phải đối phó ra sao?

Có lẽ, đã đến lúc thế giới cần suy ngẫm về đề xuất của V.Putin xây dựng một trật tự thế giới mới với những thể chế được xác lập, trong đó “tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, đều phải được tôn trọng”. Trong bối cảnh thế giới đang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II ở châu Âu, Chính Tổng thống Nga V.Putin đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc gặp của 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bàn thảo về cách thức hóa giải các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Giới phân tích gọi cuộc gặp này là Hội nghị Yalta-2 vì nó có ý nghĩa tương tự như Hội nghị Yalta-1 được tổ chức vào tháng 2/1945, trong đó ba cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh thống nhất hành động để thiết lập trật tự thế giới sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Lúc này Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý với sáng kiến này và cuộc gặp đầu tiên có thể sẽ được tổ chức tại Washington nhân dịp Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc.