|
Ảnh minh họa: CNBC |
Theo nghiên cứu được thực hiện trực tuyến với 10.000 người tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mastercard vừa công bố, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc.
Nghiên cứu cho thấy phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong khu vực. Hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3/2020. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Bên cạnh những thay đổi trong thói quen mua hàng là xu hướng chuyển dịch sang các phương thức thanh toán mới trên toàn khu vực. Cụ thể, phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á tham gia khảo sát cho biết kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, việc sử dụng tiền mặt của họ đã giảm đáng kể với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia và Philippines, 59% tại Thái Lan.
Cùng với đó, các phương thức thanh toán không tiếp xúc đang ngày một phổ biến hơn. Tại Singpore, 31% người được khảo sát cho biết họ có xu hướng thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng.
Trong khi đó, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ở ví điện tử và ví di động so với các hình thức thanh toán không tiếp xúc khác.
Về tâm lý người tiêu dùng trong khu vực, khoảng 83% người dân Philippines vẫn thận trọng và e ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, trong khi đó, con số này tại Malaysia là 70%, Singapore là 55%, và Thái Lan là 41%.
Trên toàn khu vực, người dân cũng lo ngại về tác động của đại dịch đối với tài chính gia đình. Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng bất ổn này cũng khiến cho 80% tại Philippines, 75% tại Malaysia, 74% tại Thái Lan và 65% tại Singapore dè chừng trước những khoản mua sắm giá trị lớn, cao hơn mức trung bình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 59%.
Mặc dù lo ngại rằng đại dịch có thể vẫn sẽ tiếp diễn, người tiêu dùng trong khu vực vẫn giữ thái độ lạc quan và tin tưởng về năng lực ứng phó và kiểm soát dịch bệnh của quốc gia họ.
Tại Singapore, 88% người tham gia khảo sát cảm thấy tích cực và 68% có thái độ trung lập về cách thức Chính phủ và các ngân hàng đang hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng. Với niềm tin này, 20% người được hỏi cho biết họ tin rằng họ sẽ tăng mức đầu tư trong vài tháng tới.