Hong Kong
Theo lời kể của một phóng viên của CNN, khi anh tới sân bay quốc tế Hong Kong vào hôm Chủ nhật tuần trước, đã lập tức được chuyển tới một khu vực cách ly nằm ở tầng thấp của sân bay này.
Tại đây, nhóm phóng viên trải qua nhiều công đoạn kiểm tra sức khỏe và an ninh. Các nhân viên sân bay kiểm tra thân nhiệt, chuyển cho họ một bảng câu hỏi rất chi tiết để xác nhận rằng họ chưa từng đến Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc hay các “điểm nóng” khác của dịch bệnh.
Hai quan chức phụ trách cách ly đưa cho nhóm phóng viên một văn bản chỉ thị trước khi họ được phép rời khỏi sân bay. Bản chỉ thị này quy định nhóm phóng viên phải đo thân nhiệt 2 lần/ngày và lập tức báo cáo cho cơ quan y tế nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường.
Và đó là từ hôm Chủ nhật tuần trước. Các biện pháp ở Hong Kong hiện tại còn nghiêm ngặt hơn nhiều.
Chính quyền đặc khu trong tuần này tuyên bố rằng bất cứ ai đặt chân tới Hong Kong từ một nước khác đều phải tự cách ly trong vòng 2 tuần lễ, và có khả năng sẽ bị lắp đặt một vòng tay điện tử kiểm soát – thiết bị sẽ phát báo động cho chính quyền nếu họ rời khỏi nơi cách ly.
Tính đến thời điểm này, các biện pháp chặn dịch mạnh tay của chính quyền Hong Kong dường như đã mang lại hiệu quả.
Mặc dù Hong Kong chia sẻ đường biên giới với Trung Quốc đại lục, nhưng số ca nhiễm ở thành phố có mật độ dân cư đông đúc này chỉ dừng ở con số 167 – dù cho số ca có tăng đột biến trong tuần này, phần lớn là do du khách quốc tế từ các nước đang gặp khó trong việc ứng phó với virus corona.
Ngoài các biện pháp quản lý chặt ở sân bay, rất khó bắt gặp người dân nào ở Hong Kong không mang khẩu trang. Thành phố này vốn đã thấm thía bài học đau đớn từ đợt dịch SARS năm 2003, khi có tới 300 người dân Hong Kong tử vong.
Bản kết quả đo thân nhiệt của phóng viên Mỹ tại sân bay Hong Kong (Ảnh: CNN)
|
Chính quyền Hong Kong đã sớm chỉ thị đóng cửa trường học, thư viện công và viện bảo tàng, đồng thời hối thúc người dân làm việc tại nhà…tất cả các biện pháp trên đều được áp dụng từ tháng 2, khi mà thành phố này mới chỉ có một vài ca nhiễm COVID-19. Mặc dù chính quyền không đi xa đến mức đóng cửa quán bar và nhà hàng, nhưng khi virus lan đến Hong Kong, rất nhiều người dân đã tự giác ở nhà và tránh xa những nơi đông người.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, mọi chuyện lại rất khác.
Khi nhóm phóng viên của CNN đặt chân tới sân bay Narita của Nhật Bản trong tuần này, máy bay của họ mở cửa như bình thường. Nhóm phóng viên đi bộ tự do trong sân bay, và được khoảng 500 m thì tới văn phòng cách ly, nơi có khoảng 10 nhân viên chuyên trách cách ly đang nhanh chóng kiểm tra hành khách vừa tới.
Không có ai kiểm tra thân nhiệt nhóm phóng viên, mặc dù họ đã đi qua một camera kiểm tra nhiệt. Nhưng đó là một buổi chiều lạnh và rất nhiều hành khách quán chặt mình trong lớp áo dày, có thể gây ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra thân nhiệt của camera.
Một nhân viên đưa cho nhóm phóng viên các mẫu đơn bằng tiếng Anh để ký, trong đó đề nghị họ ở nhà trong vòng 14 ngày, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày và tránh các phương tiện giao thông công cộng.
Đây là những yêu cầu đơn giản và không mang tính ràng buộc. Một người có thể tuân thủ các quy định này, nhưng không có gì ngăn cản họ đi tới bất cứ nơi nào mà họ muốn.
Một văn bản được nhân viên cách ly phát tại sân bay Narita, yêu cầu hành khách tránh các phương tiện giao thông công cộng và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày (Ảnh: CNN)
|
Nhiều nước khác hiện đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại cho rằng tình hình dịch COVID-19 ở đất nước ông chưa tới mức ông phải dùng tới quyền lực khẩn cấp.
Ở Tokyo, trong khi nhiều trường học đóng cửa, một số sự kiện lớn bị hủy, và số người phải làm việc tại nhà lớn chưa từng thấy; phần lớn các quán bar và nhà hàng lại vẫn mở cửa, nhiều người vẫn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, và các bậc cha mẹ vẫn cho con cái ra ngoài đường chơi, thường là không đeo khẩu trang. Và có vô số cuộn giấy vệ sinh xếp đầy trên các kệ hàng trong siêu thị.
Lý giải về việc Nhật Bản không đóng cửa ngăn dịch, Thủ tướng Abe chỉ ra rằng nước ông chỉ có số lượng nhỏ các ca nhiễm COVID-19 nếu so với các nước khác.
Đúng là đảo quốc 125 triệu dân này hiện chỉ ghi nhận 873 ca nhiễm COVID-19, rất ít nếu so sánh với 31.506 ca ở Italy, 16.169 ca ở Iran và 8.413 ca ở Hàn Quốc.
Nhưng có một sự khác biệt quan trong giữa Nhật Bản và các quốc gia đang có số lượng ca nhiễm tăng cao: Nhật Bản chỉ đang xét nghiệm virus corona chủng mới cho một số lượng nhỏ người dân nếu so với nhiều quốc gia khác.
Tính đến ngày 17/3, Nhật Bản chỉ mới xét nghiệm cho 14.525 người dân, theo Bộ Y tế nước này, trong khi nhiều người trong số này đã được xét nghiệm nhiều lần. Ngược lại, Hàn Quốc có đủ khả năng xét nghiệm cho 15.000 người mỗi ngày.
Giới chức Nhật Bản nói rằng đất nước họ sẽ tăng cường khả năng xét nghiệm lên 8.000 người/ngày vào thời điểm cuối tháng này.
Đối với một nước có dân số đang già hóa nhanh chóng như Nhật Bản thì sự lan rộng của virus corona chủng mới có thể gây ra những hậu quả đáng sợ.