Công ty Nhật đầu tư mua robot thay nhân lực

Các doanh nghiệp cỡ vừa của Nhật Bản đang lên kế hoạch mua robot và các thiết bị khác để tự động hóa một loạt các nhiệm vụ.
Robot cùng làm việc với nhân viên trong dân chuyền lắp ráp tại một nhà máy của công ty Glory ở phía bắc Tokyo - Ảnh: Reuters
Robot cùng làm việc với nhân viên trong dân chuyền lắp ráp tại một nhà máy của công ty Glory ở phía bắc Tokyo - Ảnh: Reuters

Theo một khảo sát của Ngân hàng Nhật, các công ty có vốn cổ phần từ 100 triệu đến 1 tỉ yen tại nước này đang tăng cường đầu tư thêm 17,5% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 vừa qua. Đây là mức kỷ lục được ghi nhận cho đến nay.

Không rõ chi phí cho việc mua thiết bị tự động hóa trong khoảng đầu tư trên là bao nhiêu nhưng các công ty bán trang thiết bị tự động đều khẳng định số đơn đặt hàng đang tăng lên.

"Phần vốn đầu tư là để tăng hiệu quả do sự thiếu hụt nhân công đang càng nặng nề", ông Seiichiro Inoue - giám đốc Phòng chính sách công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, cho biết.

Hãng tin Reuters nhận định nếu tham vọng đầu tư của doanh nghiệp Nhật thành hiện thực, đó sẽ là một "lớp lót bằng bạc" khi nước Nhật có gắng đối phó với tình trạng dân số già.

Tham vọng này có thể giúp các nhà sản xuất thiết bị nâng cao năng suất sản xuất và thúc đẩu tăng trưởng kinh tế.

Cách thức Nhật đối phó với tình trạng dân số già có thể là một bài học quan trọng cho các xã hội đang lão hóa khác như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhân viên tên Yashuhiki Hashimoto thuộc bộ phận robot của hãng Kawasaki chỉ rõ: "Hơn 90% các công ty Nhật là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng hầu hết không dùng robot. Chúng tôi đang đưa ra nhiều ứng dụng và sản phẩm nhắm đến nhóm các công ty này".

Hãng Kawasaki cho biết trong số này có robot 2 tay, cao 1,7 mét là sản phẩm bán khá chạy của công ty vì có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất điện tử, các công ty chế biến thực phẩm và dược phẩm.

Công ty sản xuất máy móc Hitachi cho biết họ đang nhận được rất nhiều yêu cầu về việc lập trình cho máy đào đất, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để đào rãnh có độ chính xác cao và giảm thời gian đào đất xuống một nửa.

Ngoài ra các nhà phát triển bất động sản, công ty sản xuất thực phẩm, nước giải khát và các chuỗi khách sạn tại Nhật cũng đang tìm kiếm những robot và thiết bị tiết kiệm sức lao động.

Khách sạn Hen na Hotel gần Tokyo Disneyland tự xem mình là khách sạn robot vì có đến 140 robot khác nhau với trí thông minh nhân tạo biết phục vụ cho khách thay người thật.

Dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản lên mức đỉnh điểm là 87 triệu người vào năm 1995 và từ đó liên tục giảm. Chính phủ Nhật Bản ước tính lực lượng này sẽ giảm xuống còn 76 triệu người vào năm 2017 và còn 45 triệu người vào năm 2065.