Công nghệ điện toán đám mây đưa Olympic Tokyo 2020 đến một kỷ nguyên kỹ thuật số mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các công ty công nghệ đã hợp tác với đài truyền hình để thử nghiệm các công nghệ đưa Thế vận hội bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số mới.
Ảnh: South China Morning Post
Ảnh: South China Morning Post

Hành trình đến với huy chương vàng Olympic chưa bao giờ khó khăn đến thế. Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại Nhật khiến việc áp dụng hàng loạt công nghệ mới cho thế vận hội Tokyo 2020 dường như là điều bắt buộc.

Dịch vụ điện toán đám mây và các công ty công nghệ đã hợp tác với đài truyền hình để thử nghiệm các công nghệ mới, đưa Thế vận hội bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Điều này khiến khán giả có thể tiếp cận với những khoảnh khắc, tinh thần thể thao theo một cách thú vị hơn.

Các đài truyền hình hiện đang được hỗ trợ bởi công nghệ OBS Cloud. Đây là sự hợp tác giữa Olympic Broadcasting Services (OBS) và nền tảng công nghệ kỹ thuật số của Alibaba Group - công ty sở hữu South China Morning Post.

OBS Cloud hiện đang tiên phong trong việc phân phối nội dung đến các đài truyền hình với nhiều định dạng để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mọi nền tảng truyền thông trên khắp thế giới. Các giải pháp front-end và back-end cũng được sử dụng giúp các kênh truyền thông sử dụng ít phần cứng cũng như nhân công hơn. Nguồn cấp dữ liệu theo thời gian thực của mọi trận đấu đều gửi qua điện toán đám mây bất cứ lúc nào.

Được biết nội dung số và di động là trọng tâm chính của các giải pháp dựa trên điện toán đám mây mới này nhằm đón đầu sự chuyển đổi số hoàn toàn của ngành phát thanh truyền hình. Một ví dụ điển hình là Content+ hiện đang sản xuất hàng nghìn cảnh quay Tokyo 2020 cho các nền tảng số khác nhau, chẳng hạn như các clip ngắn phù hợp với các bài đăng trên mạng xã hội.

Các đài truyền hình có thể thiết lập hệ thống tạo nội dung và truy cập nguồn cấp dữ liệu trực tiếp cũng như các tệp tin về sự kiện thời gian thực để sản xuất và chỉnh sửa nội dung trước khi phát sóng.

Các hoạt động, dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây đã được tiến hành rất lâu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nó đã được thử nghiệm tại Thế vận hội Olympic trẻ mùa hè Buenos Aires 2018 và đầu năm ngoái tại Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông Lausanne 2020. Đại dịch đã đẩy nhanh sự phát triển của điện toán đám mây khiến công nghệ này được hỗ trợ phát sóng cho Tokyo 2020. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên và là bước ngoặt mới trong cách các sự kiện thể thao trong tương lai được lên sóng trên toàn thế giới.

Ảnh: South China Morning Post

Ảnh: South China Morning Post

OBS Cloud dự kiến ​​sẽ sản xuất hơn 9.500 giờ nội dung - nhiều hơn 30% so với Thế vận hội Olympic mùa hè năm ngoái, được tổ chức cách đây 5 năm tại Rio - cho số lượng khán giả ước tính lên tới 5 tỉ người.

Selina Yuan, Tổng Giám đốc kinh doanh quốc tế của Alibaba Cloud Intelligence, cho biết Alibaba tự tin rằng OBS Cloud sẽ giúp chuyển đổi cách thức RHB phát sóng Thế vận hội Olympic. Các giải pháp mới này cũng mang lại lợi ích cho các tổ chức truyền thông về hiệu quả chi phí và khả năng quản lý trên toàn thế giới.

"Sự linh hoạt đi kèm với cơ sở hạ tầng của điện toán đám mây cho phép thời gian triển khai nhanh hơn với ít tài nguyên cần sử dụng hơn, trong khi tính linh hoạt của nền tảng đám mây cho phép thực hiện hậu kỳ và sản xuất từ ​​xa nhanh hơn từ bất kỳ vị trí nào có kết nối internet", cô nói thêm .

So sánh với Thế vận hội tại Paris năm 1924 - lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp thông qua đài phát thanh, nhưng phạm vi tiếp cận chỉ giới hạn ở nước chủ nhà Pháp. Vào thời điểm Thế vận hội tại Berlin 12 năm sau đó, công nghệ đã phát triển thành chương trình truyền hình trực tuyến, với ba máy quay cung cấp 138 giờ cảnh quay cho 162.000 người xem trong và xung quanh thành phố.

Tokyo lần đầu tiên đăng cai Thế vận hội Mùa hè vào năm 1964, nơi chứng kiến ​​một số tiến bộ công nghệ đã thay đổi cách thế giới theo dõi Thế vận hội. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã tiên phong trong việc sử dụng công nghệ vệ tinh để chiếu các hình ảnh trực tiếp của Lễ khai mạc tới khán giả toàn cầu.

Ảnh: South China Morning Post

Ảnh: South China Morning Post

Tại Thế vận hội Olympic mùa đông Sapporo 1972, Nhật Bản đã cung cấp một nguồn cấp dữ liệu cho phép các đài truyền hình lựa chọn những thước phim mà họ muốn phát sóng. Điều đó đã trở thành nguyên mẫu cho OBS.

Yiannis Exarchos, Giám đốc điều hành của OBS cho biết, OBS Cloud đang chuyển đổi cách tổ chức phát sóng Thế vận hội Olympic đến nhiều khán giả nhất có thể, ông nói thêm: “Đây có lẽ là sự thay đổi công nghệ lớn nhất trong ngành phát thanh truyền hình trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi giới thiệu về truyền dẫn vệ tinh. ”

OBS đã và đang ủng hộ sự chuyển đổi số của ngành truyền thông và coi Tokyo 2020 là cơ hội để các đài truyền hình mang đến những bước đi mới về cách khán giả có thể thưởng thức Thế vận hội.

Lần đầu tiên, Thế vận hội được phát sóng bằng công nghệ dải động cao và độ nét cực cao, cung cấp hình ảnh sắc nét hơn với chi tiết sống động như thật, màu sắc phong phú và độ tương phản cao hơn để ghi lại đầy đủ hành động và cảm xúc trong từng trận đấu.

Các công ty công nghệ khác cũng đang thử nghiệm các cải tiến mới để mang đến cho người xem trải nghiệm phong phú hơn. Công nghệ thực tế ảo đưa khán giả vào các sự kiện điền kinh và bóng rổ, trình chiếu 3D dựa trên trí tuệ nhân tạo được hỗ trợ bởi công nghệ của Intel và Alibaba Cloud. Hình ảnh động 3D cũng tạo ra một khung cảnh ảo được sử dụng trong môn thể thao leo núi - một trong những môn thể thao Olympic mới thêm vào trong năm nay.

Trong khi đó, gã khổng lồ Alibaba cũng đã triển khai công nghệ theo dõi say nắng dựa trên điện toán đám mây tại Tokyo 2020. Công nghệ này giúp ích cho những vận động viên tham gia tại Thế vận hội lần này với các bộ môn được tổ chức ngoài trời, nơi cái nóng oi bức buộc cơ quan thời tiết của Nhật Bản phải đưa ra một số cảnh báo say nắng trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Nhiệt độ đã ảnh hưởng đến một số vận động viên, với một cung thủ Nga bị ngất xỉu, trong khi tay vợt Novak Djokovic đã kêu gọi hoãn thời gian bắt đầu các trận đấu để tránh nhiệt độ cao điểm vào ban ngày.

Ảnh: South China Morning Post

Ảnh: South China Morning Post

Công nghệ của Alibaba cảnh báo người dùng về các vấn đề sức khỏe phát sinh do nhiệt độ tăng cao. Nó còn được trang bị một cảm biến theo dõi nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, đồng thời cảnh báo người dùng về bất kỳ sự bất thường nào của cơ thể thông qua ứng dụng. Công nghệ này còn được mở rộng sang giám sát môi trường, với các thiết bị phát hiện sự khắc nhiệt của thời tiết bằng cách đo nhiệt độ, độ ẩm và mức độ ánh sáng mặt trời tại các địa điểm.

Nếu quá trình chạy thử nghiệm tại Tokyo 2020 diễn ra tốt đẹp, công nghệ này dự kiến sẽ được triển khai tại các Thế vận hội trong tương lai và các sự kiện thể thao quốc tế khác.

Theo South China Morning Post