Công nghệ cao thực chất là gì?

VietTimes – Cuối năm 2008, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Công nghệ cao do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì xây dựng. Theo TS Nguyễn Văn Lạng – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ khi đó, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có Luật Công nghệ cao. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, công nghệ cao chính là đỉnh cao của khoa học liên ngành và sẽ là thiếu sót của bộ luật này nếu không bàn đến yếu tố đó.
Tại sao các nhà khảo cổ học không "đặt hàng" với chuyên gia công nghệ vật liệu để tìm lời giải cho công nghệ xây dựng tháp Chăm. Ảnh: Wikipedia
Tại sao các nhà khảo cổ học không "đặt hàng" với chuyên gia công nghệ vật liệu để tìm lời giải cho công nghệ xây dựng tháp Chăm. Ảnh: Wikipedia

Định nghĩa chính thức

Theo định nghĩa chính thức của Luật Công nghệ cao, đây là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Bộ luật này cũng ghi rõ việc tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong 4 lĩnh vực là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.

Cùng với 4 lĩnh vực nói trên, luật cũng ghi rõ thêm là Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện. Cùng với việc đó, Bộ Khoa học Công nghệ cũng là đầu mối chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khoa học liên ngành?

Theo không ít ý kiến, công nghệ cao chính là đỉnh cao của khoa học liên ngành. Cụ thể là có thể nói đến là sẽ không thể có công nghệ sinh học hiện đại nếu như không tranh thủ được những thành tựu của công nghệ thông tin. Bằng chứng cụ thể với công nghệ sinh học hiện đại chính là thành tựu về giải mã gien người với những hình ảnh hiện hữu là máy tính có năng lực xử lý cao, v.v và v.v… Tuy nhiên, trong văn bản chính thức của Luật Công nghệ cao lại không thể tìm thấy được cụm từ “khoa học liên ngành” (!).

Sẽ là không thừa để đề cập thêm một số thực tế của khoa học liên ngành ở Việt Nam. Điển hình có thể nói đến chuyện các nhà khảo cổ đã không tìm được lời giải xem tháp Chăm được xây dựng bằng công nghệ gì vì không hề có mạch vữa và chẳng lẽ người Chăm phải nung nguyên cả ngôi tháp (?). Đã có người đặt vấn đề là tại sao các nhà khảo cố không “đặt hàng” với các chuyên gia công nghệ vật liệu. Biết đâu câu trả lời lại được “biếu không” là tháp Chăm được xây dựng bằng một loại gạch làm từ vật liệu không nung. Người ta miết nước vào các viên gạch còn ướt rồi xếp chồng lên nhau và đến khi khô thì chúng dính chặt lại với nhau mà thôi.

Theo TS Ngô Trung Việt – một cựu chuyên gia của Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, để phát triển cho chuyên ngành của chính mình, ngoài những vấn đề mang tính chuyên môn thì các nhà khoa học còn phải theo dõi, cập nhật về thành tựu của các lĩnh vực khác để nghiên cứu ứng dụng cho lĩnh vực của mình. GS VS Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nhìn nhận: “Khoa học liên ngành là vấn đề của nhận thức. Tuy nhiên, một khi nhận thức chưa thay đổi thì khó lòng ép được nhau bất cứ điều gì!”

Thêm một thực tế nữa phải đề cập là đối với ngôn ngữ học thì về cơ bản, các chuyên gia của lĩnh vực này dường như đứng ngoài cuộc trước những sự vận động của công nghệ thông tin đối với ngôn ngữ. Đến nay, các sản phẩm về xử lý ngôn ngữ đã bước chân vào cả công nghệ dịch thuật, công nghệ nhận dạng tiếng nói… nhưng dường như rất ít thấy bóng dáng của các chuyên gia ngôn ngữ học.

Vậy mà trong một phát biểu chính thức với báo chí, GS TS Trần Trí Dõi – nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại có ý kiến: “Công nghệ thông tin là người ra yêu cầu, còn ngôn ngữ học phải trả lời cho những yêu cầu đó. Thế nhưng ở Việt Nam thì đâu phải cứ muốn ra là ra, muốn vào là vào, nhất là hoạt động khoa học này về cơ bản là tiêu tiền của Nhà nước”.  

Về ý kiến này, TS Quách Tuấn Ngọc  - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trước hết chính ngành ngôn ngữ học phải nhìn lại chính mình về thực tế đứng ngoài cuộc của họ. Và tại sao những người bức xúc như ông Dõi không lên thẳng các bộ ngành chức năng để đặt vấn đề cho họ được quyền chính thức tham gia các dự án của nhà nước liên quan đến mình?

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam dường như "đứng ngoài cuộc" trước những sự vận động của công nghệ thông tin suốt nhiều năm qua
Ngành ngôn ngữ học Việt Nam dường như "đứng ngoài cuộc" trước những sự vận động của công nghệ thông tin suốt nhiều năm qua

Cũng cần đề cập đến một lĩnh vực nữa là thể thao. Như mọi người đều biết, Việt Nam lần đầu tiên Việt Nam từng đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế là SEA Games 22 cuối năm 2003. Đương nhiên, đã là sự kiện thể thao quốc tế thì việc đo đếm, giám sát thành tích thể thao phải theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là phải ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa chứ không thể dùng thước dây và đồng hồ bấm tay như trước đó. Tuy nhiên theo TS Trần Xuân Thuận – trưởng ban tư vấn cho hoạt động này của SEA Games 22 thì khi bắt tay vào việc, sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai ngành thể thao và công nghệ thông tin lên đến 90%. Song cũng đáng mừng là SEA Games 22 sau đó đã thành công theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về đo kiểm thành tích vận động viên bởi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng những nỗ lực trên mức 100% của các đối tác công nghệ thông tin.

Yếu tố nguồn nhân lực

Tựu trung lại, có phát triển được công nghệ cao trong các lĩnh vực có nhu cầu hay không thì vấn đề quyết định vẫn là con người. Vậy nhưng trong văn bản của Luật Công nghệ cao cũng chỉ ghi điển hình là: “Tập trung phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác”.

Cũng về thực tế này, GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Câu lạc bộ các viện, trường, khoa đào tạo Công nghệ Thông tin từng khẳng định, việc đào tạo nguồn nhân lực cho trí tuệ nhân tạo không thể chỉ là trách nhiệm riêng của ngành công nghệ thông tin mà còn là của cả các ngành có nhu cầu về trí tuệ nhân tạo. Vì thế, bên cạnh việc đào tạo văn bằng 2 về công nghệ thông tin cho những đối tượng đã tốt nghiệp đại học thì rất cần bổ sung các kiến thức về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo của các chuyên ngành khác.

Qua những thực tế trên đây, có thể khẳng định: khoa học liên ngành có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao. Vì thế, Bộ Khoa học Công nghệ mà cụ thể là Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ - cơ quan đầu mối trong việc xây dựng Luật Công nghệ cao có trách nhiệm phải trả lời công luận về thực tế này.