Tiêu thụ 75 tấn vải thiều trong 20 ngày qua MoMo:

Công nghệ 4.0 mở lối “giải cứu” nông sản

VietTimes – Chương trình Ủng hộ nông sản Việt không chỉ hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh sau dịch COVID-19 mà còn giúp mở ra hướng đi mới mẻ cho tiêu thụ nông sản trong tương lai. 
Người dùng truy cập vào ứng dụng để đặt mua và siêu thị sẽ trực tiếp giao vải tới nhà.
Người dùng truy cập vào ứng dụng để đặt mua và siêu thị sẽ trực tiếp giao vải tới nhà.

Sau 20 ngày triển khai (bắt đầu từ ngày 10/6), chương trình Ủng hộ nông sản Việt do Ví điện tử MoMo phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Saigon Co.op đã giúp tiêu thụ hơn 75 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) với 14.676 lượt ủng hộ (TP.HCM và Hà Nội); 2.855 kg gạo giống ST Xuân Hồng với 353 lượt ủng hộ. Doanh số hai loại nông sản này tương ứng với số tiền thu được là hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 86 triệu đồng tương ứng với 16.099 lượt quyên góp cho con em nông dân cho năm học mới.

Theo thống kê từ Saigon Co.op, lượng vải thiều bán qua MoMo chiếm 20% tổng sản lượng vải thiều bán ra của Saigon Co.op năm nay.

Từ thực tế trên Ủng hộ nông sản Việt là một thử nghiệm hoàn toàn mới trên MoMo mở ra hướng đi cho mô hình hợp tác giữa các đơn vị trong cùng một hệ sinh thái. Theo đó, mỗi thành tố sẽ phát huy tối đa thế mạnh của mình, tận dụng hợp lý các nguồn lực tạo thêm nhiều giá trị cộng hưởng cho người dùng và cộng đồng, giải quyết các bài toán lớn của xã hội.

Việc đưa nông sản Việt lên bán trên nền tảng số là sự sáng tạo, đột phá mang đến trải nghiệm mua hàng mới mẻ. Song song, sự kết hợp của hai đơn vị đầu ngành cũng là điểm sáng tạo nên thành công của chương trình.

"Trên thực tế khi quyết định mua sản phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống người dùng có nhu cầu dùng cần biết rõ về nguồn gốc xuất xứ, phân phối và người dùng hoàn toàn yên tâm vì Saigon Co.op là thương hiệu lâu năm, đã gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Trong khi đó, MoMo với 20 triệu người dùng đã giúp chương trình tạo độ phủ trên quy mô lớn và giúp việc đặt mua nông sản cũng như kêu gọi quyên góp tiền nhanh chóng, an toàn", đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng cách làm này không chỉ mang tính thời điểm mà nên được phát triển, mở rộng. Nếu song hành cùng các chính sách vĩ mô khác của Nhà nước liên quan đến kích cầu, đến nhu cầu của từng địa phương với các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng miền đó, các chương trình kích cầu tương tự sẽ giúp mở ra hướng đi mới mẻ cho tiêu thụ nông sản trong tương lai.