|
Dưới thời HLV Henrique Calisto, Công Minh là một trong hai quân bài chủ lực nơi tuyến giữa của các lứa đội tuyển. Ảnh VFF. |
Đến giờ, mỗi khi nhắc đến SEA Games 2009 trên đất Lào, HLV H.Calisto vẫn nuối tiếc về việc không có tiền vệ trung tâm 22 tuổi Nguyễn Công Minh ở trận chung kết và tuột mất chiếc HCV tưởng như đã nằm trong tay. Công Minh thực sự là “máy quét” không mệt mỏi trước mặt các trung vệ của U23 Việt Nam thời điểm đó.
Tương lai bóng đá Việt
Mặc dù HLV Bồ Đào Nha đã giành chức vô địch AFF Cup 2008 nhưng SEA Games 2009 trên đất Lào mới là giải đấu ông nhận được sự kính nể của các đồng nghiệp. Đây là giải đấu mà U.23 VN chơi rất hay, hay nhất trong 3 năm tại vị của “Thầy phù thủy” Calisto. Tiền vệ Công Minh để dấu ấn ở trận đấu quan trọng nhất với U23 Thái Lan mà cũng là chìa khóa trên hành trình đi đến trận chung kết.
|
Thể hình nhỏ con nhưng Minh di chuyển nhanh, thường dùng các thế cài người để đánh bật đối phương to cao hơn mình. Ảnh VFF
|
Trong dàn sao xứ Nghệ tại SEA Games 25 như Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Bình, Ngọc Anh thì Công Minh được đánh giá cao nhất. Thậm chí đã ông H.Calisto đã có nhận xét: “Công Minh là cầu thủ tương lai của BĐVN”. Thi đấu tiền vệ trung tâm, lối đá của Công Minh có điểm gì đó tương đồng với Quốc Vượng. Thể hình nhỏ con nhưng Minh di chuyển nhanh, thường dùng các thế cài người để đánh bật đối phương to cao hơn mình. Khán giả xứ Nghệ còn nhớ những cú bay người vào bóng bằng cả 2 chân của tiền vệ này, không lẫn vào đâu được.
Trong trận đấu khai mạc trước đối thủ U23 Thái Lan, Công Minh đã thi đấu lăn xả, theo kiểu phi thân. Trận đấu có kết quả hòa sau khi Đình Tùng ghi bàn ở cuối trận nhưng trước đó Công Minh dính đòn trả đũa khi Arthit đạp thẳng đầu gối. Cú đạp đó khiến Công Minh bị bể đầu gối và đẩy sự nghiệp của tiền vệ này rẽ sang một hướng khác…
Tiền vệ nhỏ con nhưng thi đấu lì lợm này này đã bị đứt một dây chằng chéo sau ở gối trái. Tháng 5/2010, Công Minh chính thức bước vào ca mổ tại Bệnh viện Vũ Anh (TP.HCM) nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ Việt kiều Tuấn Nguyễn. Hai năm trời vật lộn với chấn thương, với kinh phí eo hẹp của cá nhân đã khiến tiền vệ có bô râu quai nón rất đẹp này không thể phục hồi chuyên môn.
|
Sau SEA Games 2009 khi các đồng đội Trọng Hoàng, Văn Bình rủng rỉnh tiền lương, chuyển nhượng thì Công Minh phải vật vã mưu sinh. Ảnh VNE
|
Đây là thời điểm đội chủ sân Vinh tái thiết lại đội bóng với sự xuất hiện của ngân hàng Bắc Á và bộ đội Hồng Thanh - Hữu Thắng. Với một khát khao mới, diện mạo mới, sân Vinh không còn là bến đậu của những cầu thủ không nằm trong mục tiêu của ban lãnh đạo mới, hàng loạt cầu thủ phải ra đi.
Lặng lẽ ra đi
Không còn chỗ đứng tại SLNA, Công Minh phải ra HP.HN theo diện cho mượn để rồi bắt đầu những chuỗi ngày vật vã... Một cuộc chia tay được coi là lặng lẽ hơn nhiều so với thời điểm SLNA chia tay Công Vinh và Minh Đức (sau giải 2008) trước đó.
Tưởng như sẽ gặp lại các đồng đội cũ Hải Nam, Ngọc Tú, Văn Vinh, thủ môn Đức Cường, Viết Nam cùng HLV Thành Vinh thì HP.HN giải thể (năm 2011). Khi đó Công Minh và các đồng đội được chuyển sang chơi cho CLB Hà Nội ACB dưới sự quản lý của bầu Kiên. Khoác áo CLB bóng đá Hà Nội, thể lực Minh chỉ đủ đá được khoảng 70 phút khiến tiền vệ này khó khăn trong việc tìm lại chính mình. Vận xui lại đến khi bầu Kiên bị bắt, đội bóng giải thể, Công Minh lại “ra đường”.
Sau SEA Games 2009 khi các đồng đội Trọng Hoàng, Văn Bình rủng rỉnh tiền lương, chuyển nhượng thì Công Minh phải vật vã mưu sinh. Giữa mùa 2013, Công Minh được ký hợp đồng với ĐT.LA, tuy nhiên anh không được thi đấu nhiều. Mùa giải 2014, Minh vào QNK.Quảng Nam nhưng do không tìm được tiếng nói chung với BHL nên chỉ nửa mùa giải, anh xin thanh lý hợp đồng sớm và gia nhập Hải Phòng, nơi quê vợ.
Kết cục buồn
Tưởng như đây sẽ là bến đậu cuối đời cho cầu thủ cá tính, tài hoa nhưng số phận khá hẩm hiu này thì trong thời gian tập luyện chuẩn bị cho mùa giải 2015, Công Minh nảy sinh bất đồng với CLB nên xách ba lô rời đội để tiếp tục những ngày tháng âm thầm tự luyện tập.
Tài năng là có thật, nhưng tiền sử chấn thương cùng cá tính mạnh khiến Công Minh không tài nào kiếm được chỗ đậu ở V.League dù được bạn bè giới thiệu khá nhiệt tình. Rốt cuộc Á quân SEA Games 2009 Nguyễn Công Minh đành chấp nhận xuống đá cho đội bóng hạng Nhất Đắk Lắk. Nhưng đó chỉ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của tiền vệ có lối đá đầy máu lửa của bóng đá Việt Nam cách đây 10 năm. Công Minh đã giải nghệ một cách lặng lẽ sau mùa giải năm 2016.
Với trường hợp Công Minh thì đúng như Nguyễn Du, chữ “tài” đi với chữ “tai” một vần. “Nghĩ đời mà ngán cho đời/ Tài tình chi lắm chừ giời đất ghen”.