Cổng Dịch vụ công quốc gia: Xử lý 1.400 hồ sơ/ngày, hạn chế trục lợi chính sách

VietTimes – Tính trong hơn một tháng trở lại đây - giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19, số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) tăng gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý của 4 tháng trước đó. Trung bình, mỗi ngày Cổng tiếp nhận, xử lý gần 1.400 hồ sơ trực tuyến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng DVCQG. Ảnh: VNPT cung cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng DVCQG. Ảnh: VNPT cung cấp.

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra hôm 9/5.

Với nội dung thúc đẩy sử dụng chính phủ điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua, tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử.

Trong đó, tiêu biểu là trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên Cổng DVCQG.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 7/5/2020, Cổng DVCQG đã có trên 35 triệu lượt truy cập, trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Cổng cũng đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Triển khai thêm 5 dịch vụ quan trọng

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Cổng DVCQG đang gấp rút triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch. Cổng DVCQG thực hiện liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Cổng DVCQG triển khai 5 dịch vụ: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“5 dịch vụ này rất quan trọng. Chúng ta làm tốt vấn đề này để thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Các dịch vụ công này trên Cổng DVCQG sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.

Chính phủ điện tử tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm, góp phần đổi mới lề lối làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử đã có một số kết quả đáng kể, giúp đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ các cơ quan nhà nước.

Khai trương từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 đến 150.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông.

Trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh. Trong tháng 3/2020, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận đã tăng gấp 5 lần so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục, đặc biệt trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hàng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó, gửi nhận văn bản điện tử còn góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc.