Công chức, viên chức và người dân Lạng Sơn sẽ có trợ lý ảo hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả cơ quan nhà nước có trợ lý ảo hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, 100% người dân, doanh nghiệp của tỉnh được trợ lý ảo hỗ trợ dùng dịch vụ công.

Thông tin trên là một nội dung trong Nghị quyết 49 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy địa phương này ban hành mới đây.

Bốn trụ cột chính trong chuyển đổi số toàn diện Lạng Sơn

Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm: Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025; cùng các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số.

Chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn là xây dựng tỉnh Lạng Sơn trở thành địa phương có bước đi nhanh, sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chuyển đổi số; nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thể chế và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn để phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.

Kinh tế số là 1 trong 4 trụ cột chính của chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kinh tế số là 1 trong 4 trụ cột chính của chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng chỉ đạo rõ, mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số tỉnh này đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số - xã hội hiện đại áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030 theo 4 trụ cột chính gồm: Chính quyền số; Kinh tế số ; Xã hội số; Cửa khẩu số .

Lạng Sơn đang thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức

Đáng chú ý, trong các mục tiêu cụ thể về phát triển Chính quyền số và Xã hội số Lạng Sơn đến năm 2025, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã nêu rõ yêu cầu về ứng dụng trợ lý ảo (Chatbot) để hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức trong công việc và giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp.

Cụ thể, một trong những mục tiêu phát triển chính quyền số Lạng Sơn là đến năm 2025, 100% cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước có ít nhất 1 trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc.

Về phát triển xã hội số, cùng với các chỉ tiêu như trên 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số… cũng đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp tại Lạng Sơn sẽ được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước là 1 bước đi trong lộ trình chuyển đổi số tại tỉnh Lạng Sơn (Ảnh minh họa: Internet)
Việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước là 1 bước đi trong lộ trình chuyển đổi số tại tỉnh Lạng Sơn (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với trợ lý ảo, thông tin được giải đáp tự động 24/7 và có thể phục vụ nhiều người cùng một lúc, tiết kiệm thời gian tư vấn, góp phần thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.

“Việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước là 1 bước đi trong lộ trình chuyển đổi số tại tỉnh Lạng Sơn nhằm mục tiêu sớm đưa Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số” , ông Dương Xuân Huyên nhấn mạnh.

Trên thực tế, từ giữa năm nay, Sở TT&TT Lạng Sơn đã khởi động việc triển khai xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức Lạng Sơn trong công tác quản lý nhà nước.

Theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước được xây dựng với 5 tiêu chí cứng về chức năng, công nghệ, giao diện, hiệu năng, an toàn bảo mật.

Trong đó, có 7 yêu cầu về tiêu chí chức năng gồm: Tìm kiếm, phân tích, thiết kế các kịch bản trả lời đúng các nội dung liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của các ngành; tương tác người sử dụng với trợ lý ảo bằng giọng nói thực hiện trên Mobile app và Text; hiểu được ngôn ngữ tự nhiên để phân tích nội dung người sử dụng nhập vào và xác định được ý định đúng của người dùng, bao gồm cả trường hợp người dùng nhập gần đúng.

Từ đó, trợ lý ảo trả về kết quả tương ứng; nhúng được vào các phần mềm như: Cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, Zalo, Facebook; xây dựng hệ thống pháp luật pháp điển hóa; phân tích, tổng hợp và dự thảo ra file word các mẫu văn bản như giấy mời, tờ trình, báo cáo, quyết định… và kết nối được với các hệ thống báo cáo, cơ sở dữ liệu.

Hiện tại, trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức Lạng Sơn đang được triển khai thử nghiệm tại Sở TT&TT. Trên cơ sở thử nghiệm, Sở TT&TT Lạng Sơn sẽ báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh mở rộng triển khai trong thời gian tới.

Theo ICTNews