“Cơn hạn” bóng đá đỉnh cao tại Đồng bằng sông Cửu Long còn đến bao giờ?

VietTimes -- Ngày 8 tháng 10 năm 2018, XSKT.Cần Thơ nói lời chia tay V.League sau trận đấu với đội khách Nam Định. Kể cũng từ ngày đó khán giả 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không còn cơ hội cỗ vũ cho bóng đá đỉnh cao.
Người Tây Đô tự hào có sân Cần Thơ với sức chứa lớn nhất trong các sân vận động Việt Nam với 60.000 chỗ.  Ảnh Cần Thơ FC
Người Tây Đô tự hào có sân Cần Thơ với sức chứa lớn nhất trong các sân vận động Việt Nam với 60.000 chỗ. Ảnh Cần Thơ FC

13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích (40.547,2 km²) cả nước, 18% dân số (gần 18 triệu người) nhưng giờ đây không còn đội bóng nào tại V.League.

Điệu hát buồn đất phương Nam

Kể từ V.League 2009 (ngoại trừ mùa giải 2013 không có đội xuống hạng), mỗi năm “bảng phong thần” đều điền tên các CLB ở miền Nam, lần lượt là: TP.HCM, ĐTLA, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, rồi lại Đồng Tháp, Long An và cuối cùng với Cần Thơ ở mùa giải 2018. V.League 2019 không còn là lần đầu tiên sau 9 năm liền người ta không còn chứng kiến cảnh buồn cuối mùa giải vì Đồng bằng sông Cửu Long đã sạch bóng trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam.

Sau cái lắc đầu ngám ngẩm của bầu Thắng trong vai Chủ tịch VPF ngồi theo dõi trận đấu trên khán đài, Long An chính thức xuống hạng lần thứ 2 trong lịch sử. Nó mở đường cho bầu Thắng rút lui khỏi bóng đá Việt một cách lặng lẽ. 

Bầu Thắng giờ chỉ còn hứng thú với bóng đá giảng đường. Ảnh LAFC
Bầu Thắng giờ chỉ còn hứng thú với bóng đá giảng đường. Ảnh LAFC

Khán giả phía Nam còn nhớ Giải vô địch bóng đá toàn quốc A1 đầu tiên phía Nam có đến 10/18 đại diện. Ngoài 4 đại diện của TP.HCM là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm, Sở Công nghiệp; có 4 đội bóng của miền Đông và Tây Nam Bộ: Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp.

Những cái tên như Đặng Trần Chỉnh, Hồ Văn Tam, Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn (Cảng Sài Gòn), Minh “nhí”, Đỗ Khải, Kim Hằng, Tấn Liêm (Hải quan), Công Lộc, Công Minh, Huỳnh Quốc Cường (Đồng Tháp)… đã đi vào lòng người hâm mộ.

Trải qua những biến cố thăng trầm của sân cỏ Việt Nam, bóng đá Đồng bằng sông Cửu Long rơi rụng dần. Nhưng đến mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên mang tên V.League 2004 vẫn có 4/12 CLB: ĐTLA, B.Bình Dương, Đồng Tháp, Ngân hàng Đông Á. Thậm chí, có giai đoạn ĐBSCL có đến 5 đội góp mặt ở V.League mà thời hoàng kim là 2 chức vô địch của Đồng Tháp (năm 1989 và 1996) và ĐTLA (năm 2005 và 2006, cùng 3 chức á quân).

Thương lắm miền Tây

Đến khi bầu Thắng nghỉ chơi với bóng đá thì Gạch Đồng Tâm Long An sau khi bỏ chữ Gạch (2007), mất dần 2 chữ Đồng Tâm (2016) và rớt nốt 2 chữ Long An trong danh sách các đội V.League 2017 trong 1 biến cố trên sân Thống Nhất. Một cách rút lui khỏi bóng đá theo một kịch bản không thể buồn hơn, khi hàng loạt HLV, cầu thủ bị kỷ luật vì “đứng hình tập thể” tẩy chay trọng tài Nguyễn Trọng Thư.

XSKT.Cần Thơ cũng chỉ có mặt tại sân chơi V.League có 4 mùa giải (từ 2015-2018) nhưng thứ hạng chỉ 11, 11, 13 và 14- rớt hạng. Ngay từ khi gia nhập giải đấu đỉnh cao thì XSKT.Cần Thơ đã tỏ ra hụt hơi và việc chia tay chỉ là vấn đề thời gian, dù họ đã làm hết cách.

Cái tên Gạch Đồng Tâm Long An giờ chỉ còn trong tiềm thức người hâm mộ. ẢnhCLB
 Cái tên Gạch Đồng Tâm Long An giờ chỉ còn trong tiềm thức người hâm mộ. ẢnhCLB

Bóng đá phía Nam bây giờ chỉ còn TP.HCM, Sài Gòn, B.Bình Dương, trong đó CLB Sài Gòn thực chất là Hà Nội B, một đội bóng khác của bầu Hiển. Dường như bóng đá ĐBSCL vừa thiếu kinh phí lẫn những ông bầu có tầm lẫn có tiền để vực dậy cái nôi của bóng đá Việt một thời.

Người Tây đô tự hào có sân Cần Thơ với sức chứa lớn nhất trong các sân vận động Việt Nam 60.000 chỗ. Ngày 28 tháng 10 năm 2014, sân ghi nhận kỉ lục Việt Nam, giữa 2 đội U19 Việt Nam và U19 Thái Lan có tới 70.000 khán giả. Nhưng giờ đây, chỉ còn lèo tèo vài trăm người đến xem XSKT.Cần Thơ đá giải hạng Nhất.

Bao giờ mới hết cơn hạn

Hiện nay, trong 12 đội hạng Nhất có 4 đại diện ĐBSCL là Đồng Tháp, An Giang, Long An và đội bóng Tây đô. Dù tham vọng nhưng sau biến cố các cầu thủ trẻ Đồng Tháp tham gia cá cược tại Giải bóng đá vô địch U21 quốc gia và giải hạng Nhì  quốc gia 2019 họ sẽ khó khăn về lực lượng khi VFF ra bản án kỷ luật. Có lẽ, chỉ có Cần Thơ cho thấy tham vọng khi bổ nhiệm tân HLV trưởng Nguyễn Hữu Đang ngay sau khi mùa giải 2019 kết thúc.

HLV Hữu Đang (ở giữa) với sứ mệnh "giải khát" cho XSKT.Cần Thơ bằng tấm vé lên V.League 2021. Ảnh Báo Cần Thở
HLV Hữu  Đang (ở giữa) với sứ mệnh "giải khát" cho XSKT.Cần Thơ bằng tấm vé lên V.League 2021. Ảnh Báo Cần Thở

Cựu tuyển thủ quốc gia này từng thuộc “thế hệ vàng” cùng lứa với Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh và có 8 năm kinh nghiệm làm HLV tại Trung tâm PVF. Năm ngoái, XSKT.Cần Thơ chỉ đứng thứ 10 trong 12 đội và việc đầu tiên của tân HLV trưởng Nguyễn Hữu Đang là “thay máu” cầu thủ.  Cần Thơ chỉ giữ lại thủ môn Lê Văn Hưng (SHB.ĐN); hậu vệ Đào Văn Phong (S.Khánh Hòa), Bùi Văn Long (HAGL, SHB.ĐN) và gọi lại  2 “người cũ” Tấn Hùng. Minh Thuận khi còn chơi V.League.

Ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc điều hành CLB Bóng đá Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, đội bóng có 12 cầu thủ quê gốc Cần Thơ hoặc là vừa định cư ở Cần Thơ như: Thanh Hiền, Thanh Long, Phương Tâm, Văn Quân, Minh An… và 5 cầu thủ trẻ vừa được đôn lên từ U23 Cần Thơ sẽ làm nòng cốt trong mùa giải mới"

Đối thủ của XSKT.Cần Thơ là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và CLB vừa rớt hạng S.Khánh Hòa. Đây là những đội ít nhiều đã thể hiện tham vọng và đã tung tiền mời HLV, chiêu mộ cầu thủ quyết tâm lên V.League. Các ông thầy như HLV Võ Đình Tân của CLB vừa rớt hạng S.Khánh Hòa, Trần Minh Chiến của tân binh Bà Rịa - Vũng Tàu và Nguyễn Đức Thắng của Bình Định đều một chín, một mười.