Cội nguồn cuộc khủng hoảng Iran

VietTimes -- Những chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama đối với Iran đã dọn đường cho những cuộc khủng hoảng nổ ra gần đây ở Trung Đông, mà gần đây nhất là vụ ám sát lãnh đạo lực lượng Quads – Tướng Qassem Soleimani – theo lệnh của Tổng thống Donald Trump vào ngày 3 tháng 1. Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Mỹ có bài phân tích về cuộc khủng hoảng Iran hiện nay.
TT Trump có thể đang chìm đắm vào vòng xoáy chính trị trong nước, nhưng ông ta đã có một “chiến thắng”quan trọng.
TT Trump có thể đang chìm đắm vào vòng xoáy chính trị trong nước, nhưng ông ta đã có một “chiến thắng”quan trọng.
Trước đó, Iran tấn công người Mỹ ở Iraq, khiến một người thiệt mạng và nhiều người Mỹ và Iraq khác bị thương. Trump trả đũa bằng vụ tấn công lực lượng du kích Iraq do Iran hậu thuẫn, giết chết 16 người. Iran tiếp tục đáp trả bằng cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Trump, biết rằng Soleimani đang ở Baghdad, đã ra lệnh tiến hành không kích ngay khi ông này rời sân bay, khiến ông này và một số lãnh đạo khác của Iran thiệt mạng.
Vì sao Soleimani quan trọng đối với Mỹ
Soleimani là nhân vật quyền lực số hai trong chính phủ Hồi giáo Iran, và có khả năng lên làm tổng thống trong tương lai. Ông ta lãnh đạo lực lượng Quads – một nhánh trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo – được triển khai bên ngoài Iran nhằm tranh thủ các hỗn loạn trong khu vực nhằm thực thi tham vọng của Iran muốn trở thành cường quốc thống trị khu vực, thay thế vị trí Saudi Arabia và các đồng minh của nước này từng nắm giữ. Iran thuộc về nhánh Hồi giáo Shia trong khi Saudi lãnh đạo nhánh Hồi giáo Sunni. Các lực lượng Hồi giáo Shia và Sunni nhiều năm qua luôn trong tình trạng chiến tranh, gây nên thương vong lớn cho cả hai bên.
Tư lệnh Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 ở Iran, vừa bị Mỹ ám sát, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng
Tư lệnh Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 ở Iran, vừa bị Mỹ ám sát, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng

Bên lề: Iran (Shia) và Iraq (được cai trị bởi người Sunni) đã gây chiến với nhau suốt từ năm 1980 đến 1988, khiến cho khoảng nửa triệu binh lính thiệt mạng. Cuộc chiến tranh này hoàn toàn vô nghĩa lý.

Kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ ở Iraq năm 2003, Soleimani đã thâm nhập sâu vào bộ máy an ninh Iraq, nhờ đó, ông ta có thể dễ dàng di chuyển khắp nước này. Soleimani đã tài trợ cho nhiều nhóm du kích ở Iraq, những người trung thành với Iran, chứ không phải Iraq. Ông ta cũng cài cắm vào chính phủ Iraq những người có cảm tình với Iran. Bằng chứng về tầm ảnh hưởng của Soleimani là hàng chục nghìn người ở Baghdad đã đến dự đám tang của ông ta hôm mùng 3 tháng 1.
Soleimani cũng tài trợ và huấn luyện cho du kích quân Hezbolla ở Lebanon, những người đang cố gắng lật đổ chính phủ hợp pháp của Lebanon. Hezbollah là chi nhánh công khai của Iran. Nhóm này từng ám sát Thủ tướng Rafic Hariri năm 2005 và lật đổ người kế nhiệm ông này năm 2019. Những nhà lãnh đạo khác cũng bị Hezbolla ám sát.
Vào năm 2011, Hezbolla bắt đầu gửi hàng ngàn tay súng sang Syria hỗ trợ cuộc nội chiến của Bashir Assad’s chống lại Nhà nước Hồi giáo trong một nỗ lực nhằm biến Syria thành đồng minh của Iran. Họ là kẻ thù truyền kiếp của Israle và bị cáo buộc là đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công nhằm vào nước này. Năm 2006, Hezbollah và Israel bước vào tình trạng chiến tranh.
Soleimani tài trợ và hậu thuẫn cho Hamas, một đảng/nhóm du kích người Palestine đang cai trị dải Gaza ở biên giới Israel. Điều trớ trêu là Hamas thuộc nhánh Sunni nhưng họ sẵn sàng đứng về phe người Shia Iran để chống lại kẻ thù chung Israel. Gần đây, Hamas đã tấn công bức tường biên giới ngăn cách Israel với Gaza và thường xuyên bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Soleimani cũng ủng hộ các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình vào các giếng dầu Abqaiq-Khurais của Saudi Arabi vào tháng Chín 2019, phá hủy hơn 5% nguồn cung cấp dầu cho cả thế giới.
Kể từ năm 2015, Soleimani hỗ trợ quân nổi dậy Houthis trong cuộc nội chiến ở Yemen, những người đang gây chiến chống Saudi Arabia. Ông ta cung cấp vũ khí, quân trang và huấn luyện cho quân nổi dậy. Houthis đã bắn tên lửa vào Saudi Arabia. Tàu Iran chở lậu vũ khí vào Yemen thi thoảng bị bắt. Yemen đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo khi hàng nghìn người bị chết vì dịch tả và nạn đói.
Cỗ máy bạo loạn của Soleimani dựa vào những nhóm đại diện được tài trợ để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, tấn công mạng, ám sát, bắt cóc và đánh bom tự sát, nhằm ủng hộ Iran. Ông ta đã làm những điều này suốt từ năm 2002. Năm 2007, Hội đồng Bảo an LHQ cấm ông ta rời Iran vì dính líu đến những hành động khủng bố, nhưng ông ta thường xuyên phớt lờ lệnh cấm.
Cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad, giết chết Tướng Soleimani và một số lãnh đạo khác của Iran
Cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad, giết chết Tướng Soleimani và một số lãnh đạo khác của Iran

Điểm mấu chốt của người Mỹ là ở đó…

Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng Soleimani đang công du khắp khu vực để chuẩn bị những người ủy nhiệm và đồng minh cho những cuộc tấn công quy mô lớn không chỉ nhắm vào Mỹ mà còn các đồng minh của Mỹ và các kẻ thù khác. Một số chuyên gia, dù chưa tìm ra bằng chứng, tin rằng Soleimani ở Baghdad để giúp lên kế hoạch lật đổ chính phủ Iraq hiện tại.
Và, Mỹ đổ lỗi cho Soleimani phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm binh lính Mỹ bị giết ở Iraq, đặc biệt bởi các Thiết bị nổ tự tạo được cái tiến (IEDs). IEDs là thiết bị nổ gây chết người được dùng để nhắm vào các đoàn xe chở lính. IEDs là di sản và vũ khí được lựa chọn của Soleimani.
Người dân trong khu vực đang bắt đầu chống lại Soleimani, ít nhất là theo những cách gián tiếp. Các nhóm đối lập ở Iran đã nổi loạn vì nạn tham nhũng và chế độ thần quyền nặng nề đang đàn áp người dân ở nước này. Chính phủ Iran đã giết hàng trăm người và bắt giữ 7000 người trong nỗ lực trấn áp bạo loạn.
Tương tự, người dân ở Iraq cũng đã nổi dậy kể từ tháng Mười 2019 vì tệ tham nhũng và chính phủ yếu kém, cũng như để phản đối sự can dự của Iran vào các công việc nội bộ của quốc gia này. Iran đã cắm rễ sâu vào chính phủ và xã hội Iraq.
Hàng chục ngàn người Lebanon cũng đang biểu tình trên khắp cả nước, một phần, vì lo ngại ảnh hưởng của Hezbolla.
Nhiều mảnh ghép động ở Trung Đông đều đang xoay quanh Soleimani.
Vậy thì, Obama có liên quan gì đến phản ứng của Trump đối với Soleimani?
Sai lầm ngớ ngẩn của Obama
Obama đã cố ý trao quyền cho Iran để bắt đầu hành trình trở thành cường quốc Hồi giáo vượt trội trong khu vực. Obama tin rằng chính Mỹ và các đồng minh ở Saudi Arabia và Israel là căn nguyên của bất ổn ở khắp các quốc gia Hồi giáo. Để đạt được hòa bình trong khu vực, các cấu trúc quyền lực hiện thời cần phải được sắp xếp lại và trao cho Iran vai trò dẫn đầu trong khu vực.
Obama đã tin tưởng một cách ngây thơ rằng nếu ông trao quyền cho Iran trong khu vực, nước này sẽ trở thành “một quốc gia bình thường”, hành xử theo luật pháp đồng thời từ bỏ chủ nghĩa khủng bố. Ông ấy đã sai lầm biết bao!
Để thực thi chính sách trên, Obama cần can ngăn Iran xây dựng vũ khí hạt nhân vốn có thể bị sử dụng để chống lại không chỉ Israel mà cả các nước Arab đang phản đối tham vọng của nước này.
Obama đã đàm phán một thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Iran vào năm 2015, nhằm ngăn chặn sự phát triển của vũ khí hạt nhân trong ít nhất 10 năm, sau đó Iran có thể khôi phục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích, tiến trình thỏa thuận hạt nhân chỉ là một trò hề. Chẳng hạn như, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng Obama đã cho đi quá nhiều trong khi đòi lại quá ít. Các nhà phê bình chỉ ra rằng đáng lẽ Obama có thể đòi hỏi Iran chấm dứt chương trình khủng bố toàn cầu của họ - được vận hành bởi Soleimani – để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế như một phần của thỏa thuận.
Các lệnh cấm vận của Mỹ và LHQ nghiêm khắc đến mức đẩy Iran đến bờ vực sụp đổ. Obama không thể cho phép Iran sụp đổ về mặt kinh tế, vì điều đó sẽ hủy hoại nỗ lực của ông nhằm trao quyền cho nước này trong khu vực.
Cách tiếp cận của Obama đối với Iran gần như là một sự thỏa hiệp hoàn toàn để đạt được một hiệp ước hạt nhân và trao quyền cho Iran trong khu vực. Dưới đây là một vài điểm nhấn:
Obama không có được sự ủng hộ của Quốc hội, thậm chí ngay trong chính Đảng Dân chủ của mình để phê chuẩn một hiệp ước hạt nhân với Iran. Vì vậy, trước tiên ông đã yêu cầu EU, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc ký thỏa thuận, sau đó sử dụng điều này để gây áp lực buộc Quốc hội phải thông qua. Quốc hội đã không sẵn sàng phê chuẩn thỏa thuận nhưng bằng các thủ đoạn chính trị khéo léo, Obama đã khiến cho Quốc hội không thể chỉnh sửa hay bác bỏ thỏa thuận này. Bởi thế, thỏa thuận quan trọng này đã được hoàn tất trong bí mật mà không có ý kiến đóng góp hay phê chuẩn của Quốc hội vào thời điểm mà hầu hết người dân Mỹ, phe Dân chủ và phe Cộng hòa đều không ủng hộ nó.
Có lẽ bê bối lớn nhất nổi lên trong tiến trình thỏa thuận hạt nhân là những bình luận của Ben Rhodes, một trong những người được Obama giao trọng trách tham gia tiến trình này. Rhodes, xuất thân là một nhà viết tiểu thuyết trẻ thất bại, chẳng có chút kinh nghiệm nào về Trung Đông, Iran, hay thậm chí kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, tuy nhiên, Obama lại tin tưởng anh ta trong chính sách với Iran. Rhodes đã gây ra cơn sốc lớn trong cuộc phỏng vấn năm 2016 khi anh ta khoác lác rằng mình đã lựa chọn một nhóm nhà báo ngây thơ ở Washington để cung cấp những thông tin sai lệch về thỏa thuận Iran nhằm tạo ra các bản tin có lợi một cách không chính đáng.
Tháng Năm 2018, Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tuyên bố đây là thỏa thuận tồi nhất trong lịch sử. Động thái này đã chọc giận các đồng minh của Mỹ, những nước đã ủng hộ thỏa thuận và cổ xúy cho sự nhân nhượng Iran, cũng như coi Iran như một đối tác thương mại và đầu tư. Trump cũng khiến cho người Iran đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân để trả đũa.
Nhưng sự nhân nhượng của Obama đối với Iran đã bắt đầu ngay sau khi ông lên làm tổng thống năm 2009 và kéo dài cho đến khi ông rời nhiệm sở năm 2016.
Năm 2009, các nhóm đối lập ở Iran nổi loạn chống chính quyền với phong trào “Cách mạng Xanh”. Hàng ngàn người đã chiếm lĩnh các đường phố, nhiều người bị giết. Những người biểu tình công khai kêu gọi Obama gúp đỡ, nhưng nước Mỹ giữ im lặng vì không muốn xúc phạm Iran. Trái lại, cùng thời gian này ở Ai Cập, Obama lại ủng hộ những người biểu tình chống chính quyền thân Mỹ Hosni Mubarak, dẫn đến việc ông này bị bắt giam và thay thế bởi chính quyền do Những người Anh em Hồi giáo chống Mỹ kiểm soát. Ai Cập là một kẻ thù của Iran.
Năm 2011, Iran thất bại trong âm mưu ám sát Đại sứ Saudi trên đất Mỹ, tại một nhà hàng ở Washington DC. Iran muốn khiến cho Mỹ và Saudi khó xử.
Năm 2012, Obama thuyết phục Israel không phá hủy những cơ sở hạt nhân mới bắt đầu manh nha của Iran. Obama lo ngại rằng tấn công Iran sẽ nhấn chìm các cơ hội tái đắc cử tổng thống của ông vào tháng Mười một. Chương trình hạt nhân Iran được cho phép tiếp tục. Điều thú vị là, Israel đã phát hủy được chương trình hạt nhân của Syria vào năm 2007, chứng tỏ rằng họ hoàn toàn có năng lực làm điều đó.
Obama giữ Mỹ tránh xa cuộc nội chiến Syria ngay từ những ngày đầu, một lần nữa, nhằm tránh chọc giận Iran. Năm 2013, nhà độc tài Bashir Assad bắt đầu sử dụng khí độc sarin để tiêu diệt những người nổi loạn, ở Ghouta, thảm sát gần 2000 dân thường. Trước đó, Obama đã cảnh cáo việc sử dụng hơi độc sẽ là giới hạn đỏ để Mỹ trả đũa. Assad vẫn lấn tới. Sau đó, Obama và Nga đàm phán một thỏa thuận với Assad để phá hủy những vũ khí này. Assad không phá hủy chúng và tiếp tục sử dụng chúng cho đến nay.
Iran bắt cóc công dân Mỹ và giữ họ làm con tin để gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ. Obama đã có thể đòi tự do cho một số con tin như một phần của thỏa thuận hạt nhân nhưng không phải là tất cả. Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra và điều trần của Quốc hội, Obama đã trả cho Iran 400 triệu USD để đổi lấy tự do cho bốn con tin vào năm 2016. Obama đã vi phạm một số luật để trả tiền chuộc. Mỹ trả tiền mặt bằng đồng francs Thụy Sĩ, vận chuyển đến Tehran trong một chuyến bay không đánh số vào đêm muộn, cũng như không thông báo kế hoạch này cho Quốc hội. Tiếp đó, Obama trả hai khoản tiền khác tổng số lên tới 900 triệu USD. Obama cố gắng che giấu vụ việc này.
Năm 2016, IRGC, một tàu tuần tra của Mỹ bị mất điện và đi lạc vào eo biển Hormuz, thuộc vùng biển của Iran. Iran đã bắt giữ thủy thủ đoàn của hai tàu Mỹ, một hành động rõ ràng đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Iran đã sỉ nhục đoàn thủy thủ trên truyền thông và buộc Ngoại trưởng John Kerry phải nhân nhượng để họ được trao trả. Obama đã không có bất kỳ hành động gì.
Trong suốt nhiệm kỳ của Obama, ông liên tục chỉ trích và làm suy yếu Israel, trong khi trao quyền cho Hamas. Các nhà phê bình cho rằng chủ ý của việc này nhằm giúp Iran thực hiện tham vọng trên lưng Israel.
Obama đã rời nhiệm sở được ba năm, nhưng ông và các cộng sự cũ – trong đó có Ben Rhodes đã nói ở trên – không ngừng tác động tiêu cực đến chính sách Iran của Trump. John Kerry đã làm việc với Iran, bảo họ chống lại Trump và chờ đợi cho đến kì bầu cử tháng Mười một 2020 khi một tân tổng thống Dân chủ có thể được bầu lên để thay thế Trump. Dường như, ông Obama đang muốn bảo vệ di sản gây tranh cãi của mình với Iran một cách tuyệt vọng.
Hàng chục ngàn người tham gia đám tang Soleimani ở Iraq, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Iran ở nước này
Hàng chục ngàn người tham gia đám tang Soleimani ở Iraq, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Iran ở nước này

Vì sao Trump phê chuẩn quyết định ám sát Soleimani

Những lời đồn đoán đang tràn ngập các phương tiện truyền thông toàn cầu xoay quanh lý do vì sao Trump tiêu diệt Soleimani. Đây là những gì tôi nghĩ.

Trump đang chiến đấu vì sinh mệnh chính trị của mình khi phe Dân chủ ở Quốc hội tìm cách phế truất ông, thậm chí bỏ tù, hoặc chứng minh ông ta thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ của một tổng thống. Truyền thông thế giới tin rằng vụ ám sát là một nỗ lực đánh lạc hướng của Trump.

Tôi tin rằng truyền thông đã phán đoán sai. Iran đã gia tăng các vụ tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Iraq, Lebanon, Saudi Arabia và nhiều nơi khác. Iran đang trưng dụng các tàu chở dầu cho quân đội, bắn hạ máy bay không người lái của quân đội Mỹ, thổi bay các cơ sở dầu mỏ và kích động bất ổn trong khu vực. Rõ ràng, Iran tin rằng Trump đã suy yếu và giờ là lúc đẩy mạnh các nỗ lực của họ nhằm thống trị khu vực.

Trump có thể đã vô tình củng cố ấn tượng này của Iran: tháng Sáu 2019, Iran bắn hạ một máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD. Trump đã sẵn sàng trả đũa, nhưng rồi ông ta vận dụng cách tiếp cận của Obama và hủy bỏ cuộc không kích vào phút cuối.

Trump cũng chỉ nhận được sự ủng hộ khá lãnh đạm từ các đồng minh khi ông này cố gắng vận động để thành lập một đội đặc nhiệm hải quân nhằm bảo vệ IRGC tránh khỏi các tàu tuần tra ở eo biển Hormuz. Trump cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh gia tăng trừng phạt đối với Iran. Điều này chỉ khuyến khích Iran thêm mạnh tay.

Trump có thể đang chìm đắm vào vòng xoáy chính trị trong nước, nhưng ông ta đã có một “chiến thắng”quan trọng. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã xóa sổ được một số lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo, đáng kể nhất là Abu Bakr al-Baghdadi hồi tháng Mười, chấm dứt những nỗ lực thành lập Thánh địa Hồi giáo của nhóm này ở Syria/Iraq kể từ năm 2014. Nhà nước Hồi giáo là nhóm thánh chiến Sunni và là kẻ thù của người Shia ở Iran.

Trump cũng gửi hàng ngàn quân đến Saudi Arabia để bảo vệ các giếng dầu của nước này. Ông ta cũng gửi đội quân tinh nhuệ đến Iraq để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ. Cần nhớ rằng al-Qaeda đã tấn công cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Benghazi, Lybia năm 2012, khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens thiệt mạng. Obama chần chừ trong việc gửi quân tinh nhuệ đến giải cứu, dẫn đến cái chết của vị đại sứ. Phản ứng của Trump đối với vụ tấn công Sứ quán ở Baghdad là một nỗ lực nhằm tránh “vết xe đổ” của Obama.

Có thể Trump đã chịu đựng đủ sự khiêu khích từ Iran. Các nhà phê bình có thể phản ứng rằng Iran sẽ trả đũa. Nhưng hãy xem xét thực tế là Iran đã không ngừng tấn công vào Mỹ và các đồng minh kể từ khi chính quyền Shah của Iran sụp đổ và Cộng hòa Hồi giáo trỗi dậy dưới quyền cai trị của Giáo chủ Ayatollah Khomeini kể từ năm 1979. Đó là khi những kẻ thánh chiến xâm chiếm sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt giữ 52 nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày.
Sự thù hận trong suốt hơn 40 năm qua rất khó để vượt qua.
Trường Minh (chuyển ngữ)