Có nên dùng cán bộ chủ trì có “uy tín sắp đặt”?

VietTimes -- Trong thực tế, do việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đảng ta đã phát hiện, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ sai phạm. Trong số này có không ít cán bộ chủ trì được coi là “hạt giống đỏ” nhưng lại sống, làm việc bằng “uy tín sắp đặt”.
Hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng Thanh Hóa được nâng đỡ trở thành cán bộ giữ cương vị chủ trì trong thời rất ngắn đã gây bức xúc trong dư luận thời gian dài.
Hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng Thanh Hóa được nâng đỡ trở thành cán bộ giữ cương vị chủ trì trong thời rất ngắn đã gây bức xúc trong dư luận thời gian dài.

Cán bộ có “uy tín sắp đặt” được lựa chọn làm cán bộ chủ trì hoặc được bầu, hoặc là được chỉ định, được giao nhiệm vụ đảm nhiệm công tác lãnh đạo, quản lý đã có trong thực tế. Đó thường là nhưng người còn ít tuổi so với thế hệ lãnh đạo trước, có chất lượng công tác về mặt nào đó kém hơn so với cán bộ có “uy tín thật” như năng lực tư duy thực tiễn, khả năng thuyết phục và đặc biệt là trình độ, kinh nghiệm quản lý.

Xin chỉ thẳng ngay rằng, đó là những cán bộ có các điều kiện về học vấn, kinh tế, mối quan hệ hoặc là con ông cháu cha và được cán bộ cấp cao hơn nâng đỡ chỉ vì... thích.

Những cán bộ có “uy tín sắp đặt” thường được tuyển dụng rất đúng quy trình, được giao đảm nhận vị trí chủ trì thông qua nhiều cách khác nhau, có thể là thực tập cán bộ chủ trì khi vị trí lãnh đạo, quản lý ấy bị thiếu khuyết hay được tổ chức Đảng cho phép xếp chồng...

Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là “hạt giống đỏ” bị ngã ngựa trên đường thăng tiến.

Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là “hạt giống đỏ” bị ngã ngựa trên đường thăng tiến.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở cán bộ “uy tín sắp đặt” là thăng tiến rất nhanh, được giao đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý trong thời gian rất ngắn và được cơ cấu vào các chức vụ Đảng, chính quyền mà nhiều cán bộ có “uy tín thật” dù đã miệt mài phấn đấu nhiều năm và rất mơ ước nhưng không đạt được.

Hậu quả của việc sử dụng cán bộ có “uy tín sắp đặt” vào các vị trí chủ trì rất khó định lượng. Nhưng nhìn thấy rõ nhất là tình trạng kết quả thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan, đơn vị, địa phương thường không cao hoặc thậm chí tập thể lục đục, mất ổn định và mất đoàn kết kéo dài.

Trường hợp những cán bộ có “uy tín sắp đặt” bị ngã ngựa trên đường công danh có thể kể đến hai nhân vật tiêu biểu là: Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Bá Cảnh, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban dân vận Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Phạm Văn Thành hiện cư trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình rất bất bình và phản đối hiện tượng cán bộ chủ trị có “uy tín sắp đặt” tồn tại ở các cơ quan, đơn vị và địa phương. Ông phân tích, nhiệm vụ của các cán bộ về cơ bản là khác nhau nhưng cũng có điểm chung, đó là phải quán các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của trên để cụ thể hóa thành công việc và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, điểm giống nhau của cán bộ chủ trì là phải làm công tác lãnh đạo, quản lý. Đây là nội dung hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng công tác của tập thể và rất cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, khả năng nắm chắc nhiệm vụ, đối tượng quản lý.

Ông Nguyễn Bá Cảnh là một trong những cán bộ giữ chức Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng mà không trải qua thực tiễn và bị ngã ngựa do vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Bá Cảnh là một trong những cán bộ giữ chức Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng mà không trải qua thực tiễn và bị ngã ngựa do vi phạm pháp luật.

Ông Thành cho rằng, nhiều người học ở nước ngoài về nước và được bố trí đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý với mác là “hạt giống đỏ” nhưng kiến thức về xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước thì ở mức A, B, C, không hiểu nguyên tắc và có khi chỉ đạo một việc cụ thể có kết quả thiếu tầm. Tuy thiếu kinh nghiệm tiến hành nhưng vẫn đứng “trên vai” nhiều người để lãnh đạo, chỉ đạo và thậm chí có những phát ngôn răn dạy những người lớn tuổi, người có kinh nghiệm, trình độ.

Trong thực tế, nếu cấp trên lựa chọn và bố trí cán bộ có “uy tín sắp đặt” để cơ cấu làm cán bộ chủ trì thì ở các cấp dưới và cơ sở tất sẽ làm theo và thi hành đúng như vậy. Theo các chuyên gia, nếu việc này được thực hiện rộng rãi và dư luận xã hội phản ứng yếu ớt thì sẽ trở thành tiền lệ rất xấu cho chất lượng hoạt động và uy tín lãnh đạo Đảng.   

Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các tổ chức cơ sở đảng trong cả nước đang tiến hành lựa chọn nhân sự bầu vào ban chấp hành khóa mới và lựa chọn người chủ trì.

Đây là việc hệ trọng và chịu sự tác động mạnh từ nhiều phía. Trước vấn đề này, dư luận cho rằng, tổ chức cơ sở đảng và Trung ương cần phải kiên quyết không dùng những cán bộ chủ trì có “uy tín sắp đặt” thì mới mong đưa cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Thời nào cũng vậy, công tác cán bộ luôn là vấn đề then chốt nhất trong những vấn đề then chốt của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”,“công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, nên trong công tác cán bộ “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải trọng nhân tài”.

Suy cho cùng, việc lựa chọn nhân sự bầu vào cấp ủy, bầu bí thư, phó bí thư trong đại hội đảng các cấp cũng như lựa chọn những cán bộ chủ trì đứng đầu cơ quan, đơn vị là việc làm nhằm mở rộng dân chủ, hướng tới lựa chọn cán bộ chủ trì “uy tín thật”, đủ các điều kiện lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành nhiệm vụ và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà bố trí cán bộ có “uy tín sắp đặt” đảm nhiệm các vị trí chủ trì quá với khả năng hiện có thì tác hại mang lại sẽ khôn lường và phải trả giá bằng năm, tháng mới lấy lại được sự ổn định. Thế nên, cách tốt nhất là không nên dùng cán bộ có “uy tin sắp đặt” vào các chức danh chủ trì quan trọng.