|
Nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" của BHL SLNA. Ảnh SLFC |
Là đội bóng có truyền thống của bóng đá Việt Nam 4 thập kỷ qua nhưng SLNA đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng cho mình một chiến lược dài hạn. 10 năm qua, chưa bao giờ người xứ Nghệ thấy nói đến việc nâng cấp sân Vinh, vốn được xem tệ nhất, nhì V.League hay một bản chiến lược phát triển dài hạn.
Còn đúng 4 cầu thủ đá chính
Đơn giản với các bản hợp đồng tài trợ sau ít tiền hơn hợp đồng trước, đội bóng xứ Nghệ luôn nằm trong tình trạng “ăn đong”. May mắn với khoản kinh phí 25 tỷ đồng/năm từ địa phương, SLNA còn có tuyến trẻ để bổ sung lực lượng cho đội 1, cầm cự chờ cơ hội.
|
Trung vệ Memovic đã đến gia nhập sân Plei-ku. Ảnh VPF.
|
Sau khi kết thúc mùa giải năm nay, SLNA chỉ còn đúng 12 cầu thủ còn hạn hợp đồng, trong đó chỉ có 4 cầu thủ thường xuyên đá chính Hoàng Văn Khánh, Hồ Tuấn Tài, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh.
Ngoài ra 3 lão tướng như Đình Đồng, Văn Bình, Quang Tình, cùng hậu vệ Võ Ngọc Đức đã công khai bày tỏ quan điểm muốn gắn bó với SLNA.
Ngoại trừ trung vệ Memovic đã đến sân Plei-ku, ngoại binh Vinicius trả lại TP.HCM, Olaha đã về nước, có đến 11 cầu thủ còn thời hạn hợp đồng đến ngày 31/12/2019 nhưng theo luật FIFA, từ trước đó 6 tháng họ đã có quyền đàm phán với CLB mới. Trong đó có khá nhiều khuôn mặt sáng giá như thủ môn Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Đình Hoàng, Ngọc Toàn…các bến đỗ mới của họ được cho là các đại gia có nhiều tiềm lực như Viettel, SHB.Đà Nẵng.
Thực tế, dù chưa công khai những khá nhiều cầu thủ đã có bến đỗ mới, chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố. Không chủ động được nguồn kinh phí, nên ngoài những buổi gặp gỡ không chính thức thì theo nguồn tin chúng tôi được biết, các bên đều chưa thể hứa hẹn điều gì. Không sẵn kinh phí nên SLNA khó lòng “trả đúng giá” và thanh toán 1 cục cho các cầu thủ như các đội bóng khác.
Rút kinh nghiệm nhiều lứa đàn anh, các cầu thủ SLNA thường đến các đội bóng mới theo tốp để hỗ trợ nhau trong sinh hoạt và trên sân cỏ. Điều đó lại càng khiến cho đội bóng xứ Nghệ thường khó giữ được cầu thủ có chuyên môn cao.
Vấn đề “đầu tiên”
Cũng như nhiều đội bóng chuyên nghiệp khác, SLNA đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn thu từ bóng đá. Việc kinh doanh hàng lưu niệm không thể triển khai vì cổ động viên có thói quen dùng hàng fake, tiền biển quảng cáo cũng chỉ vài trăm triệu đồng/năm. Với lượng khán giả đến sân Vinh trung bình 7.000 người/trận thì con số doanh thu chỉ chưa đạt 1 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó bản quyền truyền hình do VPF tập trung khai thác cũng mới chỉ là dạng “hàng đổi hàng”, bởi V.League không hấp dẫn các nhãn hàng. V.League 2018 số tiền bản quyền truyền hình chỉ hơn 1 tỷ đồng cho 14 đội bóng, quá nhỏ để chia nhau.
Không khó để hiểu vì sao khi nói đến tìm nhà tài trợ cho đội bóng, các ông bầu SLNA đều trông chờ và nhìn về lãnh đạo địa phương. Khi mối lương duyên SLNA-Bắc Á sau 1 thập kỷ đã đến lúc nói lời tạm biệt thì tìm đâu ra doanh nghiệp làm ăn ở Nghệ An đủ lớn để tài trợ cho đội bóng là điều không dễ.
|
Khắc Ngọc là cái tên được nhiều đội săn đón nhất. Ảnh SLFC
|
Mùa bóng năm ngoái, một đại gia ở phía bắc sau nhiều tháng đàm phán với đội bóng, cuối cùng đi vào ngõ cụt chủ yếu do các điều kiện chuyển giao. Trước khi mùa bóng kết thúc, màn tìm kiếm tài trợ cho SLNA đã được tỉnh khởi động nhưng mọi việc đang diễn ra khá chậm.
Mặc dù mới đây Báo Nghệ An đã thông tin có thể ngày 7/11 tới danh tính nhà hợp đồng mới của SLNA sẽ được công bố, nhưng theo nguồn tin riêng của chúng tôi việc đàm phán khó diễn ra thuận lợi như thế. Điều đó đồng nghĩa với SLNA sẽ có cuộc “cháy máu” được cho là nhiều nhất trong vòng vài năm gần đây. Khán giả xứ Nghệ đang nín thở chờ giờ G và cầu mong sao đội bóng còn đủ lực lượng để chơi mùa bóng sau.