Sở Du lịch Đà Nẵng:

Có chuyện tiếp tay doanh nghiệp du lịch nước ngoài hoạt động “chui“

VietTimes -- "Đã có hành vi tiếp tay cho các đơn vị Trung Quốc núp bóng hoạt động lữ hành để tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép", ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Dulịch Đà Nẵng cho biết, đã có hành vi tiếp tay cho các đơn vị Trung Quốc núp bóng hoạt động lữ hành để tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Dulịch Đà Nẵng cho biết, đã có hành vi tiếp tay cho các đơn vị Trung Quốc núp bóng hoạt động lữ hành để tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép

Lên quan đến tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động "chui" tại Đà Nẵng gây quan ngại đối với môi trường du lịch trong thời gian qua. Đặc biệt là tình trạng thiếu kiểm soát dẫn đến việc hướng dẫn Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam khiến dư luận bức xúc. Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng về hiện tượng này.

- Ông cho biết quan điểm của mình về việc liên tiếp những phản ánh về hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động không phép xuất hiện trên địa bàn?

Với sự tăng trưởng quá nhanh của các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay đã dẫn đến các vấn đề phát sinh, không chỉ riêng đối với Đà Nẵng mà các địa phương khác trong cả nước cũng gặp khó khăn trong quá trình xử lý. Tình trạng các dịch vụ không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thị trường (đặc biệt là dịch vụ hướng dẫn du lịch), bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên trong nước vì lợi nhuận đã có hành vi tiếp tay cho các đơn vị Trung Quốc, Hàn Quốc núp bóng hoạt động từ đó các công ty lữ hành Trung Quốc, Hàn Quốc tự ý tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý để giải quyết triệt để tình trạng này còn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, hầu hết các đối tượng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép là những người đã tạm trú lâu năm ở Việt Nam nên hoạt động rất tinh vi, giao dịch qua mạng, thanh toán bằng thẻ tín dụng nên khó bị phát hiện, xử lý.

Đối tượng người nước ngoài thường thuê chung cư vừa để lưu trú vừa làm địa điểm kinh doanh du lịch trái phép nên việc tiếp cận, nắm thông tin và xác minh đối tượng vi phạm để xử lý rất khó khăn, phức tạp.

Không chỉ vậy, do nhận thức yếu kém của một bộ phận doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên trong nước đã có hành vi tiếp tay cho các đơn vị Trung Quốc, Hàn Quốc núp bóng hoạt động; một số nhân viên tại khu, điểm tham quan đã có hành vi tiếp tay, thông báo sự có mặt của Đoàn kiểm tra cho các đối tượng vi phạm để có hành vi đối phó, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của Sở (Thanh tra Sở) thực hiện công tác hậu kiểm quá mỏng, không thể triển khai công tác kiểm tra xử lý thường xuyên ở một lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn... 
Và một lý do nữa không kém phần quan trọng là việc gia hạn visa cho người nước ngoài và công tác quản lý người nước ngoài tạm trú trên địa bàn chưa chặt chẽ…nên đã dẫn đến tình trạng trên.

- Sau khi xác minh, thì thông tin các hướng dẫn viên này thuyết minh sai lệch lịch sử Việt Nam bị báo chí đã phản ánh được xử lý như thế nào?

Để có cơ sở kiểm tra xử lý, Sở Du lịch đã vận động và phối hợp lực lượng cung cấp thông tin từ hướng dẫn viên, lái xe du lịch… Qua đó các hướng dẫn viên đã gửi thông tin, hình ảnh vi phạm của người nước ngoài trong hoạt động hướng dẫn để Sở có cơ sở kiểm tra xử lý.

Tuy nhiên, các thông tin chúng tôi nhận được vừa qua chưa đủ cơ sở để kết luận và hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc để xác minh lảm rõ các thông tin phản ánh của báo chí về vấn đề trên và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Có ý kiến cho rằng, việc để hướng dẫn viên Trung Quốc lộng hành là do cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, trong đó Sở Du lịch là cơ quan chủ chốt! và ông cho biết trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao khi để xảy ra sự việc?

Như tôi đã nói ở trên, trong quá trình đang phát triển của du lịch sẽ không tránh khỏi phát sinh các vấn đề cần thường xuyên điều chỉnh trong công tác quản lý. Việc xác định trách nhiệm cụ thể của ngành nào, đơn vị là chủ chốt sẽ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định đối với ngành đó. Việc người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch hay mục đích khác (kinh doanh, thăm thân…) nhưng hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, bất kể ở lĩnh vực nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. 

Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm và phạm vi quyền hạn của mỗi ngành đến đâu trong vấn đề này sẽ được làm rõ để nhằm khắc phục và chấn chỉnh, qua đó đảm bảo công tác quản lý được tốt hơn trong thời gian tới.

- Theo như chúng tôi được biết, ở các nước, đoàn khách nào cũng phải có sự giám sát của hướng dẫn viên nước sở tại. Tại sao chúng ta lại không bắt buộc hướng dẫn viên trong nước hướng dẫn, theo sát hướng dẫn viên Trung Quốc mà để họ lộng hành như vậy?

Thật sự là trong quá trình phát triển du lịch, việc “cầu” lớn hơn “cung” sẽ dẫn tới cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của của điểm đến không đáp ứng kịp và vì vậy dẫn đến một số bất cập xảy ra như trường hợp hướng dẫn viên. 

Thời gian vừa qua, lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc là một trong những thị trường khách đứng đầu trong top các thị trường đến Đà Nẵng. Trong khi đó, lực lượng hướng dẫn viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường cả về số lượng lẫn chất lượng. Luật Du lịch đã quy định hướng dẫn viên phải có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.

Đối với tình hình thị trường tiếng hiếm đang thiếu hướng dẫn viên và ngành chức năng cũng đã có những quy định chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của hướng dẫn viên. Tuy nhiên trong quá trình triển khai một số doanh nghiệp đã cố tình lách Luật, vẫn tổ chức chương trình tour có hướng dẫn viên có thẻ quốc tế tham gia hướng dẫn cùng trưởng đoàn của người nước ngoài nhưng để cho một số trưởng đoàn thực hiện hướng dẫn cho đoàn, còn hướng dẫn viên người Việt Nam chỉ ngồi làm “bình phong” đối phó với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó bản thân các Hướng dẫn viên cũng chưa nâng cao nhận thức để phản ánh với công ty lữ hành, cơ quan chức năng mà vì lợi ích riêng của cá nhân đã tiếp tay hoặc chấp nhận để tình trạng này xảy ra.

Và một điều nữa là lực lượng chức năng của Sở còn quá mỏng, không thường xuyên có mặt cùng lúc ở các điểm để kiểm tra xử lý. Công tác phối hợp liên ngành cũng chưa được thường xuyên và chặt chẽ.

- Như vậy liệu Sở Du lịch đã làm hết trách nhiệm khi không hề phát hiện mà chỉ khi hướng dẫn viên Việt Nam phát hiện, bức xúc tố cáo? Trong thời gian qua, ngành Du lịch Đà Nẵng đã xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm, và trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ có những động thái gì? Liệu có giải quyết được vấn nạn này hay không?

Với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, Sở Du lịch đã thường xuyên tích cực phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp gặp gỡ nắm bắt thông tin để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động du lịch, kiểm tra xử lý và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch. 

Đối với hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép của người nước ngoài, trong thời gian qua Sở cũng đã tích cực kiểm tra xử lý, tuy nhiên việc hoạt động trái phép này hết sức tinh vi, trong các đợt thanh tra kiểm tra một số đối tượng còn được sự tiếp tay của một số hướng dẫn viên Việt Nam và nhân viên tại một số khu điểm du lịch khiến cho việc thanh tra kiểm tra gặp khó khăn. Chính vì vậy Sở Du lịch đã mở rộng cộng tác viên để cung cấp thông tin và có bằng chứng để xử lý có hiệu quả vấn đề này. Qua đó, các hướng dẫn viên đã cung cấp thông tin và phối hợp với Sở để triển khai các giải pháp xử lý cụ thể. 

Trong năm 2015, Sở đã phối hợp với Thanh tra Bộ và các ngành tiến hành 131 đợt thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên trên địa bàn, trong đó đã xử phạt 20 trường hợp với  179 triệu  đồng; trong đó đã xử phạt 147,5 triệu đồng đối với 08 người Hàn Quốc hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép, tăng 06 trường hợp vi phạm với 114,8 triệu đồng so với năm 2014, và xử phạt  40 triệu đồng đối với hoạt động lữ hành quốc tế trái phép, đồng thời có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh trục xuất 05 người Hàn Quốc về nước. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng Kế hoạch tăng cường xử lý tình trạng hoạt động lữ hành trái phép. Tuy nhiên trong thời gian qua thị trường Trung Quốc đã có một số vấn đề nổi cộm về tình trạng “Sitting guide” để HDV người Trung Quốc trực tiếp dẫn khách, Sở đã gặp gỡ các hướng dẫn viên tiếng Trung để nắm thông tin và và tập trung xử lý.

Từ tháng 5/2016 đến nay Sở đã phối hợp với Công an thành phố, các ngành và địa phương tiến hành thanh kiểm tra hoạt động lữ hành và hướng dẫn trái phép. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt 05 người Hàn Quốc vi phạm, với số tiền 90 triệu đồng, 02 người Hàn Quốc đưa vào diện chưa cho nhập cảnh trong thời hạn 03 năm. Phát hiện và xử phạt 04 hướng dẫn viên Việt Nam vi phạm trong quá trình hành nghề, với số tiền 20 triệu đồng (trong đó có 01 trường hợp làm sitting guide). Phát hiện và xử phạt Công ty TNHH MTV TM và DL Landscape có 3 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 20 triệu và tước giấy phép lữ hành quốc tế 24 tháng đối với hành vi cho tổ chức cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, tên, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động kinh doanh lữ hành. Trong quá trình kiểm tra tại công ty TNHH MTV TM và DL Landscape đã phát hiện 01 người Trung Quốc làm việc tại đây.

Và vừa mới đây, ngành chức năng Đà Nẵng cũng đã tiến hành xử phạt hành chính 06 cá nhân người Trung Quốc vi phạm các quy định về nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Song song với công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm, Sở Du lịch đã tổ chức họp quán triệt và cảnh báo các công ty lữ hành và hướng dẫn viên, đề nghị các đơn vị lữ hành ký cam kết về đảm bảo hoạt động đúng quy định, đến nay các công ty lữ hành chuyên khai thác khách Trung Quốc đã thực hiện ký cam kết. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch, CLB  Hướng dẫn viên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các hướng dẫn viên.

Trước thực trạng hoạt động du lịch nêu trên, trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ phối hợp với Công an thành phố, các sở ban ngành liên quan và UBND các quận huyện tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép; Siết chặt kiểm tra tạm trú, tạm vắng, đối với người nước ngoài; lắp đặt thêm camera để quản lý hoạt động tại khu, điểm du lịch; Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức của các công ty lữ hành, khách sạn và hướng dẫn viên thực hiện theo đúng qui định của nhà nước về hoạt động du lịch;...

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, tôi tin rằng sẽ có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động lữ hành và xử lý triệt để tình trạng hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn ông!