Có cần định danh, lượng hóa “cô giời”, “cậu giời”?

VietTimes -- Không tuân thủ luật pháp và các quy định chung trong xã hội, ứng xử theo cách riêng để đoạt lợi ích vật chất, tiền bạc, công danh sự nghiệp mà còn hống hách trong ứng xử theo kiểu ban phát, lộng hành, chèn ép... là những gì xảy ra ở không ít người, đặc biệt có ở nhóm “5C”- con, cháu, các cụ cả. Văn hóa ứng xử trong xã hội sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi các “cô giời”, “cậu giời” tiếp tục hoành hành.
Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Xô Việt tát nhân viên quầy thu ngân (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Xô Việt tát nhân viên quầy thu ngân (ảnh cắt từ clip)

Sự việc “cô giời” - nữ Đại úy Lê Thị Hiền, công tác tại Công an quận Đống Đa (Hà Nội) gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 8 vừa qua chưa lắng, thì nay lại đến việc Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, ném xúc xích và tát nhân viên Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên).

Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi ứng xử nơi công cộng của con người đều bắt nguồn từ ý thức bị “nhốt” trong vỏ não lâu ngày. Nếu một người nào đó luôn ý thức mình là một thực thể nhỏ bé trong xã hội, đứng dưới mọi người thì sẽ có tâm thế sẵn sàng ứng xử với người khác nhún nhường trong các tình huống một cách phù hợp với vị thế, cho dù lâm vào hoàn cảnh có sự xung đột lợi ích phức tạp.

Còn nếu một người nào đó luôn đặt mình quá cao so với người khác, đặc biệt là luôn luôn xác định có quyền ban phát cho người khác thì sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả, là trong trường hợp tâm lý bị ức chế vì nhu cầu không được thỏa mãn họ sẵn sàng tung ra những hành vi được định dạng, đã mặc định trong vỏ não.

Sự việc của hai cán bộ ngành công an dẫn ở trên gây ra bức xúc lớn trong xã hội đều xuất phát từ nguyên nhân luôn có suy nghĩ đứng trên người khác và khi không đạt được mục đích thì thể hiện ngay bản chất “cô giời”, “cậu giời”.

Chưa biết hai cán bộ này được ai nâng đỡ, được ai chống lưng và là con cháu cụ nào nhưng chỉ mỗi cái việc hành xử vô lối mà lại được mang cái mác uy nghiêm “cán bộ bảo vệ pháp luật” thôi cũng đủ để người đời gắn cho cái tiếng xấu xa khó có thể gột sạch.

Trong lịch sử Việt Nam đã từng xảy ra nhiều trường hợp ỷ thế quan lớn, mượn oai hùm ức hiếp dân đen. Điển hình là trường hợp Quận mã Đặng Lân ỷ thế chị gái là Tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm sủng ái ở thế kỷ 18.

Sách Tang thương ngẫu lục, Kính Phủ kể rằng: Y đã làm những việc càn rỡ, ức hiếp dân lành. Ra phố, nếu gặp đàn bà con gái giữa đường trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú... Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói. Xã hội nhiễu nhương, tranh quyền đoạt vị dẫn đến huynh đệ tương tàn, đất nước chiến tranh loạn lạc.

Ngày nay, thói ỷ thế ô lọng, mượn oai hùm để ức hiếp dân lành của những kẻ quen “ăn trên ngồi trốc” như Hiền và Giang đã nêu ở trên là rất hiếm gặp. Nhưng tại sao lại bị dư luận phản ứng quyết liệt là vì biểu hiện của nó “đạp ngay vào mặt thiên hạ”, khiến những bức xúc lâu nay được dịp “bung lụa” và dư luận đã không thể dung thứ.

Những bức xúc của thiên hạ lâu nay là gì? Đó là kiểu “cô giời”, “cậu giời” được người nhà, người thân bố trí giữ vị trí công tác nhất định trong các cơ quan nhà nước. Ngoài việc cống hiến thì họ giàu có nhanh chóng vì đâu nếu không vì tổ chức câu kết để hành dân, mõi tiền ngân sách tinh vi, bất chấp quy định của pháp luật mà không bị phát hiện và bị pháp luật trừng trị. Việc này đã trở thành căn bệnh “ung thư tâm hồn” lây lan trong xã hội và rất khó chữa trị.

Môi trường làm việc thiếu trung thực, thiếu công tâm, chuyên nghiệp và luôn coi lợi ích cá nhân, lợi ích cơ quan, địa phương to hơn lợi ích của dân, lợi ích quốc gia đã hình thành nên những cán bộ, công chức, nhân viên hai mặt, trong đó có các "mẹ giời", "bố giời".

Với tổ chức họ tỏ ra tuân thủ, chỉn chu chấp hành quy định; khi họp dân họ ngọt nhạt, nhận trách nhiệm rồi khéo léo đùn đẩy đá trách nhiệm đi nơi khác. Nhưng trong thâm tâm họ, tâm lý chiếm đoạt lợi ích, tâm lý lộng quyền, lạm quyền luôn ngự trị. Tâm lý ấy cho họ thói quen là có lợi ích thì chiếm đoạt hoặc là ban phát để đạt lợi ích cả về tinh thần và vật chất.

Những trường hợp “người nhà quan” được nâng đỡ để “thăng tiến thần tốc”, được là “mẹ dân”, “bố dân” bất chấp trình độ, học vấn không phù hợp xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị trong khi những con nhà nghèo, ít quan hệ mà học tốt nhưng không có việc làm phù hợp, phải sống bằng chạy xe ôm, làm công nhân, nuôi lợn... nhiều vô kể.

Xã hội chúng ta sẽ như thế nào, đời sống nhân dân sẽ ra sao khi trên nghị trường Quốc hội các đại biểu quanh quẩn đi tìm định nghĩa về “người tài” để thông qua việc sửa đổi Luật Công chức, viên chức?

Dường như ai đó đã quên rằng, nếu không có môi trường lành mạnh để người trẻ giàu nhiệt huyết rèn luyện, cống hiến thì làm sao cho ra người tài năng? Môi trường có “cô giời”, “cậu giời”, những “bố đời”, “mẹ thiên hạ” luôn ngự trị bởi tâm lý “ăn trên ngồi trước và ban phát” thì làm sao có thể cho ra những tài năng xuất chúng, gánh vác được vận mệnh dân tộc?

Định danh, lượng hóa “cô giời”, “cậu giời” trong các cơ quan, đơn vị, địa phương là việc hết sức cần thiết, qua đó để “lọc” ra những đối tượng hai mặt rồi dùng “cây roi” pháp luật mà trừng trị mới mong có được bộ máy công quyền tinh, gọn, mạnh.

Tuy nhiên, nếu không quyết liệt, nếu còn “đánh trống bỏ dùi” thì hy vọng ấy còn xa vời và dân thì cứ dài cổ mà ngóng trông rồi lại è vai “kéo cầy” trả nợ, nuôi “mẹ đời”, “bố đời”.