CLB Hà Nội, hành trình trồng cây và hái quả

VietTimes -- Hà Nội lọt vào trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019, chung kết Cúp quốc gia, lần thứ 2 liên tiếp vô địch V.League và là chức vô địch thứ 5 trong 10 năm tranh tài ở sân chơi cao nhất Việt Nam - một thành tích vô tiền khoáng hậu.
Hà Nội FC- niềm tự hào của bóng đá Việt Nam, Ảnh HNFC.
Hà Nội FC- niềm tự hào của bóng đá Việt Nam, Ảnh HNFC.

Không phải HAGL, SLNA hay bất cứ đội bóng V.League nào mà Hà Nội FC là đội bóng đang tiến gần đến hình mẫu một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cả về tư duy quản lý, lẫn thành tích chuyên môn và hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự của Hà Nội đã tiệm cận với các CLB hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

1 thập kỷ vang bóng

Sau 12 năm bóng đá thủ đô trắng tay, năm 2010 Hà Nội T&T (tiền thân của CLB bóng đá Hà Nội ngày nay) lên ngôi vô địch V.League sau khi hòa 0-0 với CLB NaviBank. Ngay sau thành quả đầu tiên “những đứa con của bầu Hiển” đã có chuỗi thành tích cực kỳ ấn tượng, đó là 4 chức vô địch tiếp theo trong vòng 1 thập kỷ.

Văn Quyết- cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2 năm liên tiếp. Ảnh HNFC.

Văn Quyết- cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2 năm liên tiếp. Ảnh HNFC.

Đó là các năm  2013, 2016, 2018 và 2019.  Đó là chưa kể 4 lần ở vị trí á quân (2011, 2012, 2014, 2015) và chỉ một lần ở vị trí thứ ba (2017). Chưa kể, Hanoi FC còn giành được các danh hiệu khác như 2 chức vô địch siêu Cup Quốc gia (2010, 2018), 3 lần giành ngôi á quân (2013, 2015, 2016) và 3 lần vào đến chung kết Cup Quốc gia (2012, 2015, 2016).

Bắt đầu một thập kỷ gia nhập sân chơi cao nhất ở V.League 2009, Hà Nội FC đã gây ngạc nhiên khi thiết lập kỷ lục 3 năm liền thăng hạng, từ hạng ba lên thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam. Đây là điều mà cho đến nay chưa từng có CLB nào ở Việt Nam làm được. Nó thể hiện một tầm chiến lược của bầu Hiển và bộ phận hoạch định chiến lược cho bóng đá thủ đô.

Sau khi bắt tay hụt với SLNA, bầu Hiển đã cất công nghiên cứu chiến lược đào tạo trẻ của đội bóng xứ Nghệ, học tập và cải tiến phương án thu nạp cầu thủ nhí đầu vào để sớm trở thành trung tâm đào tạo trẻ tốt vào loại bậc nhất Việt Nam.

Bầu Hiển đã mua tại cổ phần tại Trung tâm bóng đá VST tại Cửa Lò của anh em nhà Văn Sỹ Hùng để có thể tuyển chọn tài năng nhí tại vùng đất này. CLB Hà Nội lại có hệ thống chân rết theo dõi các giải nhi đồng, thiếu nhi trong toàn quốc, mở rộng quy mô tuyển chọn cấp quốc gia.

Trong khi SLNA hàng năm vẫn tiêu tốn hàng chục tỷ ngân sách cho công tác đào tạo trẻ nhưng 10 năm qua ngoài Văn Đức, Xuân Mạnh không có nhiều khuôn mặt xuất sắc thì Hà Nội FC đã có Văn Hậu xuất ngoại. Ngay cả khi “gả bán” Hà Nội B cho Hà Tĩnh thì năm nay U21 Hà Nội cũng đã vô địch giải U21 quốc gia.

Ngoại binh Hà Nội cũng rất ấn tượng. Ảnh HNFC

Ngoại binh Hà Nội cũng rất ấn tượng. Ảnh HNFC

Cùng với hệ thống trẻ đầy đủ từ U11 đến U21 cho thấy cách làm bài bản, dài hơi và hiệu quả. Tuyển U19 của Hà Nội cũng vừa đăng quang chức vô địch giải U19 lần thứ 5 khi vượt qua U19 Hoàng Anh Gia Lai ở trận chung kết.

Hiện chỉ có lò Hà Nội FC, HAGL tính đến kinh doanh việc mua-bán cầu thủ, các lò khác công tác đào tạo trẻ vẫn mang tính bao cấp, chủ yếu dùng cho nội bộ. Việc cho mượn chỉ mang tính cá nhân giữa các ông bầu, các CLB hầu như không thu hồi được vốn.

Chiến lược bài bản

Hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, y tế, dinh dưỡng, truyền thông của Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện. Khi sân Hàng Đẫy được xây dựng thành tổ hợp thể thao-thương mai-dịch vụ thì Hà Nội FC sẽ trở thành CLB có hệ thống cơ sở vật chất đạt tầm châu lục.

Hà Nội FC gặt hái thành công là có sự nhất quán trong chiến lược phát triển, xây dựng được lối chơi mang bản sắc từ các đội trẻ. Nhân sự từ BHL, cầu thủ và khối quản lý sự sự ổn định, kế thừa và chuyển giao đúng thời điểm. Ở Hà Nội FC không có chốn dung thân cho cấp quản lý già nua, cằn cỗi về mặt ý tưởng, cỗ máy hoạt động trơn tru vì không có bánh răng thừa.

Nội binh trẻ nhất V.League nhưng đã sớm được thử lửa và được vận hành theo hệ thống nên Hà Nội có thể chủ động cho Văn Hậu hoặc Đức Huy ra đi mà không lo lắng. Cách tuyển ngoại binh của Hà Nội cũng khác, ít rủi ro hơn các đội V.League rất nhiều và mùa giải nào trong tay HLV Chu Đình Nghiêm cũng có tiền đạo ngoại tỏa sáng. Pape Omar trong màu áo Hà Nội hoàn toàn khác khi còn ở Thanh Hóa.

Hà Nội là số ít đội V.League hình thành lối đá riêng, tấn công ào ạt, sóng sau đè sóng trước bằng lối đá ngắn, nhỏ kết hợp nhanh-chậm xoay quanh nhạc trưởng Văn Quyết (trước đó là Thành Lương). Đến nay, họ là đội bóng cầm bóng nhiều nhất V.League trong vài năm gần đây, mùa giải năm nay tỷ lệ cầm bóng trung bình 59,3% thời gian, nhất V.League.

Chỉ có trận đấu trên sân Lạch Tray với Hải Phòng tỷ lệ cầm bóng 49%, còn trận đấu vòng 26 với Quảng Nình (khi đã vô địch) tỷ lệ 47%. Còn lại 24/26 trận đội bóng thủ đô cầm bóng áp đảo, thậm chí có trận cầm bóng 74%.

Bầu Hiển chính là kiến trúc sư “xây nền móng” cho bóng đá thủ đô. Việc có quá nửa đội hình Hà Nội FC đã được gọi lên đội tuyển quốc gia là lời khẳng định đẳng cấp, trình độ của đội bóng này. Những cầu thủ như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đức Huy, Hùng Dũng... sau khi chinh chiến cọ xát với các CLB quốc tế ở đấu trường AFC đã giúp bản lĩnh, kinh nghiệm của họ tích lũy ngày càng dày. Điều này cho phép Hà Nội FC còn ngự trị trên đỉnh cao bóng đá Việt Nam nhiều năm nữa.