Mùa giải V.League 2019 các thủ môn đã phải vào lưới nhặt bóng tổng số 534 lần, trung bình 2,93 bàn/trận. Dường như tại V.League khi một đội bóng thất bại, trọng tài và thủ môn là người bị chỉ trích nhiều nhất.
Thủ môn ngoại cũng phải ra đi
Trong mùa giải năm ngoái thủ môn người Hà Lan Weiger Sietsm thậm chí còn bị cuốn gói khỏi HAGL trước khi mùa bóng kết thúc vài vòng đấu. Những va chạm với HLV Lee Tae- Hoon đã khiến thủ môn ngoại duy nhất của V.League không có đất dụng võ lượt về V.League 2019.
TP.HCM chào thủ môn mới. Ảnh HCMFC
|
Trong việc chuẩn bị cho mùa bóng mới Thanh Hóa cũng đã kịp đưa về thủ môn Thanh Diệp của đội chủ sân Thống Nhất. Thủ môn Lương Bá Sơn cũng được quy trách nhiệm chính cho việc để xuất hiện 52 bàn thua, nên việc đầu tiên khi thắng trận play-off là bầu Đệ nghĩ đến việc tìm kiếm thủ môn, thậm chí còn trước cả HLV trưởng.
Tất nhiên, Thanh Hóa cũng đã kịp gia cố phía trước khung thành bằng trung vệ Louis Epassi Ewonde cũng của TP.HCM.
Đội bóng xứ Nghệ đã chiêu mộ thành công thủ môn Nguyễn Văn Hoàng, một trong những học trò của HLV Park Hang-seo tại VCK U23 châu Á 2018. Đội bóng xứ Nghệ có tới 3 thủ môn nhưng đều lâm vào cảnh “nhiều tuổi, ít giờ bay”. Dường như sau việc phải mượn Phạm Đình Vũ Hải của Hải Phòng bắt thay Nguyên Mạnh một mùa bóng do chấn thương, SLNA vẫn chưa tính đến việc dùng “cây nhà lá vườn”. Cơ hội cho thủ môn Văn Hùng 27 tuổi được bắt chính tại V.League dường như đã bị khép lại.
Tại CLB Sài Gòn Văn Hoàng chắc chắn vẫn là sự lựa chọn ưu tiên hơn thủ môn Tống Đức An. Nhưng có vẻ sau khi kết hôn, Văn Hoàng “dời đô” về Vinh để hợp lý hóa gia đình trong bối cảnh SLNA cần người tin tưởng xỏ găng. Khi chưa kiếm được trung vệ ngoại ưng ý và đã để Damir Memović ra đi thì đây được coi là giải pháp tốt. Dù ngoài Đức Thắng, sẽ có khá nhiều HLV sẽ làm điều ngược lại, bằng mọi cách để giữ trung vệ Damir Memović và dùng thủ môn do chính mình đạo tạo.
Tăng cường vị trí dự bị
Mùa giải tới, cả TP.HCM và Quảng Ninh sẽ đá AFC Cup, các ông thầy đều thấy cần có thêm sự lựa chọn ở vị trí thủ môn dù Thành Thắng và Tuấn Linh đều thuộc dạng “có số má”. Nhưng với tuổi tác khá lớn của 2 thủ môn này thì ông Chung Hae-seong và Phan Thanh Hùng đều không dám mạo hiểm.
Nguyên Mạnh chia tay sân Vinh. Ảnh SLFC
|
Với việc rời đội vô địch V.League của Bùi Tiến Dũng được coi là quyết định sáng suốt nhưng điểm đến là đội Á quân TP.HCM có hợp lý hay không lại là câu hỏi mà chỉ “thủ môn quốc dân” này mới có lời giải. Với tiền chuyển nhượng khoảng 7 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm cùng mức lương 40 triệu đồng/tháng nhưng nếu vẫn chỉ là “kiếp dự bị” thì sẽ được coi là thất bại.
Nếu không được bắt chính nhiều, đơn thuần chỉ là “chuyển từ ghế dự bị sân này sang ghế dự bị sân khác” thì con đường lên tuyển coi như chấm dứt. Khá nhiều thủ môn danh tiếng, sau các sai lầm cá nhân sẽ chọn đội bóng nhỏ để bắt chính hơn là tìm đội bóng lớn để dự bị, nhất lại là dự bị cho thủ môn dự bị.
Thủ môn Quàng Thế Tài của Viettel là thủ môn được đánh giá là “bắt được”. Nhưng trong con đường chinh phục đỉnh cao mới thì thủ môn Nguyên Mạnh là sự lựa chọn không tồi với cái giá 9 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng. Khi đã có Trọng Hoàng, Khắc Ngọc và Quế Ngọc Hải thì Viettel “đồng bộ hóa chất Nghệ” bằng một thủ môn quốc gia, dù đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng vẫn chơi khá ổn định khi trước mặt là trung vệ Quế Ngọc Hải.
Đối với thủ môn Nguyên Mạnh, việc rời sân Vinh ngoài số tiền kiếm được thì còn giúp cho cơ hội trở lại đội tuyển sẽ trở nên sáng sủa hơn rất nhiều. Với sự đầu tư khá lớn của Viettel thì thủ môn xứ Nghệ sẽ có cơ hội cải thiện thành tích cá nhân của mình, lưỡng tiện.
Món quà Thượng đế
CLB Hải Phòng sau sự ra đi của HLV Việt Hoàng đến nay 12 cầu thủ đất Cảng cũng cũng đã ra đi. Năm ngoái Hải Phòng có 2 thủ môn thay nhau bắt chính, nhưng cuối mùa giải Vũ Hải được ra sân thường xuyên hơn. Văn Toản sau sai lầm trên đất Philippens đã được ông thầy Hàn quốc và HLV Thế Anh sửa sai cho cả về tâm lý lẫn kỹ thuật.
Văn Toản đang tiến bộ sau sai lầm. Ảnh VFF
|
Nếu như Văn Toản được bắt chính tại VCK U23 châu Á và thành công thì đúng là Hải Phòng được “món quà không mất tiền mua”, tự dưng được một thủ môn cứng cựa cho mùa giải sang năm. Trong bối cảnh CLB còn quá nhiều việc phải làm thì có được 1 thủ môn tốt là một điểm sáng cho tân HLV Đinh Văn Dũng.
Lâu nay lò HAGL chủ trương không đào tạo thủ môn. Đất Cao nguyên có tiếng là “sát thủ môn” cả Tuấn Mạnh, Đặng Văn Lâm phải “xuống núi” rồi mới thành danh. Nên việc Lê Văn Trường có được bắt chính cho HAGL hay không vẫn để ngỏ. S.Khánh Hòa xuống hạng Nhất nhưng thủ môn Tuấn Mạnh trở lại Cao nguyên vẫn chỉ ở dạng tin đồn từ status của anh trên mạng xã hội.
Ít khi có mùa giải mà số phận của những người gác đền lại được xáo trộn lên nhiều thế. Điều đó đã lý giải tại sao tại SEA Games 30, cả 2 thủ môn của đội tuyển U22 Việt Nam đều mắc những sai lầm khó tin đến thế. Dường như công tác đào tạo thủ môn tại các CLB đang có vấn đề.