4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP nêu rõ 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán, cụ thể:
Thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Thứ hai, khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
Thứ tư, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Như vậy, không giống như một số trang mạng thông tin là từ 1/7 khi chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người nhận, đây là hiểu nhầm về trường hợp thứ ba đã nêu ở trên.
Theo quy định mới tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP, việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền, nghĩa là ngân hàng chuyển sai thông tin so với lệnh thanh toán của khách hàng - lỗi do phía ngân hàng thì mới có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Trong trường hợp này bên yêu cầu hoàn trả lại tiền chuyển nhầm cũng là phía ngân hàng.
Vì thế, từ 1/7/2024 người dân chuyển tiền nhầm thì không có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận.
6 trường hợp đóng tài khoản thanh toán
Nghị định 52/2024/NĐ-CP cũng quy định 6 trường hợp đóng tài khoản thanh toán, có hiệu lực từ 1/7:
Thứ nhất, chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.
Thứ hai, chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết.
Thứ ba, tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
Thứ năm, các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Thứ sáu, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo định nghĩa của Ngân hàng nhà nước, tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, được sử dụng với mục đích thay thế tiền mặt khi giao dịch. Bao gồm các tiện ích như rút tiền mặt, chuyển khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán tại siêu thị, học phí, tiền điện, nước.