Chuyến thăm Trung Quốc của ông James Mattis: Thành quả chung chung, bất đồng sâu sắc

VietTimes -- Chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc của người đứng đầu quân đội Mỹ James Mattis được báo chí mô tả là "khá lặng lẽ, không tham dự bất cứ hoạt động đặc biệt nào kiểu như thăm đơn vị hay căn cứ quân sự nào, có vẻ đúng như đánh giá của chính ông “đây là chuyến đi lắng nghe".
Ông Tập Cận Bình tiếp ông James Mattis.
Ông Tập Cận Bình tiếp ông James Mattis.

Chiều 28/6, sau cuộc hội đàm lần cuối với lãnh đạo quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ James Mattis đã rời Bắc Kinh đi Seoul, kết thúc chuyến thăm 3 ngày. Khác với các chuyến thăm của người đứng đầu quân đội Mỹ tới Trung Quốc những lần trước đây, chuyến đi lần này của ông James Mattis diễn ra khá lặng lẽ, không tham dự bất cứ hoạt động đặc biệt nào kiểu như thăm đơn vị hay căn cứ quân sự nào, có vẻ đúng như đánh giá của chính ông “đây là chuyến đi lắng nghe”.

Thành quả chung chung…

Theo thông báo chính thức của phía Trung Quốc với giới báo chí, trong chuyến thăm Bắc Kinh 3 ngày, ông James Mattis đã tiến hành hội kiến và hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Phó chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự trung ương Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa; các chủ đề trao đổi bao gồm tình hình quốc tế và khu vực, quan hệ giữa hai quân đội và các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, an ninh trên biển…

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng về việc giao lưu giữa các cấp quân đội hai bên, tăng thêm lòng tin quân sự, đi sâu hợp tác thực tế và kiểm soát chặt các thách thức nguy cơ; chuyến thăm đã đạt được thành quả tích cực và có tính xây dựng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đón ông James Mattis.
 Bộ trưởng Quốc phòng  Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đón ông James Mattis.

Thông báo do phía Mỹ công bố cũng có nội dung tương tự. Nhân viên tháp tùng ông James Mattis cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ đã hình dung các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là “vô cùng tích cực” và “có tính xây dựng”. Thông báo của Lầu Năm Góc rất ngắn gọn, nói ông James Mattis đã nhắc lại tầm quan trọng của việc minh bạch chiến lược trong quan hệ quốc phòng  hai nước; ông đã thảo luận rộng rãi với lãnh đạo Trung Quốc về một loạt vấn đề về quốc phòng giữa hai bên và khẳng định lại tính quan trọng của việc thực hiện toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hãng Reuters hôm 27/6 đưa tin, ông James Mattis đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình: cuộc hội đàm giữa ông với các quan chức quân đội Trung Quốc “rất, rất tốt”, ông rất vui mừng được đến thăm Trung Quốc và nói, Mỹ cũng như phía Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ giữa hai quân đội. ông James Mattis nói: “Hiện nay là thời khắc quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung; hai bên đều hy vọng phát triển quan hệ  tốt. Sáng nay tôi đã có cuộc đàm phán rất, rất tốt (với quan chức quân đội Trung Quốc), cảm thấy quân đội quý quốc rất coi trọng tôi”.

Về vấn đề thương mại, ông James Mattis chỉ lướt qua mà tập trung nhiều tinh lực vào vấn đề an ninh, cũng không hề chuyển tới phía Trung Quốc bất cứ thông điệp nào từ ông Donald Trump.

Trong vấn đề tiến trình hòa bình ở Afghanistan, người trợ lý của ông James Mattis cho biết, phía Trung Quốc tựa hồ bày tỏ cổ vũ và ủng hộ. Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, hai bên đều nhắc lại lập trường vốn có của mình. Đối với sự bất đồng trong việc giao lưu giữa hai quân đội – quan chức tháp tùng ông James Mattis nói: tin rằng hai bên kiểm soát tốt bất đồng, tránh xảy ra xung đột.

… Và những bất đồng nghiêm trọng 

Như đã phát biểu trước khi tới Bắc Kinh, ông James Mattis đặc biệt chú trọng đề cấp đến vấn đề quân sự hóa Biển Đông, nhấn mạnh lập trường cố hữu của Mỹ, tức một số đảo, bãi ngầm ở Biển Đông thuộc vùng biển quốc tế, Trung Quốc cần tuân thủ chuẩn tắc quốc tế và luật quốc tế. Các quan chức quốc phòng  Mỹ tháp tùng ông James Mattis và tham gia các cuộc hội đàm cho biết: hai bên vẫn có lập trường khác nhau, nhưng đồng ý tiếp tục trao đổi, thảo luận về những vấn đề này.

Ông James Mattis gặp Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.
Ông James Mattis gặp Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.

Truyền thông Mỹ rất chú ý đến thái độ cứng rắn của ông Tập Cận Bình về vấn đề Biển Đông. Tập Cận Bình nói khi tiếp ông James Mattis: “Trong vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thái độ của chúng tôi là kiên định và rõ ràng, một tấc đất mà tổ tiên để lại cũng không thể mất, thứ của người khác dù một phân cũng không cần”. Theo “The New York Times”, các thành viên tháp tùng ông James Mattis nói, khi hội đàm, ông đã phê phán sự khuếch trương thế lực của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, nói rõ lập trường của Lầu Năm Góc về vùng biển có tranh chấp, nhấn mạnh khu vực này phải được tự do hàng hải và nói Trung Quốc cần tuân thủ luật quốc tế. Các quan chức này nói, khi gặp gỡ tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng  Trung Quốc, ông James Mattis đã nhắc ông Ngụy: năm 2015 khi đến thăm Nhà Trắng, khi phát biểu, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ “căn bản không có ý quân sự hóa” Biển Đông.

Cùng với bất đồng về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan cũng là vấn đề trọng tâm nổi bật trong các cuộc hội đàm giữa ông James Mattis với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Ông Giả Khánh Quốc, Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét: hành vi và phản ứng của hai nước về Biển Đông và Đài Loan đều gia tăng mạnh mẽ bởi những nghi ngờ và phán đoán, điều này gia tăng nguy cơ phát triển đến mức mất kiểm soát. “Dù trong khu vực xung đột, hai nước cũng cần giao lưu, quản lý xung đột, đề phòng xung đột phát triển thành cục diện tai họa” – ông nói. Nhất là trong vấn đề Đài Loan, Giả Khánh Quốc tán thành quan điểm của chính phủ, cho dù địa vị chính trị của hòn đảo này khiến vấn đề trở nên rất đáng lo ngại. Ông nói: “Nếu quản lý không tốt, chúng ta sẽ chứng kiến quan hệ hai nước hoàn toàn đổ vỡ. Tôi cho rằng rất nhiều người Trung Quốc lo ngại chính phủ sẽ đặt ra làn ranh cuối cùng cho vấn đề Đài Loan”.

Khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống, có quan chức Mỹ đã bày tỏ sẽ tăng cường ủng hộ Đài Loan – “một chính thể dân chủ tự trị”, nhưng Trung Quốc cho rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ; chính phủ Mỹ cũng đã thông qua Luật du lịch Đài Loan (Taiwan Travel Act) cho phép Nhà Trắng tăng cường tiếp xúc và quan hệ buôn bán với Đài Loan, thúc đẩy chính phủ có thêm các hành động.

Một động thái khiến dư luận Trung Quốc bức xúc là trong khi ông James Mattis đang ở Bắc Kinh, ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố sẽ bán 36 xe bọc thép lội nước tiến công AAV7A1 trị giá 83,6 triệu USD cho quân đội Đài Loan. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày 28 cũng tuyên bố sẽ cho tàu khu trục tên lửa lớp “Thần Thuẫn” (052C) lần đầu tiên chạy vòng quanh Đài Loan để gây áp lực với thế lực chủ trương Đài Loan độc lập.

Xe lội nước Mỹ bán cho Đài Loan.
 Xe lội nước Mỹ bán cho Đài Loan.

Tóm lại, thành quả lớn nhất của chuyến thăm Bắc Kinh mà ông James Mattis đạt được chỉ là “tiếp tục đối thoại”, bao gồm việc mời ông Ngụy Phượng Hòa thăm Mỹ. Ngoài ra, chuyến thăm giúp cho giới lãnh đạo quân sự hai nước hiểu thêm về nhau. Theo tập quán truyền thống, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc thường diễn ra khi quan hệ hai nước đang ở thời kỳ phát triển tốt đẹp và được coi là nhiệt kế để đo quan hệ hai bên ấm hay lạnh. Thế nhưng, bối cảnh diễn ra chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông James Mattis lại là lúc quan hệ hai bên bị bao phủ bởi bóng đen của cuộc chiến tranh thương mại. Có lẽ vì thế, chuyến thăm này đã diễn ra mà không đạt được bất cứ kết quả thực chất nào.