Chuyến khảo sát ‘xuyên Tết, xuyên Việt’
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa tới kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải trong chuyến khảo sát ‘xuyên Tết, xuyên Việt’ được Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện ngay những ngày đầu năm Nhâm Dần (2022).
Dự án sân bay Long Thành có quy mô vốn khoảng 5 tỉ USD (tương đương 110 nghìn tỉ đồng), gồm nhiều dự án thành phần.
Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 22 nghìn tỉ đồng (đã được ngân sách Nhà nước bố trí đầy đủ). Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số một, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối…
Đáng chú ý, tại cuộc họp ngay sau khi kiểm tra công trường, Thủ tướng bày tỏ không hài lòng và phê bình cách làm việc của một số cơ quan, đơn vị liên quan thời gian qua.
Cụ thể, theo Nghị quyết mới nhất của Quốc hội, sân bay Long Thành phải đưa vào sử dụng trong năm 2025 nhưng đến nay, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, nơi làm việc của Ban Quản lý dự án còn tạm bợ.
Thủ tướng cũng lưu ý, ACV hiện đang nhận nhiều dự án cảng hàng không trong khi nguồn lực, thời gian có hạn, kinh nghiệm không nhiều. Ông cho rằng, lãnh đạo ACV phải lên hiện trường làm việc, sát cánh cùng với địa phương, cùng với dân thì mới sớm có mặt bằng cho dự án Long Thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: VGP) |
Trước đó, ngày 4/2, Thủ tướng đã kiểm tra các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An.
Tới ngày 5/2, người đứng đầu Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Những trăn trở của Thủ tướng
Tối 5/2, sau khi kiểm tra công tác thi công các dự án cao tốc từ Khánh Hòa tới Đồng Nai, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua mới chỉ triển khai được trên 1.000km cao tốc. Cùng với đó, đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao.
Hơn nữa, khi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Theo Thủ tướng, đây là những lý do cần thiết để tổ chức cuộc khảo sát "xuyên Tết, xuyên Việt" lần này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe đơn vị thi công dự án sân bay Long Thành báo cáo về tổng thể quy hoạch, tiến độ thi công các hạng mục (Ảnh: VGP) |
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số vấn đề cần suy nghĩ sau thực tiễn kiểm tra.
Thứ nhất, trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, cho tới nay mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, vừa được khánh thành ngày 4/2. Dự án này giao cho tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, các dự án PPP có bình quân đơn giá không quá 150 tỉ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỉ đồng.
Thứ ba, vấn đề các mỏ đất đá làm nguyên vật liệu xây dựng, liệu có sơ hở nào về mặt pháp lý không?
“Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ", Thủ tướng nói.
"Quy trình, thủ tục có đúng không, không đúng thì phải thu hồi. Quy trình, thủ tục đúng nhưng làm không đúng thì phải xử lý. Quy trình, thủ tục đúng, làm đúng nhưng giá vật liệu cao, không hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp phù hợp tình hình", Thủ tướng lưu ý.
Thứ tư là quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Một vấn đề khác được Thủ tướng lưu ý là tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. "Một nhà thầu thi công 3km, 4km mà làm trong 2 năm, 3 năm, tức là nhà thầu không đủ năng lực", Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng yêu cầu tiến độ chung của các dự án phải đẩy nhanh hơn ít nhất một quý khi tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2022 về cơ bản đã được kiểm soát, các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm hơn và thời tiết ở nhiều nơi cũng đang ủng hộ cho việc thi công./.