Chuyện ít biết về thiết giáp Hải quân đánh bộ Nga BTR – 80A, một mẫu xe mà Việt Nam có thể nâng cấp từ BTR – 60PB

VietTimes -- Kỷ niệm ngày thành lập Hải quân đánh bộ, Bộ quốc phòng Nga đăng tải một video, quảng bá sức mạnh chiến đấu của lực lượng. Trong video có rất nhiều các loại vũ khí trang bị mới, nhưng tâm điểm là xe thiết giáp BTR-80A, một phiên bản cải tiến sâu nguyên mẫu BTR-60PB của hải quân đánh bộ Việt Nam.
Xe thiết giáp đổ bộ BTR-80A tham gia chiến đấu trong lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga. Ảnh minh họa Rusian Gazeta
Xe thiết giáp đổ bộ BTR-80A tham gia chiến đấu trong lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga. Ảnh minh họa Rusian Gazeta

Video ghi lại hoạt động của xe BTR-82А. Xe thiết giáp có hình dáng bên ngoài khá giống với xe BTR-60PB, nhưng có khả năng hoạt động tốt hơn, được trang bị đài thông tin hoàn toàn mới, hệ thống kính quan sát trưởng xe tổng hợp. Xe lắp đặt tháp pháo dạng mô đun, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí trang bị khác nhau tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, điều khiển từ xa và hệ thống ổn định tầm hướng cho vũ khí trang bị.

Kíp xe BTR-82 và BTR-82А bao gồm có 3 thành viên, lái xe, trưởng xe và pháo thủ, trong khoang đổ bộ có chỗ cho 7 hải quân đánh bộ trang bị đầy đủ theo biên chế.

Lực lượng hải quân đánh bộ đổ rời xe từ hai cửa bên hông có 4 cánh cửa, cánh trên mở để che chắn, cánh dưới mở làm cầu nhảy. Như vậy, theo thuyết minh của nhà thiết kế, binh sĩ có thể đổ bộ từ trên xe khi xe đang chạy.

Ngoài ra còn có 2 cửa nắp, được sử dụng cho các hoạt động như bắn tên lửa phòng không vác vai. Lái xe và trưởng xe có cửa ra vào riêng biệt. Ngoài ra, thân xe còn có rất nhiều nắp để có thể thực hiện các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ hệ thống truyền chuyển động, động cơ và trụ tời cáp. Xe cũng được lắp thiết bị điều hòa không khí.

Khối lượng của xe thiết giáp lớn hơn BTR - 60PB do được lắp đặt vũ khí có hỏa lực mạnh. Sức cơ động của xe tăng lên đáng kể nhờ động cơ diesel KAMAZ - 740.14‑300 (300 mã lực). Động cơ diesel đa nhiên liệu, có thể sử dụng bất cứ loại nào, kể cả dầu hỏa.

BTR – 80A có khả năng bảo vệ tốt hơn một chút so với BTR -60PB do phía bên trong được lót các tấm thảm vải kevlar. Điều đó cho phép thành viên kíp xe và phân đội hải quân an toàn, chống được đạn bộ binh bắn thẳng và mảnh bom đạn, tăng cường khả năng cách nhiệt và làm giảm tiếng ồn trong xe. Nhưng tương tự như các dòng xe BTR khác, BTR- 80A chỉ chống được đạn bộ binh bắn thẳng, các loại vũ khí chống tăng và nhiệt áp dễ dàng phá hủy xe thiết giáp này.

Xe BTR-82 và BTR-82А được tăng cường khả năng chống mìn do sử dụng các thảm hấp thụ năng lượng, làm tiêu tan một phần sức nổ của bom mìn, nhưng phương thức bảo vệ này chỉ chống được các loại bom mìn diệt bộ binh thông thường, không có khả năng chịu đựng được mìn chống xe cơ giới các loại.

BTR-82А lắp đặt tháp pháo không người lái dạng mô đun, tăng cường tối đa sức mạnh hỏa lực. Mô đun vũ khí bao gồm pháo tự động 30 mm 2A72 và súng máy PKTM. Súng PKTM là phiên bản nâng cấp của súng máy PKT trên xe tăng T-54 AB và T-55.

Vị trí của xạ thủ được chuyển từ tháp pháo xuống khoang kíp xe. Mô đun hỏa lực của xe có sẵn hệ thống ổn định, cho phép pháo thủ có thể khai hỏa bằng bảng điều khiển điện trong khi xe đang hành tiến. Trên xe BTR-82 và BTR-82А lắp đặt kính ngắm ngày đêm có ổn định ТКN-4GА, cho phép sử dụng hỏa lực cả ngày lẫn đêm. Kính ngắm cũng lắp kênh radio kích nổ đầu đạn từ xe. Cơ số đạn cho pháo tự động 30mm là 300 viên đạn.

Do sự gia tăng khối lượng của xe thiết giáp, nhà phát triển thay đổi và nâng cấp gần như hoàn toàn mới hệ thống khung gầm. Trên BTR-82 lắp đặt hộp số bánh răng hành tinh, trục cardan hiện đại hoàn toàn mới. Bộ giảm xóc với hệ thống giảm chấn thủy lực tăng cường.

Ngoài ra, đáp ứng chiến trường hiện đại, xe BTR-82A lắp thêm một máy phát điện 5kW. Trạm nguồn phụ này cung cấp năng lượng để nạp bình ắc quy khởi động và đảm bảo nguồn năng lượng cho thiết bị xe hoạt động mà không cần phải khởi động động cơ trong thời gian tiến hành các hoạt động chiến đấu tại chỗ, không sử dụng động cơ chính để tránh vũ khí hồng ngoại.

Tư lệnh trưởng lực lượng hải quân Nga, đô đốc Vladimir Korolev cho biết, ngoài những xe bọc thép mới, hải quân đánh bộ được trang bị các máy bay không người lái, những tổ hợp và hệ thống pháo binh.

"Lực lượng hải quân đánh bộ đã tiến hành các hoạt động làm quen với cả 5 đại dương, thực hiện những hoạt động đổ bộ đường không, thục luyện kỹ năng đổ bộ đường biển", Đô đốc nhấn mạnh.

"Trong những bài huấn luyện đào tạo trên không, binh sĩ hải quân đánh bộ phải nhảy từ các loại máy bay và trực thăng vận tải quân sự khác nhau, trong điều kiện thời tiết phức tạp, từ các độ cao khác nhau, có trang bị và không có trang bị hỗ trợ. Các khó khăn trong tiếp nước được giải quyết triệt để", đô đốc Vladimir Korolev nói thêm.

Xe thiết giáp đổ bộ BTR-80A, đã tham gia chiến trường Syria. Ảnh Rusian Gazeta
 Xe thiết giáp đổ bộ BTR-80A, đã tham gia chiến trường Syria. Ảnh Rusian Gazeta
Video quảng bá sức mạnh quân sự của lực lượng Hải quân đánh bộ. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga