Ngày 14/8, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 1399/TB-TTCP, ngày 14/8/2020 liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP Đà Nẵng), dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm").
Sai phạm nghiêm trọng
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương triển khai dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước từ trước năm 2005. Sau nhiều lần điều chỉnh đến thời điểm thanh tra, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án gồm: Dự án khu đô thị quốc tế Đa phước diện tích 181 ha (gọi tắt là Dự án 181 ha) do Công ty CP Nova Bắc Nam 79 (chiếm 99% vốn điều lệ) và Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (1% vốn điều lệ) thực hiện; và Dự án khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29 ha (gọi tắt là Dự án 29 ha) do Công ty THHH MTV Phát triển nhà Đa Phước thực hiện.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND TP. Đà Nẵng và các sở ban ngành, đơn vị liên quan đã vi phạm các quy định Luật Đất đai, Nghị định Chính phủ về quản lý và sử dụng đất tại dự án này. Cụ thể, việc UBND TP. Đà Nẵng ký thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006 với Công ty TNHH Daewon Cantavil có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật như xác định tiền thuê mặt đất và mặt nước không có sơ sở, không điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động dự án trong trường hợp doanh nghiệp bán biệt thự, nhà liền kề cho các đối tượng được phép mua mà không phải trả thêm khoản chi phí gì thêm là sai phạm quy định Luật Đất đai 2003.
Việc UBND TP giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng bàn giao mốc giới dự án cho Công ty TNHH Daewon Cantavil để triển khai dự án mà không có sự tham gia của các đơn vị chức năng môi trường là không đúng quy định của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004.
Khách hàng căng băng rôn đến Văn phòng bán hàng của dự án tỷ đô The Sunrise Bay (Đà Nẵng) để đòi nhà.
|
Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư không giao cho Sở KH&ĐT và các sở ngành liên quan mà giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra dự án đầu tư là vi phạm Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 và Nghị định 171/2004/NBB-CP ngày 29/9/2004.
Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như các lần điều chỉnh cho Công ty TNHH Daewon Cantavil thực hiện Dự án 181 ha và Công ty THHH MTV Phát triển nhà Đa Phước thực hiện Dự án 29 ha những không lấy ý kiến thẩm tra của Bộ chuyên ngành là vi phạm Luật Đầu tư số 59/2005/QH-11 năm 2005 và vi phạm Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
Đà Nẵng "vượt rào" xây nhà trên đất sân golf
Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Daewon Cantavil có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: việc xác định tiền thuê đất và mặt nước là 10 triệu USD và không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động dự án; doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu,…là vi phạm Luật Đầu tư số 59/2005/QH-11 năm 2005 và vi phạm Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
“Việc UBND TP Đà Nẵng xác định Dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất là không có cơ sở, việc quy định không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án là vi phạm quy định Luật đầu tư và Luật đất đai”- Kết luận Thanh tra nêu rõ.
Không những vậy, cả hai dự án: Dự án 181 ha và Dự án 29 ha liên tục có những thay đổi nhà đầu tư nhưng đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã vi phạm nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015.
Đặc biệt, việc UBND TP. Đà Nẵng thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 - Tổng mặt bằng chi tiết dự án lần 4 là cắt bỏ hoàn toàn 76,32 ha diện tích sân gofl đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó là không đúng với các quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân gofl Việt Nam.
Một góc lấn biển của Dự án tỷ đô The Sunrise Bay (Đà Nẵng).
|
Về đánh giá tác động môi trường, đến thời điểm thanh tra, tại Dự án 29 ha, chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, mặt khác dự án thuộc trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng nhưng vẫn chưa được cấp phép. Đối với Dự án 181 ha, sau nhiều lần điều chỉnh đã làm thay đổi mục tiêu, cơ cấu sử dụng đất và có tác động đến môi trường nhưng phía chủ đầu tư vẫn không lập báo cáo tác động môi trường bổ sung.
Sai phạm nghiêm trọng về tài chính, doanh nghiệp trục lợi hàng trăm tỷ đồng
Về xác định nghĩa vụ tài chính trong việc cho thuê đất và giao đất, Thanh tra Chính phủ kết luận việc UBND TP. Đà Nẵng xác định giá đất để giao, cho thuê đối với 2 dự án trên là không có cơ sở, không giao cho các cơ quan có chức năng tham mưu thực hiện quy trình về xác định giá đất theo quy định là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 188/2004/NĐ-CP. Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, UBND TP. Đà Nẵng chưa có quyết định chính thức về việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Dự án 181 ha.
Tại Dự án 29 ha, khu đất này được Công ty TNHH Daewon Cantavil san lấp, sau đó UBND TP Đà Nẵng thu hồi giao cho Công ty CP Xây dựng 79 để góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Daewon Cantavil với giá 300.000 đồng/m2 và không xác định thời hạn giao đất đã vi phạm Luật Đất đai 2003, vi phạm Nghị định 188/2004/NĐ-CP.
Và quy chiếu theo đơn giá đất năm 2011, khu vực dự án có giá là 4.017 triệu đồng/m2 đã làm lợi cho Công ty CP Xây dựng 79 số tiền thấp nhất là 570,86 tỷ đồng. Còn nếu theo đơn giá đất năm 2011 do UBND TP. Đà Nẵng quy định tại văn bản số 16/UBND-STC ngày 3/1/2018 (giá bình quân khu vực dự án 29 ha là hơn 5,16 triệu đồng/m2) thì tổng số tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án tại thời điểm giao đất năm 2011 là gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty CP Xây dựng 79 chỉ phải nộp 87 tỷ đồng, thấp hơn so với quy định hơn 1.400 tỷ đồng.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai Dự án 181 ha, chủ đầu tư đã thực hiện chuyển nhượng vốn không đúng tiến độ, thời gian hoàn thành, vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng vốn liên quan đến hai dự án nói trên, Thanh tra Chính phủ xác định tại Dự án 181 ha, Phan Văn Anh Vũ và Lê Văn Sáu là một người. Do đó, hợp đồng ký giữa Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (đại diện pháp luật là Phan Văn Anh Vũ) với Lê Văn Sáu là không đủ điều kiện xác lập giao dịch.
Tại Dự án 29 ha, Phan Văn Anh Vũ (là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật Công ty CP Xây dựng 79 lúc bấy giờ) ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn (chuyển nhượng dự án) tại Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu là thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc công ty; sau khi chuyển nhượng, ông Châu là Chủ tịch Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước. Theo quy định thì Công ty CP Xây dựng 79 phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 573,36 tỷ đồng, nhưng thực tế công ty chỉ khai thuế bằng 0 là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế".
Chuyển hồ sơ sang Bộ công an, kiến nghị thu hồi dự án
Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân để xảy ra những sai phạm trên là do lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, các sở, ban ngành và các cán bộ, công chức có liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa đúng thẩm quyền, buông lỏng quản lý, có trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một góc Dự án khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29 ha do Công ty THHH MTV Phát triển nhà Đa Phước thực hiện.
|
Trước những vi phạm liên quan đến 2 dự án trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin, tài liệu đến Bộ Công an để xem xét xử lý theo quy định.
Đối với các cá nhân tổ chức liên quan, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm, khuyết điểm đã được nêu tại kết luận thanh tra; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm tra, rà soát và xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước. Thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án 181 ha đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo sử dụng đất theo đúng quy định, tránh xảy ra khiếu kiện sau này.