Chuyện hậu trường người lo “cơm gạo áo tiền” cho VFF

VietTimes -- Phải nói sau "lùm xùm" việc ông Cấn Văn Nghĩa từ chức PCT tài chính VFF người ta mới biết nhiều về vai trò và tầm quan trọng của người lo “cơm gạo áo tiền”. Người hâm mộ hồi hộp chờ xem sắp tới VFF sẽ "chọn mặt, gửi vàng" nhân vật nào?
“Vai mang túi bạc kè kè/Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm" (ảnh VietTimes)

Trước năm 2005, cơ cấu Ban thường vụ VFF không phân theo mảng công việc. Đại hội IV (nhiệm kỳ 2001-2005) cố chủ tịch VFF Hồ Đức Việt phân công ông Trần Duy Ly làm PCT thường trực, phía nam giao cho PCT Trần Văn Mui, có thêm Tổng thư ký là Phạm Ngọc Viễn, Phó TTK Dương Vũ Lâm. Chấm hết.

Phải là người “ăn to, nói lớn”

Đến đời ông Nguyễn Trọng Hỷ, vốn là Phó Chủ nhiệm UBTDTT sang kiêm nhiệm, được sự tư vấn của FIFA cũng như nhu cầu kiếm tiền cho đội tuyển VN thì VFF mới phân mảng cho 3 Phó chủ tịch chuyên môn, truyền thông đối ngoại và tài chính.

Phó Chủ tịch chuyên trách mảng tài chính đầu tiên chính là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng. Trải qua 2 nhiệm kỳ 5 và 6, là nhân vật ăn được, nói được đối trọng cho nhóm các quan bóng đá chỉ quen nói nhiều, làm ít.

Được sự hậu thuẫn của giới doanh nhân, ông kiếm tiền về cho VFF tiêu khá thoải mái và đến nhiệm kỳ 7, ông trở thành Chủ tịch của LĐBĐ Việt Nam mà không có đối thủ.

Điều kiện cần là làm sao tìm được 1 người dám làm, dám chịu như bầu Đức và điều kiện đủ là làn sao cho các quan chức VFF còn lại…ngồi im”. (ảnh VietTimes)

Ông Lê Hùng Dũng là người có xu hướng học tập mô hình bóng đá Nhật Bản. VFF đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác với JFF (Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản). Việc ông Toshiya Miura trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam nằm trong giai đoạn này.

Tưởng như ông Dũng đã lớn tiếng thì người tiếp quản là ông Đoàn Nguyên Đức (nhiệm kỳ 2014-2018) còn được coi là “miệng có gang, có thép”. Bộ máy VFF nhiệm kỳ 7 hoạt động khá lạ, do ông Lê Hùng Dũng bị bệnh không điều hành, ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF được ủy quyền điều hành. Trong 2 phó phụ trách truyền thông và đối ngoại Nguyễn Xuân Gụ và phó tài chính Đoàn Nguyên Đức chỉ có bầu Đức thực quyền.

Đến giờ người ta vẫn không hiểu vì sao bầu Đức “dị ứng” với HLV Miura đến thế. Để sớm chấm dứt hợp đồng, ông “vai mang túi bạc kè kè” đền bù hợp đồng để đưa HLV Hữu Thắng lên thay. Khi ông thầy xứ Nghệ thất bại, không hiểu bằng nguồn tin từ đâu ông sang tận Hàn Quốc kiếm được Park Hang-seo, tự bỏ tiền túi thực hiện thương vụ này từ A-Z.

Công ty TNHH 1 thành viên

Nhớ lại thời điểm “hậu Hữu Thắng” VFF đang cân nhắc giữa nhiều bản CV được gửi đến thì mấy tờ báo được tiếng là thân bầu Đức đã đăng tải bức ảnh các lãnh đạo VFF chụp cùng Park Hang-seo trong buổi ký hợp đồng tại Hàn Quốc.

Sau này, người ta cũng cố nhét cho “đúng quy trình” việc tuyển lựa ông Park nhưng ai cũng hiểu rằng mọi thứ đều do bầu Đức sắp xếp từ đầu đến cuối. Thậm chí tiền "chi thẳng", không qua két VFF, tất nhiên là nó không nằm trong báo cáo tài chính thường niên của tổ chức này.

Người lo “cơm gạo áo tiền” cho VFF phải có một chiến lược rõ ràng, thuyết phục (ảnh VFF)

Nên sau này dù HAGL kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, phải bán bớt cổ phiếu nhưng VFF kệ, mặc báo chí nói nhiều về việc bầu Đức è cổ trả lương cho ông Park, trong khi két VFF vẫn dư tiền.

Trong nhiệm kỳ của mình ngoài "bao lương" ông Park, chính ông Đoàn Nguyên Đức còn là người kết nối VP Milk trở thành nhà tài trợ cho V.League từ năm 2017 đến nay.

Các lãnh đạo khác của VFF, ngoài ông Tuấn có rất ít vai trò trong việc đưa thầy Park đến Việt Nam, cũng như những việc thường nhật của bóng đá. Làm hội hè mà “Trong lưng chẳng có một đồng/Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”.

Nên nói về thành công của bóng đá Việt Nam trong 2 năm gần đây, có người tếu táo: “Điều kiện cần là làm sao tìm được 1 người dám làm, dám chịu như bầu Đức và điều kiện đủ là làm sao cho các quan chức VFF còn lại…ngồi im”. Kể cũng quá, nhưng ngẫm lại cũng không...quá sai, sau thành công của bóng đá các hội nghề nghiệp khác đang cố học VFF.

Vẫn biết chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính chỉ phù hợp với các doanh nhân, có quan hệ, uy tín giỏi kiếm tiền, tất nhiên lại càng không hợp với những người về hưu, ít giao tiệp trong giới ông chủ, lại đang bị tai tiếng. Nhưng có lẽ hình ảnh ông bầu Đức nhiệm kỳ 7, đá lấn sân kiểu “một tay che mặt trời” khiến người ta ngại dù ông Park là một thương vụ “quá lãi”.  

VFF có lúc như Công ty TNHH 1 thành viên, có thời ngày nào trên các mặt báo, bầu Đức cũng xuất hiện, nói toạc móng heo lỗi của người này, tội người kia. Thẳng tưng tuyên bố HAGL sẽ bỏ giải nếu ông ông Trần Anh Tú ôm hết các chức vụ VPF vào người.

Với cá tính mạnh, ông Đức sẵn sàng “sút tung lưới” các vật cản, sẵn sàng tung hê tất cả khiến cho bầu không khí trước đại hội 8 VFF vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng. Nhưng sâu thẳm, người ta vẫn thấy tình yêu bóng đá của bầu Đức, sự hy sinh lớn cho bóng đá nước nhà của người đàn ông quê Bình Định này.

Ai cũng biết “Vai mang túi bạc kè kè/Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm/Trong lưng chẳng có một đồng/Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”. Nhưng “ớn kiểu bầu Đức” người ta đành vận động cho ông Cấn Văn Nghĩa chiến thắng 3 doanh nhân khác trong đại hội nhiệm kỳ 8.

Vẫn còn rất nhiều ông bầu tâm huyết muốn đồng hành cùng bóng đá Việt Nam (ảnh VietTimes)

Một chiến thắng mà ông Nghĩa chỉ hơn người thua cuộc đúng 5 phiếu, nghĩa là chỉ cần 3 đại biểu “nghĩ đúng” thôi thì đã không phải mất thêm buổi họp bầu PCT tài chính mới. Tiếc rằng ở VFF bây giờ những người như thế, hiếm nếu như không muốn nói quá hiếm.

Hãy vì bóng đá Việt Nam

Quan điểm của người viết là người lo cơm gạo áo tiền” cho VFF phải có một chiến lược rõ ràng, thuyết phục chứ không chỉ “bung lụa” sẽ đem về cho VFF 400 tỷ trong 4 năm nhiệm kỳ. Để rồi sau 6 tháng, ông Nghĩa không hề mang về két một cắc nào mà lại lặng lẽ ra đi, phụ 36 lá phiếu (thực chất là 35) bầu cho mình.

Ai chả biết từ đầu năm đến nay VFF thu về khoảng 140 tỷ thì 90% trong số đó là nhờ những mối quan hệ cá nhân của ông Trần Quốc Tuấn, người đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Không biết ai trong những cái tên sáng giá như ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam), ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ  Công ty CP thể thao Động Lực), ông Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐTQ Công ty VPF) sẽ trúng cử, nhưng họ đều ít nhiều thạo việc kiếm tiền.

Trong ngôi nhà bóng đá ấy, nhiệm kỳ 7 khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng không điều hành, vào thế “thiếu cầu thủ” nên bầu Đức mới "bao sân" đến thế. Người ta vẫn tin, nếu có sự phân công hợp lý, người ngồi ghế Phó chủ tịch tài chính VFF sẽ nhìn ngang, liếc dọc tìm cách lo đủ tiền để đưa bóng đá Việt Nam đi lên.

Hãy vì niềm tin của người hâm mộ!