Chuyển giao Mobifone và VNPT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

VietTimes -- Chậm nhất trong tháng 11/2018, Mobifone và VNPT được hoàn thành việc chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Viettel sẽ thoái vốn cổ phần tại Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) theo hình thức đấu giá trọn lô. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, báo cáo về công tác chuẩn bị hồ sơ chuyển giao, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cho biết cả VNPT và Mobifone đều đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chuyển giao. Riêng về báo cáo tài chính, các doanh nghiệp đang khẩn trương thực hiện và dự kiến hoàn thành trước thời hạn chuyển giao (31/10/2018).

Cụ thể, hiện tại, VNPT còn 14 đầu việc đang triển khai, chưa hoàn thành sẽ chuyển giao để Ủy ban hoàn thành tiếp. Trong đó, riêng việc xếp loại doanh nghiệp năm 2017, VNPT đề xuất để Bộ TT&TT xử lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính.

Còn với Mobifone, trong 10 đầu việc chưa hoàn thành sẽ chuyển giao Ủy ban thực hiện tiếp. Doanh nghiệp đề xuất 3 việc để Bộ TT&TT thực hiện, bao gồm: Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai  đoạn 2016 - 2020; xếp hạng doanh nghiệp đặc biệt và báo cáo đánh giá xếp loại doanh nghiệp, bởi đây là việc Bộ TT&TT có thể thực hiện được ngay sau khi Bộ Tài chính có ý kiến.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, chậm nhất là trong tháng 11/2018, phải thực hiện xong công tác chuyển giao.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, VNPT và Mobifone đều là những doanh nghiệp lớn, quan trọng của ngành viễn thông. Vì vậy, Bộ TT&TT  kỳ vọng Ủy ban sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và  tạo bước phát triển mới cho doanh nghiệp Nhà nước.

* Cũng vào trung tuần tháng 11 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sẽ diễn ra 2 phiên đấu giá thoái vốn cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng Công ty cổ phần (CTCP) Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) theo hình thức đấu giá trọn lô. 

Viettel bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 5.429.394.558.900 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Vinaconex tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập năm 1988. Năm 2006 công ty chuyển đổi thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa, cổ phiếu của Vinaconex chính thức niêm yết trên HNX vào năm 2008.