Chuyên gia Trung, Nga bàn tán chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ

VietTimes -- Theo chuyên gia Nga và Trung Quốc, kết quả chuyến thăm cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bỏ ra số tiền khổng lồ để mua sắm vũ khí tiên tiến của Mỹ, từ đó mở rộng cuộc "chạy đua vũ trang" trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng  Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Independent.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Independent.

Tờ Sputnik Nga ngày 8/11 cho rằng việc mua sắm thêm vũ khí của Mỹ đã vượt nhu cầu phòng vệ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, kết quả đạt được giữa Mỹ và Nhật Bản ở Tokyo thực chất là để cuối cùng xây dựng thành công hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Sau khi mua sắm vũ khí mới của Mỹ, Nhật Bản có thể dễ dàng phá hủy tên lửa của Triều Tiên - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh với phía Nhật Bản tại cuộc họp báo chung.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gật đầu tán thành và tuyên bố Nhật Bản sẽ mua sắm nhiều loại vũ khí hơn của Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi cần tăng cường năng lực phòng vệ cả về số lượng và chất lượng”.

Trong đó, theo tiết lộ của ông Shinzo Abe, Nhật Bản sẽ mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, tên lửa đánh chặn trên biển SM-3 Block 2A lắp cho tàu chiến trang bị hệ thống tác chiến Aegis. Trong tương lai không xa, Nhật Bản sẽ còn cân nhắc mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mặt đất của Mỹ.

Giống như ở Tokyo, tại Seoul, ông Donald Trump cũng tìm cách thuyết phục Hàn Quốc “hào phóng mở hầu bao” mua sắm vũ khí của Mỹ. Ông đã cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đạt được nhất trí về việc Hàn Quốc mua sắm và nghiên cứu chế tạo vũ khí chiến lược hiện đại. Theo báo chí địa phương, những vũ khí này bao gồm tàu ngầm hạt nhân, vũ khí trinh sát công nghệ cao và các vũ khí mới nhất khác của Mỹ.

Lữ Siêu, chuyên gia vấn đề bán đảo Triều Tiên, Viện khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc cho rằng những thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và các đối tác châu Á đang thúc đẩy châu Á đến bên bờ “nguy hiểm”.

Lữ Siêu nói cho rằng trước hết cần phải làm rõ một điểm, bán đảo Triều Tiên có thể duy trì hòa bình, ổn định ở trạng thái nhất định là do cân bằng quân sự của bán đảo. Việc phá hoại sự cân bằng này sẽ dễ gây ra xung đột.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Firstpost.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Firstpost.

Thứ hai, Mỹ ra sức chào bán vũ khí cho Hàn Quốc một mặt là để phục vụ cho mục đích thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mỹ muốn qua đây thu hẹp thâm hụt thương mại với Hàn Quốc, mở rộng xuất khẩu vũ khí, đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.

Mặt khác, mở rộng xuất khẩu vũ khí cho Hàn Quốc, đặc biệt là cuộc hội đàm hai bên còn bàn đến việc nâng cao khả năng trinh sát. Những điều này đã vượt qua nhu cầu vũ khí của Hàn Quốc. Hay nói cách khác, nguyên tắc “chỉ nhằm vào Triều Tiên” của đồng minh Mỹ - Hàn đang bị phá vỡ.

Đồng minh quân sự Mỹ - Hàn trước đây chỉ nhằm để ngăn chặn nổ ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, nhưng hiện nay nếu không ngừng mở rộng vũ trang cho Hàn Quốc, lấy THAAD làm ví dụ, thì phạm vi của nó đã vượt xa phạm vi phòng vệ của bán đảo Triều Tiên, khả năng do thám của radar thuộc hệ thống THAAD đã bao trùm lên lãnh thổ của Trung Quốc và Nga.

Trong tình hình này, không thể không gây ra cảnh giác cho các nước châu Á. Việc không ngừng vũ trang cho Hàn Quốc thực ra là một tín hiệu nguy hiểm.

Lữ Siêu còn đặc biệt nhấn mạnh rằng Nhật Bản có tính “nguy hiểm” lớn hơn so với Hàn Quốc. Bởi vì, đế quốc Nhật Bản là nước tiến hành chiến tranh các nước châu Á trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai...

Không chỉ có vậy, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe còn tìm cách sửa đổi Hiến pháp, bỏ Điều 9 của Hiến pháp, chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính thức. Những việc làm này của Nhật Bản bị Lữ Siêu cho là có tính “nguy hiểm” rất lớn đối với các nước châu Á.

Việc Mỹ đang tập trung vũ trang cho Nhật Bản được Lữ Siêu cho là nhằm phục vụ cho chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng Lữ Siêu nhắc nhở Mỹ rằng Nhật Bản trước đây từng đi theo “chủ nghĩa quân phiệt”.

Máy bay chiến đấu F-35A Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-35A Mỹ.

Ngoài ra, theo chủ nhiệm Igor Korotchenko của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới, những đồng thuận mà Mỹ - Nhật - Hàn đạt được trong chuyến thăm lần này của ông Donald Trump sẽ làm “mở rộng cuộc chạy đua vũ trang”.

Mỹ bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản sẽ đe dọa nghiêm trọng khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc có thể sẽ cùng Nga áp dụng các biện pháp đáp trả.

Theo chuyên gia Igor Korotchenko, Trung Quốc và Nga sẽ thông qua các kênh chính trị và quân sự để nghiên cứu nghiêm túc hậu quả từ việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực này.

Có người nói, Mỹ làm như vậy có tính thù địch, mục đích là để xây dựng một cơ sở phòng thủ tên lửa khác. Mỹ coi mối đe dọa Triều Tiên là cái cớ để bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phản ứng của các bên tạm thời chỉ giới hạn ở cấp độ chính trị, nhưng rõ ràng Trung Quốc cũng sẽ đưa ra phản ứng quân sự, bao gồm tăng cường sức mạnh hạt nhân, tăng cường hệ thống vũ khí cơ động và tên lửa đạn đạo của tàu ngầm.

Thời gian Mỹ tuyên bố bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản trùng hợp với thời gian Mỹ tăng tổng số tên lửa đánh chặn ở căn cứ Fort Greely, bang Alaska lên tới 44 quả. Tờ tuần san Defense News Mỹ cũng dẫn nguồn tin từ Cơ quan phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận vấn đề này.

Theo Igor Korotchenko, những tên lửa này là tên lửa đánh chặn hạng nặng. Trên thực tế, Mỹ lấy lý do đánh chặn tên lửa của Triều Tiên để nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của họ.

Các nhà quan sát nhìn nhận Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay như Ba Lan và Romania – những quốc gia đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ ở châu Âu. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy cũng biến các nước này thành mục tiêu tấn công tiềm tàng khi xảy ra xung đột quân sự.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ.

Sau khi Tổng thống Mỹ lần đầu tiên tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc trong 25 năm qua, Seoul có thể có 2 bước đi lớn trong việc nâng cao tiềm lực quân sự:

Bước thứ nhất, gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu tàu ngầm hạt nhân, từ đó tuyên bố lợi ích chiến lược của mình trên các đại dương của thế giới. Hiện trong câu lạc bộ này có Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Ấn Độ cũng muốn gia nhập, nhưng tạm thời chưa thành công.

Bước thứ hai, Hàn Quốc hủy bỏ hạn chế trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo để mở rộng tầm bắn. Ông Donald Trump bày tỏ đồng ý với việc này.