|
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Hitachi Systems Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi công nghệ số trong sản xuất” (Ảnh: Hoàng Hải) |
Như các chuyên gia phân tích tại buổi hội thảo “Chuyển đổi công nghệ số trong sản xuất” được tổ chức sáng 25/9 tại TP.HCM cho thấy, cách mạng 4.0 mở ra cơ hội mới cho số hóa, tự động hóa, nâng cao năng lực sản xuất và nâng tầm vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều ứng dụng gia tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, giúp giành lợi thế trên thương trường” - Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Hitachi Systems Việt Nam, nói.
Tuy nhiên, rất cần giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của cách mạng 4.0, đồng thời, ngoài khó khăn về nguồn nhân lực, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thách thức không nhỏ của việc hội nhập vào dòng chảy của cuộc cách mạng CNTT.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cách mạng 4.0 tác động đến toàn xã hội, đặt ra những thách thức rất lớn, thậm chí hệ thống có thể giao tiếp với nhau trên internet mà không cần sự can thiệp của con người.
Kỹ sư Nguyễn Kim Dôn, Công ty Hitachi Systems Việt Nam, cho biết: “Giải pháp Siemen NX có thể hỗ trợ kỹ sư thiết kế, tương tác giữa dữ liệu thực tế với các bản sao số, đưa ra được những thiết kế tối ưu nhất, tránh đưa ra quá nhiều bản sao khác nhau”.
|
Kỹ sư Nguyễn Kim Dôn phân tích nhiều khía cạnh của tự động hóa
|
“TeamCenter là môi trường chung để các dữ liệu có thể nói chuyện với nhau. Đội ngũ kỹ sư và các phòng ban sẽ được cấp quyền truy cập để sử dụng dữ liệu phục vụ cho công việc của mình. Điểm mạnh của TeamCenter chính là khả năng mô phỏng visual, 3D để các kỹ sư có thể quan sát, kiểm nghiệm tổng thể sản phẩm được thiết kế. Đồng thời, TeamCenter còn có công cụ tích hợp modul phân tích và kiểm nghiệm, giúp giảm thiểu công đoạn và thời gian thiết kế” – Kỹ sư Nguyễn Kim Dôn cho biết.
Ông Ung Nhật Trường, đại diện Siemen Việt Nam, trao đổi về việc lên kế hoạch điều độ sản xuất nhanh với Opcenter APS, yếu tố quyết định dẫn tới lợi thế cạnh tranh trên thương trường:
“Trong môi trường đa ràng buộc thì máy móc thiết bị chỉ là một ràng buộc khi tính toán lịch sản xuất cho các hệ thống sản xuất lớn. Các thuật toán sẽ tính toán phù hợp với số lượng đơn hàng, ngày giao hàng, năng lực thiết bị máy móc thỏa mãn sản xuất… Opcenter APS sẽ cho những giải pháp hoàn toàn chính xác, khác hẳn với bảng kế hoạch giấy ngày xưa. Đồng thời Opcenter APS cung cấp một cái nhìn tổng quan về việc sử dụng nguồn lực trong sản xuất, lựa chọn được giải pháp bổ sung nhân lực hoặc máy móc cho từng khu vực trong nhà máy được tối ưu” – Ông Trường cho biết.
|
Kỹ sư Phạm Thị Mỵ, Công ty Hitachi Systems Việt Nam nói về sản xuất tinh gọn, thông minh
|
“Chỉ một công đoạn bị ngưng trệ sẽ dẫn tới rất nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, với Technomatix, có thể mô phỏng toàn bộ nhà máy, kiểm tra hiệu suất hoạt động của toàn bộ thiết bị và con người, từ khâu đầu vào đến các công đoạn sản xuất. Có thể tính toán được hiệu suất công việc trong 1 tuần hay 1 tháng sẽ như thế nào? Và thắt nút cổ chai đang ở công đoạn nào? Từ đó có những giải pháp tối ưu cho sản xuất” - Kỹ sư Phạm Thị Mỵ phân tích.
Làm thế nào để tương tác giữa môi trường ảo với môi trường thực? Kỹ sư Phạm Thị Mỵ, Công ty Hitachi Systems Việt Nam, nói về sản xuất tinh gọn, thông minh, với công nghệ mô phỏng và quản lý nhà máy Technomatix, TeamCenter và MindSphere: “Nếu trong thực tế sản xuất chúng ta gặp sự cố với sản phẩm nhưng không thể khắc phục được ngay thì vẫn có thể đưa những thông tin thực tế về lỗi sản phẩm vào môi trường ảo, trợ lý thông minh sẽ tính toán nhiều phương án khác nhau để biết được thực tế có thể sẽ xảy đến như thế nào, và giúp con người lựa chọn được những giải pháp khắc phục cho môi trường thực tế".
“Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là giai đoạn ảo. Đem kế hoạch này vào công đoạn sản xuất thực tế mới có thể kiểm nghiệm được tính toán như vậy đã thực sự tối ưu chưa? Có còn lỗi gì nữa không? Nếu còn lỗi thì lại tiếp tục đưa vào môi trường ảo, điều chỉnh rồi lại đưa ra thực tế. Đó chính là sự tương tác giữa Technomatix, TeamCenter và MindSphere, cho phép chúng ta có thể xem lại những diễn biến xảy ra trong thực tế, dự báo tình hình thực tế dựa trên nhiều phương án đưa ra trong môi trường ảo, giải quyết các nút thắt cổ chai”- Bà Mỵ giải thích thêm.
|
Bà Dư Lan Phương, Phó phòng Digital Solution Platform ICT Solution Business (Hitachi Asia)
|
Bà Dư Lan Phương, Phó phòng Digital Solution Platform ICT Solution Business (Hitachi Asia, trụ sở chính ở Singapore) nói về đột phá hiệu suất với JP1 Automation – Tự động hóa công việc trong trạng thái bình thường mới: “Trải qua giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19, nhiều cuộc khảo sát cho thấy có đến 40% các công ty muốn tăng tỷ lệ tự động hóa, giảm thiểu giao tiếp giữa con người với con người”.
“Trên thế giới đã có hơn 19.000 khách hàng đã sử dụng phần mềm JP1 Automation của Hitachi. Chúng tôi hướng đến mục tiêu tối ưu hóa toàn bộ dữ liệu, kết hợp với AI - trí thông minh nhân tạo, hướng tới hoàn toàn tự động hóa” – Bà Dư Lan Phương nói.
“Nhà máy và văn phòng kết nối với nhau bằng JP1 Automation, số hóa toàn bộ quy trình trên giấy thành dữ liệu đưa lên hệ thống, điều khiển hệ thống robots thực hiện các thao tác thay cho con người, tránh sai sót khi tạo quy trình khép kín từ đơn hàng đầu vào ở các cơ sở kinh doanh đến các khâu sản xuất, thành phẩm, đóng gói, vận chuyển đến kho bãi và các cơ sở bán hàng” – Bà Dư Lan Phương giải thích.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Hitachi Systems Việt Nam - khẳng định: “Hitachi Systems Việt Nam cam kết mang lại những giá trị chia sẻ, giải pháp cho doanh nghiệp Việt để tháo gỡ rào cản CNTT, tiến tới hội nhập vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.