|
Bức ảnh này do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên công bố vào tháng 4/2017 cho thấy các khẩu pháo trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP. |
Việc chuyển giao pháo gần đây được thực hiện sau thông tin hàng nghìn binh sĩ mà Triều Tiên đã cam kết tham gia cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh vai trò quan trọng của đạn pháo và tên lửa trong cuộc xung đột.
Các hình ảnh bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội vào tuần trước cho thấy thứ được xác định là pháo tự hành "Koksan" 170 mm của Triều Tiên di chuyển bằng đường sắt dọc nước Nga.
Việc chuyển giao các hệ thống pháo 170 mm sau đó đã được xác nhận bởi các phương tiện truyền thông phương Tây, trích dẫn tình báo Hàn Quốc, trong đó nói rằng Bình Nhưỡng cũng đã chuyển giao các hệ thống phóng tên lửa đa nòng 240 mm cho Nga.
Can Kasapoğlu, chuyên viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, hôm 20/11 cho hay hệ thống 170 mm và 240 mm là hai hệ thống mạnh nhất mà Triều Tiên sở hữu.
Ông Kasapoğlu viết trong một báo cáo tình hình quân sự về Ukraine được công bố hôm 20/11 rằng Koksan "có phạm vi hoạt động 37 dặm (60 km) và ban đầu có thể bắn ra 4 phát đạn trong 1 phút, sau đó cứ 3 phút sẽ bắn 1 lần".
“Nó được thiết kế để bắn từ các khu vực được bảo vệ và di chuyển để nạp đạn. Bình Nhưỡng có hàng trăm khẩu pháo Koksan trong kho vũ khí của mình và có đủ khả năng gửi một số lượng đáng kể cho Nga", ông nói thêm.
Theo dự án Mối đe dọa Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những khẩu Koksan đầu tiên xuất hiện vào năm 1978, và sau đó phiên bản mới hơn xuất hiện vào năm 1989. Đây là hệ thống pháo có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên. Nó có thể bắn đạn nổ mạnh khoảng 25 dặm (40 km) hoặc đạn pháo hỗ trợ rocket ra khoảng 37 dặm (60 km).
Ở cấp độ cao hơn, tầm bắn của Koksan lớn hơn một số hệ thống pháo binh khác và chỉ kém tầm bắn của Tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) dành cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Triều Tiên được cho là có lực lượng pháo binh năng lực cao với hàng nghìn hệ thống trong kho vũ khí. Trong một báo cáo năm 2021, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết Bình Nhưỡng có thể tiến hành một “cuộc tấn công cường độ cao, thời gian ngắn” vào Hàn Quốc và tiến hành một cuộc tấn công mà không có hoặc có rất ít cảnh báo.
Báo cáo của DIA cho biết lực lượng pháo binh và thiết giáp của Bình Nhưỡng chủ yếu bao gồm các bản sao do Triều Tiên sản xuất từ thời Liên Xô, "chủ yếu dựa trên công nghệ cũ" nhưng "đáng tin cậy và dễ bảo trì".
Mặc dù máy bay không người lái và các cải tiến khác đã định hình rõ nét cuộc chiến Ukraine, pháo binh vẫn đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến, khi cả hai bên đều sử dụng vũ khí này để gây thương vong đáng kể cho kẻ địch. Kiev nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng nước này không có đủ đạn dược từ phương Tây để theo kịp Moscow, quốc gia mà phương Tây cho rằng đã nhận hàng triệu quả đạn pháo và tên lửa từ Triều Tiên.
"Vua chiến trường"
Pháo binh từ lâu đã được coi là "vua chiến trường" cùng nhiều tên gọi khác và điều đó vẫn tiếp tục xảy ra ở Ukraine, ngay cả khi các công nghệ chiến tranh mới ra đời.
Ông Kasapoğlu nói rằng hiện tại vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên gửi pháo để hỗ trợ các đơn vị Nga hay cho lực lượng của chính họ hoạt động bên trong khu vực Kursk.
Mỹ đánh giá rằng hơn 11.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới Kursk, nơi Nga đang cố gắng lấy lại lãnh thổ mà lực lượng Ukraine đã chiếm được sau khi họ thực hiện một cuộc xâm lược xuyên biên giới táo bạo vào đầu tháng 8.
Theo các hãng truyền thông phương Tây, các lực lượng Triều Tiên đã tham gia chiến đấu chống lại quân đội Kiev. Trận chiến đầu tiên trong số đó bao gồm các cuộc tấn công bằng pháo binh xảy ra gần như hàng ngày. NATO cho biết việc đưa Bình Nhưỡng vào cuộc chiến là một "sự leo thang đáng kể" trong cuộc xung đột khốc liệt vừa vượt qua mốc 1.000 ngày.
Để đối phó với diễn biến của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga - một sự thay đổi chính sách lớn trong những tuần cuối cùng nhiệm kỳ của ông.