Chuyên gia Nga mổ xẻ "bảo bối" J-20 Trung Quốc

Rất khó so sánh J-20 và hệ thống máy bay chiến thuật tương lai Т-50 vốn còn chưa được đưa vào sản xuất loạt. Trung Quốc vẫn có sự lạc hậu nhất định vì chính trên J-20 vẫn lắp các động cơ Nga. Các động cơ đó kém hơn các động cơ hiện lắp trên PAK FA. Đó là chưa nói đến động cơ giai đoạn 2 dành cho Т-50 sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2017
Chiến đấu cơ J-20 Trung Quốc bay trình diễn ở triển lãm hàng không Chu Hải
Chiến đấu cơ J-20 Trung Quốc bay trình diễn ở triển lãm hàng không Chu Hải

Ngày 1/11/2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu công khai tiêm kích thế hệ 5 J-20 được phát triển vào cuối thập kỷ trước.

Chuyến bay trình diễn của J-20 diễn ra tại triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 11 China Airshow 2016 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.

Bắc Kinh hy vọng tiêm kích tàng hình này sẽ cho phép rút ngắn sự tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Theo một số nhà phân tích, J-20 có bề ngoài giống với cả hai loại tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ là F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Hiện nay, chỉ có Mỹ đang sản xuất loạt tiêm kích thế hệ 5 là F-35. Nga cũng đang ráo riết hoàn thiện PAK FA Т-50. Các chuyên gia Nga nghi ngờ khả năng J-20 vượt trội mẫu máy bay Nga.

Hồi đầu năm, China Daily dẫn nguồn các chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa tin, đến năm 2017, J-20 có thể được đưa vào trang bị cho không quân Trung Quốc.

J-20 bay thử lần đầu tiên vào năm 2011. Tổng công ty Công nghiệp hàng không Thành Đô là hãng phát triển J-20.

Ngoài J-20, Trung Quốc còn đang phát triển một tiêm kích thế hệ 5 nữa là J-31. Cục trưởng Không quân Nga trước đó cho hay, J-31 sẽ được xuất khẩu cùng với động cơ RD-93 của Nga. J-31 bay thử lần đầu ngày 31/10/2012.

Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” của Nga, ông Andrei Frolov nhấn mạnh, rất khó đánh giá tính năng của J-20 nếu chỉ phân tích qua bề ngoài. Xét từ góc độ những số liệu bề ngoài, J-20 đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với tiêm kích thế hệ 5.

“Việc liệu nó có khả năng bay siêu âm ở chế độ làm việc không tăng lực của động cơ lại là chuyện khác - đó là câu hỏi. Còn tính năng thứ hai vốn cũng là một đặc điểm của tiêm kích không chỉ thế hệ 5 mà cả thế hệ 4 là khả năng sử dụng trong môi trường thông tin thống nhất: nhận dữ liệu từ các nguồn bên ngoài, cũng như tự trở thành phương tiện phát những dữ liệu nào đó. Nghĩa là, như người ta nói, trở thành một yếu tố của “chiến tranh lấy mạng làm trung tâm”. Hiện nay, các máy bay không còn tự bay như vốn có nữa mà chúng phải trở thành một yếu tố của hệ thống. Trung Quốc đã có cái đó chưa? Đó cũng là câu hỏi”, ông Frolov bình luận.

Ông Frolov cũng lưu ý, “Rất khó so sánh J-20 và hệ thống máy bay chiến thuật tương lai Т-50 vốn còn chưa được đưa vào sản xuất loạt. Trung Quốc vẫn có sự lạc hậu nhất định vì chính trên J-20 vẫn lắp các động cơ Nga. Các động cơ đó kém hơn các động cơ hiện lắp trên PAK FA. Đó là chưa nói đến động cơ giai đoạn 2 dành cho Т-50 sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2017”.

Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Sergei Denisentsev, đó là các động cơ AL-31. Có thể gọi chúng là các động cơ phù hợp với các yêu cầu của tiêm kích thế hệ 5 với lý do trên các máy bay thế hệ 5 tiền sản xuất loạt của Nga cũng lắp các động cơ giống hệt, chỉ là ở biến thể khác thôi.

Biến thể cơ sở của AL-31 đang được sử dụng trên các tiêm kích thế hệ 4 Su-27 và các biến thể của nó. Động cơ AL-31FP có vector lực kéo thay đổi đang được lắp cho các tiêm kích Su-30SM, Su-30MKI.

Năm 2011, tờ Aviation International News viết rằng, Trung Quốc dã ký hợp đồng thứ 5 với công ty Rosoboronoexport của Nga mua các động cơ AL-31FN của Nhà máy Salyut được cải tiến cho tiêm kích đa năng J-10 của Trung Quốc.

Theo hợp đồng, Trung Quốc đã phải trả 500 triệu USD cho 123 động cơ mà Nga phải chuyển giao đến năm 2013.


Ông Frolov cho rằng, trong số các ưu thế của J-20 có tầm bay không tiếp dầu và khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại. Nhưng tiêm kích này cũng có những đặc điểm làm suy giảm giá trị của nó.

“Một là kích thước khá lớn. Hai là cánh ngang phía trước to tướng vốn sẽ là vật phản xạ tốt, ảnh hưởng làm tăng độ bộc lộ”, ông Frolov nhận định.

Trước đó, chuyên gia Vasily Kasshin của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, vấn đề của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn là việc thiết khả năng đưa ra những phát minh đột phá tự lập. Đa số các thành tựu của Trung Quốc có liên quan đến mô hình đặc thù của họ là xào xáo kỹ những công nghệ thu được từ bên ngoài. Mô hình này trong đa số các trường hợp cũng thoát ly khá xa việc sao chép giản đơn và bao gồm việc thu hút các công nghệ nước ngoài ở giai đoạn đầu, nghiên cứu sâu sắc chúng, tổng hợp và chế tạo ra vũ khí trang bị của mình trên cơ sở đó.

Hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu trang bị động cơ nội địa WS-10 Thái Hàng mà họ bắt đầu thiết kế từ cuối thập niên 1980 không chỉ cho các tiêm kích hai động cơ mà cả các tiêm kích một động cơ. Nó không phải là bản sao chép mẫu nước ngoài nào mà là kết quả của việc phân tích và nghiên cứu sâu các thiết kế của một số loại động cơ máy bay của Liên Xô, châu Âu và Mỹ của thập niên 1980-1990.

Mỹ bắt đầu sản xuất tiêm kích đa năng thế hệ 5 F-22 Raptor từ năm 2001 và F-35 từ năm 2016.
Các máy bay thế hệ 5 có độ bộc lộ radar và hồng ngoại nhỏ hơn hàng chục lần; có khả năng duy trì tốc độ siêu âm khi bay hành trình không tăng lực, có khả năng siêu cơ động, mức độ tự động hóa điều khiển và tự hoạt chiến đấu rất cao; khả năng bắn mục tiêu mọi góc độ trong cận chiến.

Theo VND