Chuyên gia: Lúa vụ ba khiến hạn, mặn nghiêm trọng hơn

Cục Trồng trọt có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông năm 2016 (lúa vụ ba) thêm hàng chục ngàn héc ta để bù vào phần sản lượng bị thiệt hại trong vụ đông xuân 2015-2016. Thế nhưng, theo ý kiến chuyên gia, điều này có thể dẫn đến hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn trong năm tới.
Xây đê bao khép kín sản xuất lúa vụ ba đã khiến không gian trữ nước trong mùa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tư Giác Long Xuyên bị “tê liệt”. Ảnh: Trung Chánh
Xây đê bao khép kín sản xuất lúa vụ ba đã khiến không gian trữ nước trong mùa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tư Giác Long Xuyên bị “tê liệt”. Ảnh: Trung Chánh

Cụ thể, thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong vụ thu đông năm 2016, đơn vị này có kế hoạch khuyến khích nông dân xuống giống 900.300 héc ta trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tăng 57.160 héc ta so với vụ thu đông năm 2015; sản lượng dự kiến đạt hơn 4,9 triệu tấn lúa, tăng 361.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Trồng trọt, dự kiến việc xuống giống sẽ tiến hành vào cuối tháng 7 đầu tháng 8-2016.

Như vậy, dự kiến sản lượng tăng thêm 361.000 tấn nhờ mở rộng diện tích lúa vụ ba hoàn toàn có thể "bù" cho hơn 180.000 tấn lúa bị thiệt hại trong vụ đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL do hạn và xâm nhập mặn gây ra, vừa được Cục Trồng trọt thống kê mới đây.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, việc mở rộng diện tích lúa vụ ba có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng hạn và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong năm 2017 tới.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập, cho biết khu vực hạ lưu sông Mê Kông được thiên nhiên “thiết kế” rất tài tình với ba “túi điều hòa nước” được ví như mạch máu Mê Kông.

Cụ thể, phía Campuchia có Biển Hồ (Tonle Sap) và phía Việt Nam có hai vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000 héc ta nằm về phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, và Tứ giác Long Xuyên rộng khoảng 590.000 héc ta nằm về phía hữu ngạn thuộc An Giang và Kiên Giang.

Theo ông Thiện, hàng năm, khi lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn đổ về đến Campuchia, nước sẽ chảy vào Biển Hồ (làm hồ này rộng ra đến 5-6 lần, tức từ khoảng 300.000 héc ta trong mùa khô lên 1,5 triệu héc ta vào mùa nước) và chảy tiếp xuống vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, làm cho hai vùng này ngập sâu 3-4 mét nước. “Chính ba túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL, “cất giữ” bớt nước cho mùa lũ, làm cho lũ hiền hòa hơn, để rồi “nhả” nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu, giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô”, ông Thiện cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, sự biến đổi của khí hậu và tác động của con người trong lưu vực đã làm cho “bộ máy” mà thiên nhiên “thiết kế” ra không còn hoạt động nhịp nhàng như vốn có nữa, mùa nước nổi trở thành mùa lũ hung hãn, còn mùa khô thì bị khô hạn và xâm nhập mặn sâu hơn.

Riêng đối với ĐBSCL, theo ông Thiện, việc xây dựng rất nhiều đê bao khép kín trong các năm qua để sản xuất lúa vụ ba trong hai túi chứa nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm hai túi này không chứa được nước nữa. Chính việc không chứa được nước, cho nên nước tìm nơi khác, gây ngập lụt nghiêm trọng ở những vùng ngoài đê bao và thoát ra biển nhanh hơn.

Hậu quả của việc này là vào mùa khô, hai túi nước này không có nước để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu như quy luật trước đây, và do đó, không thể đẩy mặn trong mùa khô. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn, nhất là khi có hạn xảy ra ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông.

Ông Thiện dẫn chứng, việc xây đê bao sản xuất lúa vụ ba trong các năm qua đã làm cho túi chứa nước Tứ giác Long Xuyên giảm từ 9,2 tỉ mét khối nước vào năm 2000 xuống chỉ còn 4,5 tỉ mét khối vào năm 2011, tức đã giảm khoảng 4,7 tỉ mét khối nước do đã có khoảng 1.100 km2 diện tích ô đê bao khép kín ở vùng này.

Lẽ ra các cơ quan quản lý, các ngành chức năng có liên quan thay vì phải ngồi lại và cùng nhau bàn bạc, tìm hướng khắc phục hậu quả đã gây ra trong quá khứ là xây đê bao khép kín, thì nay lại muốn tăng thêm diện tích lúa vụ ba, đồng nghĩa là tăng thêm diện tích xây đê bao khép kín.

Như vậy, sang năm 2017, khi một mùa khô mới lại đến, thì liệu ĐBSCL sẽ đi về đâu? Hạn và xâm nhập mặn rồi sẽ tiếp tục tàn phá hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng và rồi Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương lại họp bàn giải quyết, hỗ trợ…, và cái vòng lẩn quẩn ấy sẽ đi về đâu khi đê bao khép kín sản xuất lúa vụ ba vẫn còn đó?

Theo TBKTSG