Chuyên gia kinh tế Mỹ “lên tiếng” về Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam

VietTimes -- Ông Joshua Meltzer, đại diện từ Viện Nghiên cứu Brookings tại Washington D.C, hiện là ủy viên cấp cao Chương trình Kinh tế toàn cầu và Phát triển của Viện Brookings sẽ tham gia Tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật An ninh mạng, sẽ diễn ra sáng mai (8/5) do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức.
Vào tháng 5/2018 này, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội thông qua với mục đích xây dựng một hành lang pháp lý đảm bảo môi trường mạng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế số và đáp ứng nhu cầu của cách mạng 4.0. Luật An ninh mạng với một số quy định có khả năng tác động trực tiếp đến quyền pháp lý và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Do đó, Tọa đàm Xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và Kiến nghị từ doanh nghiệp Việt Nam. là không gian để các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo luật.
Sự kiện lần này có sự tham gia của ông Joshua Meltzer (đại diện từ Viện Nghiên cứu Brookings tại Washington D.C). Ông Meltzer hiện là ủy viên cấp cao Chương trình Kinh tế toàn cầu và Phát triển của Viện Brookings. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách, đặc biệt là luật thương mại.
Thời gian gần đây, ông có nghiên cứu về Tầm quan trọng của dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia trong nền kinh tế số hiện nay. Bài viết của ông đăng trên website Brookings.edu ngày 20/3/2018 với tiêu đề "Regulating for a digital economy: Understanding the importance of cross-border data flows in Asia" đã chỉ ra những cơ hội to lớn mà dữ liệu toàn cầu đem lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó,  trong bài viết ông cũng chỉ ra rằng các chính phủ có xu hướng tiến hành các biện pháp hạn chế dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, và điều này sẽ phát sinh chi phí kinh tế và thương mại. Theo nghiên cứu từ Bauer, chi phí của các biện pháp nội địa hóa được đề xuất và ban hành sẽ làm giảm GDP ở Ấn Độ (-0.1%), Indonesia (-0.5%) và Việt Nam (-1.7%).
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia đóng góp và chia sẻ ý kiến từ đại diện chính phủ Indonesia, chính chủ Philippines, Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á, và Amazon Web Services. 
Đánh giá tác động của Dự thảo Luật an ninh mạng tới doanh nghiệp, IPS nhận định, dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của 3 nhóm doanh nghiệp. Trong đó, có nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng (DN sản xuất, nhập khẩu, phân phối giải pháp, phần mềm, thiết bị bảo mật, v.v...);  Nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (còn gọi là Fintech) - vốn là nhóm đang phát triển nhanh tại Việt Nam; và nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung.
Nhóm 3 này gồm hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, hay còn gọi là start-up. Đây đều là các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
"Một cách tổng thể, các quy định được đề xuất trong dự thảo Luật sẽ có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp đã nêu (chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính). Như vậy, mặc dù các định hướng và chủ trương của Chính phủ luôn nhất quán ủng hộ những nhóm doanh nghiệp này thì các quy định trong dự thảo Luật trên thực tế có thể gây tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực", đại diện IPS cho biết thêm.