Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, nếu mỗi Đoàn viên trở thành một hạt nhân để lan tỏa kỹ năng số đến tới từng gia đình thì việc phổ cập kỹ năng số cho người dân sẽ trở thành nhiệm vụ khả thi.
Tại lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 – 2026 giữa Bộ TT&TT và TW Đoàn TNCS HCM tổ chức chiều 30/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã có bài phát biểu về vai trò và sứ mệnh của thanh niên Việt Nam trong chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một trong những động lực, ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế. Trong tháng 4 này, 100% tỉnh, thành ủy, cơ quan Trung ương sẽ có Nghị quyết của cấp ủy, Kế hoạch hành động của cấp chính quyền về chuyển đổi số. Như vậy, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ chính trị và Đoàn thanh niên cần tham gia vào nhiệm vụ này và đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân.
|
Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ TT&TT và TW Đoàn TNCS HCM |
“Việt Nam có hơn 6 triệu Đoàn viên thanh niên, đây là lực lượng xung kích, nhiệt huyết có khả năng sáng tạo, nắm bắt công nghệ nhanh, tức là có lợi thế trong việc thích nghi với môi trường số. Nếu mỗi Đoàn viên trở thành một hạt nhân để lan tỏa kỹ năng số đến tới từng gia đình thì việc phổ cập kỹ năng số cho người dân sẽ trở thành nhiệm vụ khả thi hơn nhiều”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định trọng tâm chuyển đổi số của năm 2022 là đưa người dân, doanh nghiệp lên các nền tảng số Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để đưa người dân lên các nền tảng số là người dân thiếu kỹ năng số. Đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo… chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ. Nếu có cách làm đúng, Việt Nam có thể khai phóng được tiềm năng phát triển kinh tế số - xã hội số tại các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề vốn tồn tại từ lâu trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại điện tử (TMĐT) hay phát triển kinh tế nông thôn.
8 vấn đề cần lưu ý để nâng cao vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số
Chương trình ký kết hợp tác giữa Bộ TT&TT và TW Đoàn TNCS HCM thực hiện trong giai đoạn 2022 – 206. Năm 2022, Bộ TT&TT đề xuất các nội dung, cụ thể:
Triển khai hiệu quả sáng kiến Tổ công nghệ số cộng đồng. Nhiệm vụ này là trọng tâm của năm 2022. Các tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, của huyện/xã. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ công nghệ số cộng đồng là hỗ trợ chính quyền đưa người dân lên các nền tảng số một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Đoàn Thanh niên là chủ lực trong triển khai mô hình này.
Lạng Sơn đã thành lập 1.700 Tổ công nghệ số cộng đồng với 6.000 thành viên ở tất cả 11 huyện và 200 xã. Hiện nay, các địa phương khác như Quảng Nam, Yên Bái, Hải Dương cũng đang tăng tốc triển khai.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Khuyến khích các đoàn viên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm để hướng dẫn người trong gia đình và người dân thực hiện. Đồng thời, đồng hành cùng chính quyền để hỗ trợ người dân.
Hướng dẫn người dân lên Sàn TMĐT Việt Nam. Bộ TT&TT đề xuất Trung ương Đoàn thanh niên phân công Đoàn thanh niên các sàn Vỏ sò, PostMart tập huấn cho Đoàn thanh niên cơ sở, để từ đó chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng sử dụng nền tảng, các kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử như đóng gói, hoàn thiện đơn vận, chụp ảnh, livestream, quảng bá sản phẩm trên môi trường số.
Hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện thanh toán số. Trong đó, tập trung chú trọng tới loại hình Mobile Money với nhiều tiện ích cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2022 dự kiến có thể đạt được hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập tới 100% xã phường trên cả nước. Đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy phổ cập nền tảng thanh toán số tới toàn dân.
Bộ TT&TT đề xuất TW Đoàn hướng dẫn, vận động 100% đoàn viên, thanh niên đăng ký sử dụng Mobile Money, hình thành thói quen sử dụng nền tảng thanh toán số, ứng dụng vào cuộc sống cũng như trong công tác Đoàn, phong trào thanh niên. Lan tỏa, hỗ trợ, người dân đặc biệt vùng sâu, vùng xa sử dụng Mobile Money để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hướng dẫn người dân hướng dẫn con cái học Toán, học tiếng Anh. Bộ TT&TT là cơ quan triển khai, điều phối triển khai Chương trình thúc đẩy sử dụng các nền tảng số xuất sắc. Trong đó, các nền tảng số phục vụ nhu cầu học tập được ưu tiên hàng đầu.
Bộ cũng đề xuất Đoàn Thanh niên tuyên truyền, phổ biến cho các Đoàn viên biết và sử dụng các nền tảng số, phục vụ tốt hơn cho việc học tập tại trường cũng như tự học tại nhà. Chi đoàn của các trường tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho các em học sinh trong trường để học tập trên các nền tảng số.
Chương trình đào tạo chuyển đổi số cấp xã được Bộ TT&TT triển khai nhằm phổ cập kỹ năng số cho người dân. Bộ TT&TT mong muốn Đoàn thanh niên đồng hành cùng với Bộ, tham gia vào mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương tới địa phương, cơ sở cấp xã. Với lực lượng trẻ và số lượng đoàn viên vừa phải, phù hợp để chuyển đổi số, tôi tin rằng Đoàn thanh niên hoàn toàn có thể tạo ra các điển hình về chuyển đổi số trên cả nước.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý, các Đoàn viên Thanh niên thực hiện theo nguyên tắc “4T” và hướng dẫn người dân về an toàn thông tin.
“Thanh niên, với khả năng sáng tạo dồi dào luôn nghĩ ra những cách làm mới, hiệu quả cho những vấn đề khó. Tôi tin rằng, dưới sự chỉ đạo của TW Đoàn TNCS HCM, các bạn thanh niên sẽ phát huy được đức tính, phẩm chất tốt đẹp nhất của thanh niên Việt Nam và thực hiện sứ mệnh của mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng nói thêm.
Theo Vietnamnet