|
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rộng rãi, với đại đa số các công ty - cả cũ và mới đều đang nỗ lực tiến hành. Ảnh: IT Pro |
Đổi mới hoặc là chết!
Chuyển đổi số là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay và tầm quan trọng của nó đối với tuổi thọ của doanh nghiệp là điều không thể chối cãi. Từ các ngân hàng truyền thống đến những “gã khổng lồ” công nghệ như IBM, nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đã buộc những doanh nghiệp thành công nhất cũng phải thay đổi cách thức hoạt động của họ.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách các sự kiện lớn diễn ra, định hình lại bối cảnh kinh doanh một cách nhanh chóng và buộc các tổ chức không chỉ cần áp dụng các hệ thống mới mà còn là những hướng tư duy mới.
Khi xem xét chuyện chuyển đổi số, điều chúng ta thường nghĩ đến là một doanh nghiệp “cổ” với các hệ thống lỗi thời và những quy trình cũ đang cố gắng bắt kịp thời đại. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Bất kể công ty nào dù “già” hay “trẻ” thì trong thời đại internet, các công ty đều cần đến chuyển đổi số để giải quyết những thách thức của riêng họ.
Bắt kịp thời đại
Theo nghiên cứu của Software AG, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rộng rãi, với đại đa số các công ty - cả cũ và mới đều đang nỗ lực tiến hành. Software AG phát hiện ra rằng, 97% Giám đốc CNTT cho biết các công ty của họ đã trải qua những nỗ lực chuyển đổi số vào năm 2020, trùng với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19.
Nhìn chung, trọng tâm chính của chuyển đổi số là khai thác điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Những lợi ích từ quá trình áp dụng này cũng đã được công nhận rộng rãi.
|
Ảnh: Magenest |
Tại Anh, đầu tư chuyển đổi số của quốc gia này dự kiến sẽ tăng thêm 74 tỷ bảng Anh trong 4 năm tới và 127 tỷ bảng Anh vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, trọng tâm của các nỗ lực chuyển đổi số thay đổi theo từng trường hợp cụ thể, với các dự án và lĩnh vực ưu tiên thay đổi theo quy mô và tính chất của từng tổ chức.
Ví dụ, Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh (NHS) đã tập trung giải quyết các khía cạnh cốt lõi trong mảng công nghệ thông tin của tổ chức, bao gồm cập nhật hệ điều hành được cài đặt trên các thiết bị đầu cuối của dịch vụ y tế từ các nền tảng cũ như Windows XP đến Windows 10.
Trong khi đó, nhóm CNTT tại Alexandra Palace một đơn vị tổ chức hòa nhạc hơn 150 tuổi đã tiến hành đại tu lại cơ sở hạ tầng mạng trong thời gian đại dịch bùng phát. Một tòa nhà cổ kính, bắt đầu mở cửa hoạt động từ năm 1873 đã không được lắp mạng Wi-Fi, nhưng hiện tại đã được trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ nhằm tối đa hóa vùng phủ sóng mạng, cho phép các dịch vụ thông minh hoạt động mà không bị gián đoạn.
Xây dựng phần mềm ở quy mô lớn hơn
Đối với nhiều công ty vốn đã sở hữu một nền tảng công nghệ mạnh, các yêu cầu cũng sẽ khác nhau đáng kể.
Được thành lập vào năm 2013, Flexport là nhà cung cấp các nền tảng công nghệ cho ngành thương mại quy mô toàn cầu, xây dựng các hệ thống và ứng dụng cho ngành logistics. Các khách hàng của công ty chủ yếu là các nền tảng trực tuyến như Sonos hay Peloton. Trong những năm gần đây, Flexport cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp truyền thống hơn.
James Chen, CTO của Flexport nói rằng công ty tạo ra sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh ở cách cung cấp dịch vụ và theo dõi quá trình giao hàng từ một hệ thống duy nhất, trái ngược với việc lưu trữ trên các nền tảng khác nhau như một số công ty cùng ngành khác.
Ban đầu, cơ sở hạ tầng của Flexport được xây dựng dựa trên kiến trúc đơn khối (Monolithic architecture - kiến trúc phần mềm dạng nguyên khối) Ruby, được nhiều start up tại Thung lũng Silicon sử dụng và đó là một trong những lý do khiến nó có thể cung cấp các dịch vụ hợp nhất. Tuy nhiên, khi Flexport đã phát triển theo hướng này trong suốt 8 năm qua, ông Chen cho rằng kiến trúc này cần được làm mới để đảm bảo nó có thể theo kịp với đội ngũ đang phát triển.
“Nhóm của tôi có hơn 450 người và chúng tôi có hơn 230 nhân viên kỹ thuật đang sửa đổi hệ thống. Hiện tại, chúng tôi đang chuyển đổi để chúng tôi vẫn là một hệ thống duy nhất, nhưng chúng tôi cũng đang chia nhỏ nội bộ thành các microservices (thuộc kiến trúc microservice - chia dự án thành nhiều phần nhỏ). Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể tạo ra các hệ thống con được tích hợp vào một nền tảng để mỗi nhóm có thể tự xây dựng và phát hành phần mềm mà không phải lo lắng cho tất cả các nhóm khác”, ông Chen cho biết.
Hiện tại, Flexport có khoảng 40 nhóm phát hành 4 hoặc 5 lần mỗi tuần, tương đương với ít nhất 160 bản phát hành trong chu kỳ sản xuất cùng với nhiều ứng dụng.
Thiết lập xu hướng
|
Ảnh: SK |
Những nỗ lực của Flexport cũng giống như những động thái được thực hiện bởi một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực phát trực tuyến video - Netflix. Công ty là một trong những tấm gương tiêu biểu về chuyển đổi số vào đầu năm nay khi triển khai hệ thống thứ tư của nền tảng “media ingestion” (quá trình chụp, chuyển hoặc nhập các loại phương tiện video, âm thanh hoặc hình ảnh khác nhau vào các công cụ chỉnh sửa để sử dụng chúng trong một chương trình) có tên là Cosmos.
Để các bộ phim và chương trình truyền hình được phát một cách trôi chảy nhất trên tất cả các thiết bị, Netflix dựa vào một hệ thống để xử lý các tệp phương tiện đến từ các đối tác của mình. Thế hệ đầu tiên của nền tảng này ra mắt vào năm 2007 trùng với thời điểm ra mắt tính năng phát trực tuyến.
Hệ thống thứ hai đã mở rộng quy mô của hệ thống thứ nhất nhưng chúng vẫn khó hoạt động. Sau đó, Netflix đã công bố Reloaded - thế hệ thứ 3 vào năm 2014. Hệ thống này đã chứng tỏ sự ổn định và có khả năng mở rộng lớn. Dù vậy, khi các nhóm vẫn tiếp tục phát triển, mọi hệ thống đều có thể bị tụt lại phía sau.
“Khi Reload được thiết kế, chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ các nhà phát triển vận hành một hệ thống máy chủ đơn bị hạn chế và tập trung vào một trường hợp sử dụng: xử lý liên hợp (processing pipeline) video/âm thanh”, Frank San Miguel, kỹ sư phần mềm của Netflix, đã viết trong một bài đăng trên Medium.
“Sau một thời gian, số lượng các nhà phát triển đã tăng gấp 3 lần, bề rộng và bề sâu của các trường hợp sử dụng của chúng tôi được mở rộng và quy mô của chúng tôi cũng tăng hơn 10 lần. Kiến trúc nguyên khối (hay kiến trúc đơn khối - monolithic architecture) đã làm chậm đáng kể việc cung cấp các tính năng mới. Chúng tôi không thể mong đợi tất cả mọi người đều sở hữu kiến thức chuyên môn cần thiết để xây dựng và triển khai các tính năng mới”, ông Frank nói thêm.
Việc giải quyết các vấn đề sản xuất trở nên tốn kém không chỉ đối với Netflix mà còn đối với tất cả các nhà phát triển vì mã cơ sở hạ tầng (infrastructure code) bị nhầm lẫn với mã ứng dụng (application code). Mô hình dữ liệu tập trung chỉ phục vụ tốt cho nhóm nhỏ hơn cuối cùng lại trở thành gánh nặng.
Nhờ Cosmos, Netflix đã giải quyết được vấn đề này. Bản chất của Cosmos là một nền tảng hướng đến các dịch vụ nhỏ theo hướng quy trình làm việc (workflow-driven) và lấy phương tiện là trung tâm (media-centric) với chức năng logging (ghi lại toàn bộ quá trình hoạt động của hệ thống), mô-đun (modularity - thước đo cấu trúc của mạng hoặc đồ thị đo độ mạnh của việc phân chia mạng thành các mô-đun) và các công cụ phát triển tích hợp chuyên biệt cũng như một khung phần mềm để đơn giản hóa việc phân phối dự án.
Chìa khóa của sự thay đổi đòi hỏi việc chuyển từ một ứng dụng phân tán (distributed application) lớn sang mô hình “nền tảng kết hợp các ứng dụng”, điều này yêu cầu mọi người trong nhóm phải thay đổi tư duy của họ.
Giải quyết những thách thức trong tương lai
|
Ảnh: Cheetah Transformati |
Năm 2020, YouTube cũng đã trải qua một cuộc đại tu lớn đối với cơ sở hạ tầng mã hóa video (video encoding infrastructure). Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nhóm phát triển đã nỗ lực cải tiến quy trình chuyển mã (transcoding), tức là chuẩn bị video để chúng có thể sẵn sàng được phát trên mọi thiết bị, ở bất kỳ chất lượng phát trực tuyến nào mà vẫn đảm bảo sử dụng dữ liệu ít nhất có thể.
Trong khi trước đó, một quy trình truyền thống để làm được như vậy sẽ phải sử dụng CPU rất tốn kém, chậm chạp và không hiệu quả vì có quá nhiều video được thêm vào dịch vụ. Để giải quyết vấn đề này, các kỹ sư phần mềm đã tạo ra một hệ thống mới quản lý quá trình này một cách hiệu quả hơn tại các trung tâm dữ liệu của YouTube ở một cấp độ quy mô siêu lớn.
YouTube đã tạo ra một con chip tùy chỉnh, được gọi là đơn vị chuyển mã video (video transcoding unit -VCU), theo cách tương tự như việc GPU được tạo ra để xử lý khối lượng công việc đồ họa hoặc đơn vị xử lý tensor (TPU - một loại mạch tích hợp độc quyền của bộ vi xử lý được thiết kế bởi Google vào năm 2016 để sử dụng với mạng nơ-ron và các dự án máy học) để xử lý các tác vụ dựa trên AI.
Kết quả của việc triển khai các VCU này là việc YouTube nhận thấy có sự cải thiện rõ rệt về hiệu quả tính toán gấp 20-30 lần. Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng được cấu hình lại cũng cho phép YouTube xử lý sự gia tăng đáng kể và không dự đoán trước được về nhu cầu phát trực tuyến và tải video lên của người dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Như vậy, có thể thấy cho dù là những tên tuổi lớn như YouTube và Netflix hay những công ty công nghệ mới nổi như Flexport, điều mà nhiều công ty trong số này kỳ vọng đạt được là xây dựng một nền tảng kỹ thuật số của doanh nghiệp ngay từ khi họ mới thành lập. Mặc dù các công ty này tuyên bố rằng họ đã đổi mới ngay từ những ngày đầu tiên nhưng khi một công ty phát triển, nó chắc chắn sẽ bị kìm hãm bởi cơ sở hạ tầng ban đầu không còn hiệu quả và các nhóm đang phát triển cũng có thể gặp phải trở ngại.
Mặc dù nhiều tổ chức quan tâm đến việc thay đổi các hệ thống để chuyển từ quy trình làm việc cũ sang mới nhưng các doanh nghiệp trẻ hơn và tiên tiến hơn đang giải quyết một cách triệt để hàng loạt những thách thức khác nhau. Chuyển đổi số được coi là một cách quản lý những thay đổi cốt lõi đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, và điều quan trọng là duy trì văn hóa đổi mới này cho phép các công ty tiếp tục tiến lên trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi liên tục.
Theo IT Pro