Chuyện của hai cha con gần 30 năm nằm nghiêng trong “địa đạo” giữa phố cổ Hà Nội

VietTimes -- Tôi tìm đến nhà ông vì có lần ông đùa vui  với nhiều phóng viên báo chí: “Nhẽ ra, căn nhà của tôi phải được xếp kỷ lục Guinness”. Con ngõ dẫn vào nhà “kỷ lục” thuộc khu phố cổ Hà Nội ấy hẹp chỉ nửa mét lại chứa dây điện chằng chịt, giữa trưa nắng mà vẫn tối om...

Ông Cao giữa căn nhà “kỷ lục” thuộc khu phố cổ Hà Nội.
Ông Cao giữa căn nhà “kỷ lục” thuộc khu phố cổ Hà Nội.

Nhìn lên chỗ ông Cao ở đèn sáng, thì ra ông đang đọc sách. Mời khách ngồi rồi ông bảo đọc sách báo là sở thích số 1 của ông. Hạnh phúc là  sách báo.

“Guinness không”…

Không biết có phải vì đã đọc báo có bài viết về nhà mình tường loang lổ không mà thấy tường nhà ông mới được trang trí bằng một tờ phông quảng cáo!

Chiều dài căn nhà này chỉ khoảng 2m, rộng 1m và cao chưa đầy 1,4m. Nhiều người bảo, nói là căn nhà cho sang, chứ thực tế chẳng khác gì cái hầm trong một địa đạo nổi trên mặt đất. Thế nhưng, hai cha con ông Cao đã sống ở "địa đạo" này gần 30 năm. Cái “hộp diêm” rách nát nhỏ hẹp, bí bách này quanh năm không có ánh sáng, không có gió, không có nước. Dù đang là ban trưa nắng chói chang, nhưng bước vào nhà ông đều chỉ bóng tối bao trùm.

Những ngày nóng, căn nhà ấy chẳng khác nào cái lò tôn. Chiếc quạt điện nhỏ xíu cùng chiếc đèn bàn và mấy thứ vật dụng thiết thân được ông sắp đặt rất gọn để hai bố con ngả lưng khi đêm muộn.

Ấy vậy mà, gần 30 năm qua hai cha con ông Cao vẫn vui vẻ, lạc quan. Ai cũng thấy ở đó nắng thì nóng như cái lò, mưa thì ẩm ướt, ngột ngạt, thiếu đủ thứ, thiếu cả hơi ấm bàn tay phụ nữ chăm lo vun vén. Vẫn biết Hà Nội “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” nhưng khi tới làm khách nhà ông trong lúc đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, những khu nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa mới thấy cái “cá tính” quá lạ của ông về ngôi nhà trong cuộc đời hạnh phúc con người. Khi tôi hỏi ông có thấy buồn khi sống trong một ngôi nhà như vậy không, ông đáp ngay không e dè: "Tôi và con tôi gần 30 năm sống thế này rồi, tôi chấp nhận nó nên cảm thấy bình thường".

Nhưng khi hỏi về chuyện tình cảm riêng tư của cậu con trai 30 tuổi, nét mặt ông Cao thoáng chút buồn: “Vì gia cảnh như vậy, con trai tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện vợ con. Con tôi lại không được ăn học đàng hoàng nên chỉ có thể làm những công việc lao động phổ thông nay đây mai đó".

Ông Cao trong lòng căn nhà nhỏ hẹp
Ông Cao trong lòng căn nhà nhỏ hẹp

Ngừng một lúc để sắp xếp lại mấy quyển sách cho gọn, ông mở lòng: "Nhiều lúc tôi buồn lắm, sinh con ra mà không cho nó được cuộc sống như bao bạn bè... Từ nhỏ, nhận thấy gia cảnh như vậy, con trai tôi cũng không một lời trách bố. Hai bố con dựa vào nhau mà sống... Những lần phải đi làm xa, con trai tôi sẽ ở lại đó, còn nếu làm quanh Hà Nội thì kiểu gì, tối đến cháu cũng về nhà ngủ với tôi. Hai cha con nằm nghiêng ôm nhau ngủ. Thế là đầm ấm rồi".

Vừa dứt lời, ông Cao đưa mắt nhìn khắp căn nhà chật hẹp, ngủ thì phải nằm nghiêng, ngồi thì phải khom lưng...

Vỡ nợ vợ ra đi…

Ông Cao là người Hà Nội gốc, khi còn nhỏ, ông sống cùng bố mẹ ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa. Sau đó ông chuyển về phố Thuốc Bắc ở trong căn nhà 16m2 ở tầng 1. Năm 1993, do làm ăn thua lỗ ông phải bán toàn bộ tầng 1 để trả nợ. Không có chỗ ở, nên ông lui về chốn này.

Điều lạ là ông hài lòng với cuộc sống hiện tại không so sánh cao thấp với ai. Vợ chồng ông chia tay từ khi  cậu con trai 6 tuổi, giờ cậu ấy đã 30 tuổi. “Gà trống nuôi con”, 25 năm nay ông toàn cơm hàng, cháo chợ, lấy phố làm nhà.

Đường dẫn lên căn gác nhỏ của cha con ông
Đường dẫn lên căn gác nhỏ của cha con ông

Còn mỗi dịp Tết đến xuân về, quán xá đóng cửa, ông lại sang nhà bạn bè, anh em, họ hàng vui cùng họ. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên ông bảo, tôi nhìn ra ngoài xã hội, thấy nhiều người còn chẳng có chỗ ngủ, mình thế này còn sướng chán.

Ở tuổi gần thất thập, ông Cao thèm được một bữa cơm gia đình nhưng biết đến bao giờ đây… Thở dài, ông bảo, hy vọng cậu con trai có gia đình sớm để được ăn một bữa cơm thân mật với nhau. Thế là quá hạnh phúc rồi!

Theo lời ông Cao, đã rất lâu rồi ông không ăn được bữa cơm gia đình đúng nghĩa, ông vẫn nhớ như in ngày ông ăn được bữa cơm tự nấu khoảng 50 năm trước. Ông bảo hạnh phúc của con người là sự thanh thản trong tâm hồn và mong muốn lớn nhất của ông là con trai ông cố gắng mà học hành và làm việc trong tâm thế của con người chân chính. Nhìn ánh mắt, gương mặt ông, trong đầu tôi cứ vang bài thơ Bình Yên:

Chỉ cần một nơi về mãi nhớ,
Bước chân vào…cửa mở đón chào…!
Gia đình luôn chứa ngọt ngào,
Mâm cơm nghi ngút …chứa bao ân tình!
Ta chỉ có gia đình mỗi một,
Nơi sẵn sàng chứa cốt nhục mình
Luôn là bệ phóng quang vinh,
Giúp ta xây dựng bước trình tương lai
Khi ta gặp bước dài gian khó…
Về gia đình sẽ có niềm vui
Yêu thương sẽ giúp đẩy lùi…
Bao nhiêu đỗ vỡ dập vùi giảm đau
Khi tim nhỏ rối nhàu tình khổ,
Hãy nhớ về bến đỗ gia đình.
Hãy ghi nhớ mẹ cha sinh…
Hãy trân quý công trình dưỡng nhi
Ta thấy đó… xuân thì thay đổi,
Bốn mùa qua tiếp nối phút giây
Đông Tây Nam Bắc đổi thay
Gia đình vẫn cứ đêm ngày đợi con!

Khi chia tay ông vào chiều Thu  Hà Nội, chiếc lá nào vô tình rơi “gõ lên” lên sạp báo vỉa hè nơi có những bài báo viết về cảnh đời trẻ em lang thang cơ nhỡ khi trời chuyển lạnh, cụ bà phải lấy ống cống bê tông làm nhà… nó cứ làm tôi nhớ tới câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm: “Ôi hạnh phúc cái vòng tròn khổ tủi / Đã lăn qua số phận biết bao người…"