Ký ức không thể quên
“Khoảng 23h30, ngày 09/9, đợt sạt lở đầu tiên đổ ập xuống khu nhà điều hành”, anh Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng kỹ thuật của Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, tại xã Nậm Lúc, tỉnh Lào Cai, xúc động nhớ lại. Khu nhà ăn và một phần nhà điều hành ngập trong đất đá sau tiếng đổ ầm ầm.
Anh Vinh, cùng 18 người khác may mắn chạy thoát từ một phần nhà điều hành chưa bị ảnh hưởng. Một số cán bộ nhân viên nghe tiếng động đã hô hoán mọi người chạy, một số người bị đẩy ra ngoài sân và bị vùi lấp, một số khác chạy được ra ngoài nhưng bị đất đá bắn vào người. Sau khi đợt lở đất dừng lại, mọi người cố trấn tĩnh, hô hào nhau quay lại cứu những người bị nạn.
Toàn nhà máy lúc đó có 27 người trực chống lũ. Sau khi nước tràn vào nhà máy thủy điện ở bên dưới, mọi người quyết định rời lên nhà điều hành – được xây ở khu vực cao hơn để tránh và nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ đợt sạt lở ập đến.
“Cảnh tượng hỗn loạn và ngổn ngang. Chúng tôi tìm thấy một cán bộ nhà máy bị vùi lấp chỉ lộ phần đầu, một chị nhà bếp bị đất đá đẩy ra ngoài và một cán bộ nhà thầu bị đất đá đè nửa người”, anh Tùng, một trong những cán bộ nhà máy kể lại. Mọi người hô nhau lấy tay không đào, bới đất để kéo những người bị mắc kẹt khỏi đất đá.
Sau khi giải cứu được 3 người, anh Vinh cùng các cán bộ nhân viên cố gắng tìm kiếm với hy vọng cứu thêm người sống sót nhưng đợt sạt lở thứ hai đã ập đến. “Mọi thứ rung chuyển và chúng tôi buộc phải di dời”, anh Vinh nói.
Suốt đêm hôm đó, khoảng 7-8 đợt sạt lở liên tiếp diễn ra tại khu nhà điều hành. 22 người may mắn thoát khỏi thảm họa ấy, người xây xước nhẹ, người bị thương nặng cùng hỗ trợ, dìu nhau men theo con đường nhỏ lên đồi. Thời tiết lúc đó mưa bẩn, trơn trượt, anh chị em không quen đường núi, nên không thể mạo hiểm đi đêm về xã.
22 người ngồi bên nhau trên đồi, ở nơi mất điện và mất sóng điện thoại hoàn toàn bị cô lập, thức trắng đêm. Khi những ánh bình minh đầu tiên xuất hiện, mọi người đưa mắt nhìn xuống chân đồi, tìm kiếm nhà điều hành. Hình ảnh trước mắt họ là một mảnh đất bị san phẳng đầy bùn và nước. Ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, đồng nghiệp gặp nạn trong đêm, những hình ảnh đó sẽ còn ám ảnh mãi.
Giữa trưa sáng 10/9, nhóm cán bộ nhân viên nhà máy thủy điện xuống tới Bản Cái trú tại nhà văn hóa Bản Cái và nhận được sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Năm ngày sau khi nhận thông tin sự việc và bắt đầu công tác cứu nạn, lực lượng chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ kết hợp một số máy móc đã tìm được thi thể 5 cán bộ nhân viên bị vùi lấp, trong đó có Giám đốc điều hành nhà máy.
Điểm tựa vượt qua khó khăn
Sau 10 ngày kể từ khi mưa dứt, nước rút, cán bộ nhân viên nhà máy chỉ có thể đi bộ vào để xem xét hiện trường. Trên tuyến đường đi vào nhà máy có nhiều điểm bị sạt lở, chính quyền huyện Bắc Hà đã cho xe mở đường vào nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tiềm ẩn.
Theo ông Nguyễn Tất Anh - Giám đốc mới được bổ nhiệm phụ trách tạm thời dự án, nước sông lên cao làm toàn bộ nhà máy thủy điện bị ngập nước, gây tê liệt hoàn toàn, không thể vận hành. Đây là vấn đề sốc đối với doanh nghiệp.
Sau nửa tháng, đường điện vẫn chưa thể khôi phục để bơm nước, bùn ra. Ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành, để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu.
Hiện tại, sau khi thực hiện các hoạt động thăm hỏi, chia sẻ với mất mát của cán bộ nhân viên và gia đình các nạn nhân trong đợt sạt lở, nhân viên và lãnh đạo nhà máy thủy điện đang dọn dẹp và khảo sát, khôi phục trang thiết bị. Nhà máy nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và ngân hàng trong việc khắc phục thiệt hại sau bão lũ, sạt lở.
Trong đó, riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã thực hiện ngay việc miễn giảm lãi và cấp khoản tín dụng mới ưu đãi cho nhà máy. Cụ thể, SHB đã miễn ngay 5 tỷ đồng tiền lãi phải trả trong tháng 9 và cam kết giảm 50% lãi phải trả đến cuối năm 2024, ước tính tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ cấp khoản tín dụng hạn mức 50 tỷ đồng với lãi suất 4,5%/năm để nhà máy đầu tư trang thiết bị, sớm hồi phục hoạt động kinh doanh cũng như thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ cho doanh nghiệp theo quy định.
Ông Nguyễn Tất Anh cho biết, trong lúc cán bộ, nhân viên Nhà máy chịu những tâm lý, tư tưởng mất mát của đồng nghiệp thì cán bộ, nhân viên của SHB đã nhanh chóng chủ động gặp gỡ, chia sẻ những đau thương bằng cả tinh thần và vật chất.
"Đây là hỗ trợ đặc biệt có ý nghĩa với cán bộ, nhân viên Nhà máy trong lúc khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Tình người này là điểm tựa vững chắc để chúng tôi "gượng dậy" và mạnh mẽ hơn sau những mất mát", ông Nguyễn Tất Anh nói.
Ông Phạm Quang Huy, Phó Giám đốc Chi nhánh SHB Lào Cai chia sẻ, trong thời gian mưa lũ, Ban lãnh đạo SHB Lào Cai đã nhận định sẽ có những doanh nghiệp, người dân, ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn. Cụ thể, những doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng, thuỷ điện, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nên đã chỉ đạo cán bộ nhân viên liên lạc đến tất cả khách hàng đang vay vốn tại SHB để nắm bắt thông tin và nhận định bước đầu về thiệt hại để sẵn sàng phương án hỗ trợ khách hàng.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, bão số 3 đã gây thiệt hại khổng lồ về người và tài sản cho tỉnh. Ước tính thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra là trên 6.640 tỷ đồng. Sau gần một tháng, người dân và doanh nghiệp đang từng bước ổn định cuộc sống và khôi phục hoạt động. Sự đồng hành của chính quyền địa phương, Nhà nước và các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng là động lực không thể thiếu giúp người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại đi qua khó khăn.
Khi mưa bão đi qua, bình mình sẽ mang theo hy vọng mới, tương lai mới.