Chuyển biến cổ đông ngoại tại VNG

VietTimes -- Kể từ thời điểm tháng 9/2018, tỷ lệ sở hữu của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG có lúc đã tăng lên mức 48,92%, rồi giảm nhẹ xuống mức 48,04% trước khi ông Thomas Loc Herron tiến hành gom mua thêm cổ phần. Nếu xét trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành (sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ), tỷ lệ biểu quyết của nhóm nhà đầu tư ngoại đã lên tới 66,94%.
Tỷ lệ biểu quyết của nhóm nhà đầu tư ngoại tại VNG đã lên tới 66,94% (Nguồn: Internet)
Tỷ lệ biểu quyết của nhóm nhà đầu tư ngoại tại VNG đã lên tới 66,94% (Nguồn: Internet)

Trang chủ của CTCP VNG (VNG), ngày 14/11, phát đi thông báo ngắn gọn cho thấy ông Vương Quang Khải và ông Thomas Loc Herron đã tiến hành mua vào cổ phiếu và không tiết lộ chi tiết cụ thể. Trong đó, ông Vương Quang Khải được biết tới là Phó Tổng Giám đốc thường trực, còn ông Thomas Loc Herron là Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của VNG.

Ông Thomas Loc Herron đăng ký địa chỉ nơi ở tại Mỹ, là một trong số 8 cổ đông ngoại được VNG tiết lộ danh tính hồi tháng 9/2018 với tỷ lệ sở hữu 0,06% vốn điều lệ. Khi đó, quy mô vốn của VNG ở mức 345,36 tỷ đồng.

Tính tới tháng 9/2019, quy mô vốn của VNG hiện đã nâng lên mức 353,022 tỷ đồng. Trong đó, đợt tăng vốn gần nhất được ghi nhận là sau khi công ty này tiến hành phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) vào ngày 9/9/2019.

Cụ thể, đã có 766.036 cổ phiếu được VNG phân phối cho 39 cá nhân với mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cổ phần. Ước tính, VNG thu về khoảng 16 tỷ đồng từ việc phát hành.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã gom thêm 65.520 cổ phiếu VNG từ đợt phát hành ESOP này. Ông Thomas Loc Herron sau một quãng thời gian ngắn không nắm giữ cổ phiếu, đã mua vào 9.520 cổ phần VNG, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,03%.

Hai cổ đông cá nhân khác cũng mua vào cổ phiếu VNG là ông Shen Hao (sở hữu 45.000 cổ phiếu VNG, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 0,13%) và ông Liu C Christopher (sở hữu 18.200 cổ phiếu VNG, tỷ lệ sở hữu 0,05% vốn điều lệ). Ông Shen Hao từng là Giám đốc M&A của Tập đoàn Tencent - một tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Hiện chưa rõ việc công bố thông tin mới đây của VNG có liên quan tới hoạt động mua vào cổ phần của ông Thomas Loc Herron tại thời điểm tháng 9/2019 hay không (?!).

Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức ngoại giữ nguyên số cổ phiếu đang nắm giữ, nên sau đợt phát hành cổ phiếu ESOP, tỷ lệ sở hữu có phần giảm nhẹ. Tenacious BullDog Holdings Limited vẫn đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại VNG với tỷ lệ sở hữu 22,49%. Tiếp đó là Gamvest Pte. Ltd, Properous Prince Enterprices Limited và Seletar Investment Pte Ltd với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,96%; 7,58% và 4,93%.

Cơ cấu sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của VNG trước và sau ngày 9/9/2019
Cơ cấu sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của VNG trước và sau ngày 9/9/2019 

Theo tính toán của VietTimes, tổng số lượng cổ phiếu các nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ tại VNG là 16.957.696 cổ phần, tương ứng với 48,04% vốn điều lệ. Tuy tỷ lệ sở hữu chưa vượt quá mức 50%, song cần lưu ý rằng, VNG trong những năm gần đây liên tục mua vào cổ phiếu quỹ khiến cho số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành không nhiều.

Nếu tính thêm cả số cổ phiếu ESOP mới được phát hành thêm, số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của VNG đạt mức 25,33 triệu cổ phần. Tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết của nhóm nhà đầu tư nước ngoại, do đó, có thể đã lên tới 66,94%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của VNG, tính đến hết tháng 6 năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp cán mốc 2.524 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đạt 315 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Quy mô tổng tài sản của VNG đạt 5.764 tỷ, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái./.