Chuyện bây giờ mới kể của người đã dịch “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- "Tôi nói (với Bảo Ninh), rằng nếu chúng ta thành công trong cuốn sách này, nhiệm vụ của chúng ta với thế hệ đã hy sinh trong cuộc chiến coi như đã hoàn thành" - Dịch giả Phan Thanh Hảo.
Phan Thanh Hảo - dịch giả và nhà báo. Ảnh: Huỳnh Phan
Phan Thanh Hảo - dịch giả và nhà báo. Ảnh: Huỳnh Phan

LTS: Cuốn "Nỗi buồn chiến tranh", bản dịch tiếng Anh (The Sorrow of War), đã được tái bản hàng chục lần, với cái tên dịch giả là Frank Palmos, một cựu phóng viên chiến trường người Úc. Nhưng tác giả bài phỏng vấn này, do một sự tình cờ, đã biết dịch giả đích thực của cuốn sách đó là người khác - dịch giả Phan Thanh Hảo, đồng thời cũng là nhà báo.

Sau gần 30 năm, kể từ khi cuốn sách này được dịch ra tiếng Anh, và trở nên nổi tiếng thế giới, góp phần làm cho cựu binh của hai cựu thù Mỹ - Việt xích lại gần nhau hơn, vì cùng chịu chung một "hội chứng Việt Nam", tác giả thấy cần thiết phải "khai quật" sự thực này, nói như lời của dịch giả Phan Thanh Hảo, với mục đích trả lại đúng tên cho sự vât.

Mặc dù, công biên tập của Frank Palmos cũng rất lớn, làm cho tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" mang văn phong báo chí hơn, và dễ làm xúc động độc giả phương Tây hơn.

VietTimes xin giới thiệu bài phỏng vấn giữa phóng viên Huỳnh Phan và dịch giả Phan Thanh Hảo.

Nhà báo Huỳnh Phan: Lý do chị dịch “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh?

 Dịch giả Phan Thanh Hảo: Bảo Ninh và tôi sinh cùng năm. Mẹ tôi và mẹ Bảo Ninh là bạn học của nhau, còn ông ngoại tôi là Tổng đốc ở Quảng Ngãi và ông ngoại của Bảo Ninh cũng ở đó.

Thời của tôi, khi lớn lên, tất cả bạn học đều ra chiến trường. Bảo Ninh viết hộ cho tất cả lứa chúng tôi, và truyện của Bảo Ninh tôi cũng có một phần trong đó. Đó là lý do tại sao tôi đã gặp Bảo Ninh, và nói: “Bảo Ninh, ông cho phép tôi dịch cuốn này sang tiếng Anh.”

Lúc đó, các nhà văn trong nước đều chưa biết luật là khi dịch phải xin phép chủ nhân nên Bảo Ninh nói: “Bà buồn cười nhỉ, tiếng Việt là của tôi, còn tiếng Anh là của bà, việc gì phải xin phép.”

Tôi nói: “Tôi làm đúng theo luật quốc tế, ông phải cho phép thì tôi mới dịch.” Bảo Ninh đã viết cam kết rằng ông ấy đồng ý.

Hồi đó là năm bao nhiêu?

-Gần cuối năm 1991. Cuốn sách vừa đoạt giải văn chương của Hội Nhà văn xong, với cái tên “Thân phận tình yêu”.

Tôi dịch thử 40 trang đầu của cuốn sách, và gửi đăng trên The Guardian (Anh), và họ trả nhuận bút là 800 USD. Thời đầu những năm ’90, số tiền đó to lắm, gấp bốn lần nhuận bút mà Bảo Ninh nhận khi viết “Thân phận tình yêu”.

Tôi mang nhuận bút đến nhà Bảo Ninh, và nói: “Ông cầm lấy số tiền này, ông cần hơn tôi. Tôi làm ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao), thu nhập cũng khá. Khi nào cuốn sách được in, ta tính sau.”

Tôi nhớ, lúc đó Bảo Ninh với vợ đang giận nhau. Được số tiền đó, Bảo Ninh làm hòa được với vợ.

Tại sao 40 trang đầu được đăng trên “The Guardian”?

- Khi tôi làm việc tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài của Bộ Ngoại giao, tôi thường được giao nhiệm vụ hướng dẫn và phiên dịch cho các cây viết nước ngoài. Nick Cumming Bruce, làm cho tờ “The Guardian”, là một trong số đó.

Mỗi lần Nick vào Việt Nam, tôi thường được phân công hướng dẫn và dịch phỏng vấn cho Nick. Chúng tôi đã phỏng vấn Bảo Ninh. Cho đến bây giờ Nick vẫn là bạn của tôi. (Anh ấy ghé thăm tôi, khi quay trở lại Việt Nam năm 2017.)  

Nick thuyết phục tôi nên dịch cả cuốn “Thân phận tình yêu”, và sẽ tìm nhà xuất bản ở Anh in. Tôi đồng ý, vì mục đích của những người làm báo, như chúng ta, là làm cho thế giới biết được chúng ta cũng đang có “nỗi buồn”, mặc dù chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến vừa rồi.

Và tôi đã lấy lại tên gốc của cuốn sách, trong bản dịch tiếng Anh, thay vì “Thân phận tình yêu” thì là "Nỗi buồn chiến tranh” (The Sorrow of War). Lúc đó, không phải ai cũng thấy là nên đưa “Nỗi buồn chiến tranh” ra cho cả thế giới biết.

Ngay cả cố Thứ trưởng Lê Mai cũng nói với tôi: “Cá nhân tôi thì thấy nên, nhưng cô là một cán bộ ngoại giao, cô chưa hiểu sâu những điểm tế nhị trong câu chuyện Bảo Ninh nói, và những chuyện không rõ có thật sự chính xác hay không.”

Sau này, tôi có xin lỗi anh Lê Mai vì đúng là những gì diễn ra trong ngày 30/4/1975, như miêu tả trong truyện, là hư cấu của nhà văn. Nhưng theo Nick thì đây là quyền hư cấu của tác giả, theo mục đích mà nhà văn muốn nói.

Thế chuyện Frank Palmos tham gia vào việc biên tập cuốn sách là như thế nào?

- Frank Palmos là một cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Ông ấy muốn biên tập cuốn sách. Tôi trao bản dịch cho Frank, và hoàn toàn không quan tâm đến tiền nhuận bút.

Còn về chuyện nhuận bút, Nick có nói là tiền dịch rất lớn, nếu so sánh với thu nhập của người Việt Nam lúc đó. Lúc ấy, Bảo Ninh có nói rằng "nhuận bút bản tiếng Anh là của bà Phan Thanh Hảo", bởi Bảo Ninh đã nhận 800 USD tiền nhuận bút 40 trang đầu.

Chuyện bây giờ mới kể của người đã dịch “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh ảnh 1Tác giả "Nỗi buồn chiến tranh" Bảo Ninh - Ảnh Internet.

"

Tôi nói rằng, nếu chúng ta thành công trong cuốn sách này, nhiệm vụ của chúng ta với thế hệ đã hy sinh trong cuộc chiến coi như đã hoàn thành. Với tư cách là bạn của Bảo Ninh và tôi, Nick nói là hãy dùng số tiền này lo cho hai đứa con của hai gia đình, thế hệ sau của chúng tôi, được học hành tử tế.

Nhưng khi Frank Palmos xen vào việc biên tập, ông ta đã chia số tiền đó với Bảo Ninh. Tôi không còn liên quan nữa.

Thực sự, cuốn sách sau được biên tập, và in ra, nó gây tiếng vang rất lớn với thế giới. Ông Hoàng Túy, cũng là thầy giáo của chị, đã nói vào thời điểm đó rằng bản biên tập của Frank Palmos văn phong rất mang tính báo chí, làm rung động độc giả, và có những đoạn Bảo Ninh viết dài dòng, ông ta đã mạnh dạn cắt đi… Chị nghĩ thế nào?

- Đúng. Văn phong của Frank Palmos là văn phong báo chí, có sự cuốn hút. Nhưng tôi không đồng ý việc Frank Palmos rút gọn lại nhiều chỗ Bảo Ninh viết, bởi nó không chuyển tải được "cái đau đớn" mà Bảo Ninh muốn thể hiện ra, và Bảo Ninh đã khẳng định không ít lần với tôi, khi chúng tôi làm việc với nhau.

Nhưng có mấy lỗi mà Frank Palmos đã làm sai hoàn toàn.

Trước hết, chuyện Frank Palmos mang bản tiếng  Anh mà ông ta sửa rồi ký hợp đồng với Nhà Xuất bản mà chưa xin phép tôi. Nói về luật (quốc tế) là sai.

Tôi công nhận là bản biên tập của Frank Palmos có tính báo chí hơn, nhưng cũng nhiều người nhận xét bản dịch đầu tiên của tôi có tính văn chương hơn. Nhưng thôi, đó là chuyện của từng người. Cái mà tôi quan tâm là việc sửa đổi của Frank Palmos đã làm sai lệch một số vấn đề. Đó là sai lầm thứ hai.

Ví dụ như việc tìm hài cốt những người lính Việt Nam đã hy sinh. Bạn thấy đấy, sau chiến tranh, những người lính đi tìm hài cốt của đồng đội, bởi vì những người lính ấy đã từng hứa với nhau, nếu ai mất đi, người còn sống sót sẽ tìm, và đem hài cốt về quê hương. Và việc đi tìm là do các đơn vị khác nhau thực thi, hoàn toàn tự nguyện.

Điều đó nói lên cả cái nhân văn của đất nước mình, làm xúc động độc giả. Chứ hồi đó chưa có những người tìm kiếm chuyên nghiệp của Nhà nước, như các đội tìm kiếm MIA của Mỹ. Thế mà Frank Palmos đã sửa thành các đội MIA của Việt Nam, như là một nhiệm vụ được giao. 

Điều thứ ba sai lệch so với nguyên bản là những hồn ma trong chiến trường miền Nam lại nói tiếng Nga. Chúng ta đã khẳng định với phía Mỹ là làm gì có lính Nga ở chiến trường miền Nam.

Chuyện bây giờ mới kể của người đã dịch “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh ảnh 2

Frank Palmos - cựu phóng viên chiến trường người Úc, người đã biên tập cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" bản tiếng Anh do Phan Thanh Hảo dịch. Ảnh Internet.

Chắc hồi đó nổi lên “Tài liệu Nga” (tài liệu giả, nói lên rằng Việt Nam đã đưa phi công Mỹ bị bắt qua Nga để thẩm vấn - TG), nên Frank Palmos hư cấu để câu khách?

- Tôi nói với Bảo Ninh là điều này không chấp nhận được, vì nó ảnh hưởng tới chính trị. Bảo Ninh nói là không biết.

Tôi không đồng ý, và nói với Bảo Ninh rằng nếu anh ấy đồng ý với bản biên tập của Frank Palmos, với những cái sai không thể chấp nhận như vậy, tôi không còn là bạn của Bảo Ninh nữa. Nhưng Bảo Ninh lại nghe lời Frank Palmos.

Frank Palmos tiếp xúc với Bảo Ninh qua ai?

- Đầu tiên qua tôi phiên dịch, nhưng sau đó dùng một phiên dịch khác. Năm 1994, tôi có dịp qua Anh, và đã đến nhà xuất bản để ký tự loại bỏ mình khỏi hợp đồng dịch sách (quit claim). Tính tự ái của tôi rất cao, tôi không đồng ý với bản mà Frank Palmos biên tập.

Chị bắt đầu dịch cuốn “Thân phận tình yêu” ngay sau khi nó được trao giải?

- Đúng, cuối 1991, sang năm 1992, sau 6 tháng, tôi dịch xong. Năm 1994 sách được in, và, ngay sau đó, tôi ký từ bỏ quyền tác giả. Và từ đó, tôi không gặp họ nữa, cả Frank Palmos lẫn Bảo Ninh.

Chuyện Frank Palmos nhận nhuận bút, cũng như chuyện Bảo Ninh đi nhận giải thưởng của The Independent chị cũng không biết?

-Chuyện về giải thưởng của The Independent, mãi sau này tôi mới biết. Vì sau khi Frank Palmos nhận tiền giải thưởng, tiền dịch v.v… anh ta nói rằng đều đã gửi cho tôi, mà tôi thì không hề nhận được. Thậm chí, anh ấy còn đưa chứng cứ là đã gửi.

Sau này, khi Richard, Giám đốc của Ngân hàng ANZ, cũng là bạn của tôi, nói rằng anh ấy nhận được báo cáo một khoản tiền lưu suốt mấy năm, với tên của tôi (không dấu), và hỏi đùa là liệu có phải của tôi không.

Tôi hỏi nguồn gốc, và thấy rằng người gửi khoản tiền 1880 USD là Frank Palmos, với nguyên gốc được ghi: Phan Thanh Hao, Ha Noi, Vietnam (không có địa chỉ cụ thể )! Ngân hàng ANZ không thể tìm ra, và không thể chuyển. Tôi nói rằng đúng là ông ta định gửi cho tôi, và xin Ngân hàng ANZ gửi trả lại người gửi.

Frank đã nhận lại, và sau đó ông ta tìm gặp tôi, nói là giải thưởng là 10,000 USD, nhưng trừ vé máy bay, ăn ở v.v… thì còn lại một khoản chia đôi như vậy. Nhưng đó không phải là việc chính: khi đó một nhà xuất bản ở Mỹ cũng muốn trao giải thưởng cho cuốn sách, và muốn sự có mặt của Bảo Ninh, Frank Palmos và tôi.

Tôi nói rằng tôi đã ký từ bỏ quyền với bản dịch đó, và khi hai người đàn ông đã ứng xử như vậy với tôi, thì cho dù giải thưởng là 1 tỷ USD tôi cũng không quan tâm. Họ cứ dắt tay nhau đi nhận giải thưởng, không sao, tôi nghĩ vậy.

Chỉ có một điều là “nghi án” có nhận tiền giải thưởng mà nói không, tôi không thể thanh minh với bạn bè quốc tế được, với lời giải thích ngây ngô của một nhà báo Úc rằng “ở Hà Nội ai mà không biết Phan Thanh Hảo chứ?”

Tôi nói rằng vậy em trai tôi tên là Phan Thanh Hào, liệu Ngân hàng có chịu chuyển tiền cho không? Ngân hàng nào có thể chuyển tiền cho một người không có địa chỉ? Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy…vui!

Tuy nhiên, trong lần gặp cuối cùng đó, Frank và tôi nhất trí là không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Hôm tôi gặp Peter Arnett, một phóng viên huyền thoại trong chiến tranh Việt Nam, trong dịp ông ta trở lại Sài Gòn trong đoàn phóng viên chiến trường để kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc chiến tranh, ông ấy nói cuốn sách đã góp phần giải tỏa “Hội chứng Việt Nam” trong cựu binh Mỹ, vì lính miền Bắc Việt Nam cũng chịu hội chứng tương tự. Chị nghĩ sao?

- Tôi nghe nói tại một cuộc họp sau Đại hội VII (cuối năm 1991), đã có lời nhắc nhở với Bộ Ngoại giao, vì có cán bộ BNG đã làm cái việc là dịch sách phản ánh không đúng về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh Lê Mai nói với tôi chuyện đó, nhắc lại rằng cá nhân anh ấy thấy tôi không sai, vì đã giúp thế giới hiểu rõ thêm về những mất mát mà Việt Nam gặp phải thời hậu chiến, nhưng với tư cách là cán bộ báo chí của Bộ, tôi đã sai khi không kiểm chứng chi tiết.

Sau này, tôi gặp anh Lê Mai, và xin được chuyển ra khỏi Bộ Ngoại giao, để Trung tâm Báo chí Nước ngoài của BNG không mang tiếng vì cán bộ của mình đã sai, anh Lê Mai có nói với tôi: “Phụ nữ như cô muốn làm gì thì làm bằng được, trong khi bản thân tôi chỉ làm được 60% ý muốn mình là được lắm rồi.”

Tôi nói rằng với tư cách của cán bộ báo chí, tôi cảm thấy có lỗi là dịch cuốn sách ấy, và nhất quyết xin anh Lê Mai cho phép tôi được chuyển công tác.

Tôi có chơi với cô Nguyễn Ngọc Anh (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao), lúc ấy là Trưởng Văn phòng Liên lạc báo Tuổi Trẻ TP HCM tại Hà Nội. Cô ấy nói là bạn thân với chị. Cô ấy bảo tôi rằng khi dịch “Thân phận tình yêu”, chị đã gặp khá nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, nhiều câu tiếng Việt đầy cảm xúc theo tâm thức của người Việt nên cực kỳ khó khi chuyển ngữ. Có đúng không chị?

- Hồi đó hầu như tôi và Bảo Ninh phải ngồi làm việc với nhau hàng ngày, để làm rõ những ý tứ mà Bảo Ninh muốn thể hiện, nhất là những hồi ức đan xen... Bảo Ninh thường tới nhà tôi, ở lại ăn cơm với chúng tôi. Bảo Ninh cũng thường kể hết những gì anh ấy đã phải làm sau khi ở chiến trường về, kể cả chuyện buôn xe đạp ở chợ Giời để  kiếm sống…

Chúng tôi đã cùng làm việc trong sáu tháng cho tới khi bản dịch hoàn thành. Cùng lúc đó, Ngọc Anh cũng hay tới, và thỉnh thoảng cũng ở lại cùng gia đình tôi. Ngọc Anh nói đúng, chuyển ngữ không dễ khi tâm thức văn hóa khác nhau, không thể dịch - chuyển được, mà phải làm cho độc giả không phải là người Việt Nam hiểu được…

Không chỉ với tác phẩm của Bảo Ninh, mà của nhà văn Nguyễn Khải, hay nhà văn Ma Văn Kháng, khi tôi dịch họ, cũng vậy. Tôi vẫn phải trao đổi, và hỏi lại người viết về mọi ý tứ, và thông điệp người ta muốn gửi tới độc giả.

Xin cám ơn chị.

*"Nỗi buồn chiến tranh" ngoài giải thưởng của The Independent (Anh), còn nhận giải thưởng của một nhà xuất bản tại Mỹ, hay Báo NIKKEI (Nhật), hoặc gần đây là của Hàn Quốc. Cuốn sách này, ngoài tiếng Anh, cũng được dịch ra nhiều ngoại ngữ khác, như tiếng Nhật, tiếng Hàn, và gần đây nhất là tiếng Trung v.v.

*Phan Thanh Hảo, sinh năm 1952.

Tổng thư ký/Chủ tịch IOGT-VN và Master Trainer – IOGT từ năm 2000. Sáng lập viên Trung tâm Đào tạo Phương pháp Tổ chức (YMTC) – IOGT từ 2005. Chuyên đào tạo giảng viên về Kỹ năng Lãnh đạo, Tổ chức, Làm việc nhóm v.v.

Hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực báo chí - ngoại giao, trong đó có 7 năm làm việc cho Reuters; cố vấn Truyền thông của SIDA, cố vấn chính sách cho các chương trình giảm nghèo của Thụy Điển và Đan Mạch (1995-2000).

Đã qua đào tạo Quản lý báo chí tại Thụy Điển (2001), Quản lý Xuất bản (2003), và Quản lý Doanh nghiệp (2005) tại Nhật.

Dịch giả Việt - Anh, sách xuất bản tại Việt Nam, Anh và Mỹ; và thỉnh giảng về Văn hóa và Văn học Việt Nam tại một số trường ĐH tại Mỹ như Holy Cross, Harvard (tháng 5/2018), hoặc tại Trung tâm Williams Joiner Center - ĐH Massachusets, v.v.