Chung tay chống hàng giả – làm sạch thị trường vì quyền lợi người tiêu dùng Việt

Ngày 10/7, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin gây hại cho doanh nghiệp”, có sự tham dự của các cơ quan quản lý, ban ngành, nhà thuốc Long Châu cùng nhiều doanh nghiệp khác.

Chương trình giúp tìm kiếm những giải pháp thực tiễn, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các vấn nạn đang bào mòn sức khỏe người tiêu dùng và sự sống còn của doanh nghiệp chân chính.

Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM; ông Lê Ngọc Danh Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM; ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM

Về phía lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, có sự hiện diện của bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM; TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM; Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM và ông Trần Xuân Nam - Giám đốc trung tâm kinh doanh trực tuyến, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu cùng đại diện doanh nghiệp.

Về phía Báo Pháp Luật TP.HCM, có sự tham gia của ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban Kinh tế - Đô Thị, Báo Pháp Luật TP.HCM.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc tọa đàm

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt ngăn chặn hàng giả chưa từng có khi Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tiếp ban hành các Công điện 65, 82 và Chỉ thị 13 trong tháng 5 và 6/2025, khởi động một chiến dịch cao điểm trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, khái quát một thực trạng đáng lo ngại: Cuộc chiến ngăn chặn hàng giả, thông tin sai lệch đang trở nên ngày càng cam go, phức tạp, vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Đấu tranh chống hàng giả không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà cần sự tham gia quyết liệt từ doanh nghiệp và người tiêu dùng”. Ông đề xuất các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, trong khi cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định TP luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện của nhiều cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội

TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM – đơn vị đầu ngành trong công tác kiểm định dược phẩm phía Nam cho biết đã phát hiện không ít mẫu thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm: có hoạt chất không rõ ràng, sai hàm lượng hoặc giả nhãn hiệu. Điều này không chỉ gây rủi ro nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy yếu lòng tin với thị trường chính thống.

“Chúng tôi luôn có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm từ các chuỗi, nhà thuốc đơn lẻ để đảm bảo quá trình lưu thông thuốc, dược phẩm và các sản phẩm y tế trên địa bàn phải đảm bảo chất lượng. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đồng hành với các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý địa phương trong công tác quản lý và phát huy năng lực kiểm nghiệm để giám sát các sản phẩm đang lưu hành trên địa bàn phía Nam.

Đồng thời, viện cũng đã và đang có nhiều góp ý trong nhiều văn bản pháp luật như công tác kiểm tra TPCN, dược phẩm và các văn bản kỹ thuật chuyên ngành trong công tác hậu mãi, kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực kiểm nghiệm và đầu tư các trang thiết bị hiện đại hơn, phục vụ cho công tác kiểm nghiệm trong thời gian tới”, bà Thanh Hà nhấn mạnh.

Viện cũng kỳ vọng sẽ có thêm sự hợp tác hai chiều từ phía doanh nghiệp trong việc chủ động sàng lọc, báo cáo nghi vấn, cũng như đầu tư kiểm nghiệm nội bộ – điều mà một số doanh nghiệp lớn đã và đang triển khai hiệu quả.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái và thông tin sai lệch tràn lan, nhiều doanh nghiệp chân chính đã chủ động xây dựng “thành trì” bảo vệ người tiêu dùng. Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định: "Muốn chống hàng giả hiệu quả, trước tiên doanh nghiệp phải tự bảo vệ chính mình."

Minh chứng rõ nét cho tinh thần chủ động này là cách làm của Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu. Tại sự kiện, ông Trần Xuân Nam, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Trực tuyến Hệ thống Nhà thuốc & Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cho biết đơn vị đang thực hiện cơ chế kiểm tra kép: Vừa kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định, vừa kiểm định thực tế chất lượng sản phẩm tại cả đầu vào và điểm bán.

Ông Trần Xuân Nam, Giám đốc trung tâm kinh doanh trực tuyến, hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu

“Long Châu là hệ thống bán lẻ đầu tiên ký kết hợp tác chiến lược với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế, đơn vị kiểm nghiệm cấp cao nhất của ngành y tế hiện nay. Viện đóng vai trò như trọng tài cấp quốc gia trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện kiểm nghiệm định kỳ hoặc đột xuất các sản phẩm TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất mà Long Châu kinh doanh. Đồng thời, hai bên cũng phối hợp trong quá trình chuyển đổi số y tế, từ quản lý dữ liệu sản phẩm đến nâng cao trải nghiệm khách hàng. Vì là đơn vị phân phối đầu cuối nên cách kiểm soát hàng hóa của đơn vị khác với doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, đơn vị này đang thực hiện cơ chế “kiểm tra kép”: Vừa kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định, vừa kiểm định thực tế chất lượng sản phẩm tại cả đầu vào và điểm bán.”

Theo đó, từ tháng 4/2025, Long Châu cũng đã triển khai chiến dịch “Xuất xứ minh bạch – Vì một Việt Nam khỏe mạnh”, không chỉ minh bạch thông tin trên hóa đơn mà còn để người dân tra cứu thông tin sản phẩm và các giấy tờ liên quan ngay tại nhà thuốc, trên website và ứng dụng. Điều này giúp khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Ông Nam tin rằng, việc minh bạch không chỉ là cách để bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là nền tảng xây dựng một hệ sinh thái y tế an toàn, công bằng và phát triển bền vững, với sự đồng hành của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tọa đàm một lần nữa khẳng định rằng cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và thông tin giả không thể đơn lẻ mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tăng cường kiểm soát, nâng cao năng lực kiểm nghiệm, hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy minh bạch thông tin sẽ là nền tảng quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, củng cố niềm tin thị trường và hướng đến sự phát triển bền vững cho toàn ngành.