WADA cấm Nga tham dự Olympic và Worldcup:

"Chứng cuồng loạn chống Nga" đã lan sang cả đấu trường thể thao

VietTimes -- Hãng thông tấn RT của Nga dẫn lời một số chuyên gia phân tích cho rằng lệnh cấm Nga tham gia các sự kiện thể thao toàn cầu là đòn trừng phạt có động cơ chính trị. Tệ hơn nữa, quyết định này gây ảnh hưởng tới những vận động viên trong sạch, những người bị tước cơ hội tranh tài đại diện cho quốc gia của họ. Lãnh đạo Nga đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc.
Đội vận động viên trượt băng Nga giành huy chương vàng trong Thế vận hội Sochi năm 2014 (Ảnh: RT)
Đội vận động viên trượt băng Nga giành huy chương vàng trong Thế vận hội Sochi năm 2014 (Ảnh: RT)

Tổ chức Chống Doping Thế giới (WADA) đã công bố lệnh cấm trong hôm đầu tuần, sau khi Nga bị tố thao túng dữ liệu trong một phòng thí nghiệm chống doping ở Moscow. WADA đã tổ chức bỏ phiếu để chặn Nga tham gia tất cả các sự kiện thể thao lớn trong vòng 4 năm, có nghĩa rằng quốc kỳ Nga sẽ không xuất hiện trong 2 kỳ Thế vận hội sắp tới cũng như FIFA World Cup tổ chức ở Qatar.

Tuy những vận động viên trong sạch vẫn được phép thi đấu, nhưng lại dưới lá cờ trung lập chứ không phải đại diện cho nước Nga và cũng không màn có quốc ca.

Không dừng lại ở đó, người đứng đầu Cơ quan Chống Doping Mỹ (USADA) Travis Tygard thậm chí còn kêu gọi áp lệnh trừng phạt hà khắc hơn đối với Nga, trong đó bao gồm một lệnh cấm toàn diện với tất cả các vận động viện Nga, kể cả các vận động viên trong sạch.

"Không thể chối bỏ yếu tố chính trị đăng sau quyết định này" - chuyên gia phân tích các vấn đề toàn cầu Patrick Henningsen nói với RT, thêm rằng ông xem WADA, cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác, là đối xử thiên vị với các thành viên của phương Tây.

"Quyết định này nhằm khiến Nga bẽ mặt, hạ phẩm chất các vận động viên của nước này, và cũng nhằm gây ảnh hưởng tới Tổng thống Vladimir Putin" - ông Henningsen nhận định - "Danh dự quốc gia gắn với thể thao của một nước, đối với bất cứ một nhà lãnh đạo nào".

Đáng chú ý, quyết định của WADA xuất hiện chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Putin ngồi xuống bàn đàm phán với lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Ukraine ở Paris (Pháp) để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

"Đó là một thông tin xấu đối với sự kiện đó" - chuyên gia phân tích chính trị Martin McCauley nói với RT - "Các tờ báo sẽ tập trung vào thông tin này thay vì sự kiện (Nhóm Bộ Tứ) Normandy".

Vận động viên trong sạch bị kéo vào "cuộc đấu đá chính trị"

Bên trong phòng thí nghiệm của Cơ quan Chống Doping Nga (RUSADA) (Ảnh: RT)
Bên trong phòng thí nghiệm của Cơ quan Chống Doping Nga (RUSADA) (Ảnh: RT)

Những vận động viên trong sạch của Nga giờ cũng "bị kéo vào một cuộc đấu đá chính trị" - ông McCauley nói. Mặc dù các vận động viên này vẫn được phép tranh tài, nhưng họ không được thi đấu dưới màu cờ của Nga và cũng không hưởng màn quốc ca. Theo ông MacCauley, điều này thực sự "đau đớn" với các vận động viên.

"Khi họ trở về nhà với tấm huy chương, chỉ có 90% giá trị của nó, bởi các vận động viên tranh tài khác được nghe quốc ca nước họ, và chìm đắm trong khoảnh khắc vinh quang. Vậy mà Nga bị tước đi điều đó" - ông McCauley nói thêm.

Việc phải tranh tài dưới một lá cờ trung lập là "sự an ủi hết sức nhỏ bé"; theo ông Henningsen. "Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh, phần lớn các quốc gia vẫn tôn trọng đấu trường thể thao và coi nó là một đấu trường trung lập, nơi mà chính trị không thể làm vấy bẩn" - ông Henningsen nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của WADA, cho rằng kết luận của cơ quan này không hề có cáo buộc nào trực tiếp tới Ủy ban Olympic Nga, do đó các vận động viên Nga phải được thi đấu đại diện cho nước Nga.

“Điều đó đã được viết trong hiến chương Olympic. Điều đó cũng đồng nghĩa quyết định của WADA vi phạm hiến chương Olympic. Chúng tôi có mọi bằng chứng để kháng cáo” - Reuters dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu tại Paris.

Theo Tổng thống Putin, các án phạt nên là hình phạt cá nhân cụ thể thay vì áp dụng lên cả tập thể, trong đó có những người hoàn toàn không liên quan.

“Nếu ai đó đưa ra hình phạt tập thể, tôi nghĩ có bằng chứng để cho rằng quyết định đó không dựa trên sự trong sạch của thể thao quốc tế mà dựa trên những lý do chính trị” - Tổng thống Putin nói.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng có cùng ý kiến với Tổng thống Putin khi cho rằng lệnh cấm mang động cơ chính trị, và các tổ chức liên quan cần kháng cáo. “Đây là sự tiếp diễn của chứng cuồng loạn chống Nga, điều đã trở thành vấn đề kinh niên” - Thủ tướng Medvedev nói với TASS.

Cơ quan Chống Doping Nga (RUSADA) sẽ quyết định xem liệu có nên kháng lại lệnh cấm này hay không. Cựu ngôi sao làng trượt băng Nga và hiện đang là nghị sĩ Quốc hội Svetlana Zhurova khẳng định "100%" rằng cơ quan này sẽ kháng cáo.