Cụ thể hơn, phần mở rộng đặc biệt có tên USB-C Authentication trong cấu hình USB Power Delivery 3.0 ( USB PD 3.0) hứa hẹn sẽ cho phép thiết bị chủ như điện thoại, máy tính nhận biết những trạng thái kết nối như chỉ sạc, kết nối dữ liệu, lưu trữ … cũng như cho phép người dùng chứng thực thiết bị được kết nối. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đòi hỏi phần cứng mới.
USB-C được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới bởi sự tiện lợi (cắm chiều nào cũng được), điện đầu ra đến 100 W và hỗ trợ nhiều tính năng tùy biến cũng như nhiều loại thiết bị ngoại vi khác nhau. Tuy nhiên, việc mở rộng tính năng cũng đòi hỏi những loại cáp kết nối tinh vi hơn và chip ID đặc biệt do đó giá thành của phụ kiện dùng cổng USB-C vẫn khá đắt đỏ. Trong những tháng gần đây, nhiều loại phụ kiện dùng USB-C giá rẻ đã bắt đầu xuất hiện nhưng hầu hết chúng không đạt các tiêu chuẩn của USB-IF chẳng hạn như không hỗ trợ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, không thể sạc các thiết bị qua cổng USB-C hay thậm chí gây hỏng thiết bị. Giải pháp chứng thực kết nối USB hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng này và khiến các thiết bị dùng USB-C trong tương lai trở nên an toàn hơn bên cạnh các thế mạnh về hiệu năng và tính năng.
Các thiết bị sử dụng công nghệ chứng thực USB-C theo cấu hình USB PD 3.0 sẽ có thể kiểm tra các tính năng của thiết bị ngoại vi khi kết nối qua cổng USB-C, từ đó xác nhận thiết bị này có đáp ứng các yêu cầu của USB-IF hay không. USB-IF cũng sẽ thiết lập một hệ thống policy để giới hạn sử dụng đối với các thiết bị ngoại vi, phụ kiện không tương thích hoặc không được chứng thực bởi thiết bị chủ.
Một chiếc dock mở rộng cồng kết nối qua USB-C cho MacBook 12".
Công nghệ chứng thực USB-C sẽ chia các thiết bị ngoại vi thành 3 dạng: thiết bị trao đổi dữ liệu, thiết bị truyền điện (chẳng hạn như cục sạc) và thiết bị hoạt động theo các chế độ khác qua cổng USB-C (chẳng hạn như màn hình ngoài). Các thông điệp chứng thực sẽ được truyền tải thông qua các đường dẫn giao tiếp khác nhau như USB bus, USB PD hoặc kết hợp cả 2 và sẽ được mã hóa 128-bit.
Dựa trên những gì được USB-IF công bố thì công nghệ này có thể giới hạn sử dụng các loại cáp không đạt chuẩn và giới hạn này sẽ được đưa ra bởi nhà sản xuất thiết bị chủ và người dùng cuối. Thêm vào đó, công nghệ chỉ có thể hỗ trợ hoàn toàn các loại cáp được tích hợp đủ tính năng và tương thích với cấu hình USB PD 3.0, chẳng hạn như sợi cáp phải có một con chip ID tương thích.
Theo USB-IF, những thiết bị chủ sử dụng cổng USB-C có thể được bổ sung giao thức chứng thực USB-C nhờ một bản cập nhật phần mềm hoặc firmware. Tuy nhiên, những thiết bị như cục sạc hay cáp thì khó có thể nâng cấp qua phần mềm hay firmware, do đó chúng cần phải được thay mới hoặc được cấp phép sử dụng bởi các chính sách bảo mật phần mềm trên thiết bị chủ. Người dùng PC, máy tính bảng và điện thoại chỉ có thể chứng thực một số phụ kiện nhất định có thể kết nối với thiết bị của mình, do đó người dùng có thể chủ động bảo vệ dữ liệu trên thiết bị chủ. Tuy nhiên, một khi phụ kiện đã được chứng thực thì nó sẽ có thể hoạt động với thiết bị chủ và dĩ nhiên cũng có thể lây nhiễm virus cho thiết bị chủ. Vì vậy, công nghệ USB-C cùng tính năng chứng thực không phải là một giải pháp chống virus hay malware.
Chúng ta sẽ cùng chờ xem các nhà sản xuất khai thác công nghệ chứng thực này như thế nào bởi nếu họ thiết lập chính sách quản lý quá chặt đối với thiết bị chủ như điện thoại hay laptop bán ra thì chúng sẽ không thể dùng được nhiều sản phẩm USB-C giá rẻ trên thị trường. Hiện tại, USB-IF vẫn chưa tiết lộ khi nào sẽ bắt đầu phê chuẩn các thiết bị hỗ trợ công nghệ chứng thực USB-C và tổ chức này sẽ có kế hoạch gì để phê chuẩn cho hàng ngàn loại cáp kết nối và cục sạc dùng USB-C đang được kinh doạnh. Có lẽ Intel - đơn vị phát triển cấu hình USB PD 3.0 sẽ cho chúng ta thêm thông tin tại hội nghị IDF diễn ra trong vài ngày tới.