Chưa đủ căn cứ xác định doanh nghiệp trong nước thiệt hại do phân bón nhập khẩu

VietTimes -- Trước đề xuất của Vinachem về việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại để bảo hộ cho các dự án đạm thua lỗ của Bộ Công thương, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ công thương) cho biết không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa có báo cáo tới Bộ trưởng Bộ Công thương việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho mặt hàng phân bón theo yêu cầu của Vinachem.

Cục quản lý cạnh tranh khẳng định, "yêu cầu khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là chưa có căn cứ do những vấn đề về chính sách thuế giá trị gia tăng cũng như các vấn đề về bản thân doanh nghiệp" và "không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu".

Cụ thể, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất phân đạm, tổng công suất vào khoảng 2,64 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất 2 nhà máy sản xuất phân đạm từ khí là Phú Mỹ và Cà Mau của ngành dầu khí (1,6 triệu tấn/năm) lớn gấp rưỡi công suất hai nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất đạm từ than của Vinachem (đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình có tổng công suất 1,04 triệu tấn/năm).

Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh cũng phân tích, với 2 công ty sản xuất phân đạm từ khí, do giá bán (5.600 đồng/kg) vẫn lớn hơn giá sản xuất (4.500-4.800 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này vẫn có lãi, song tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần.

Đối với 2 công ty sản xuất phân đạm từ than, giá thành sản xuất cao (Đạm Ninh Bình khoảng 10.000 đồng/kg, Đạm Hà Bắc khoảng 7.600 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này đã phải chịu thiệt hại nặng nề khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Trong đó, máy Đạm Ninh Bình đã dừng sản xuất, đạm Hà Bắc sản lượng cả năm chỉ đạt khoảng 50% công suất.

"Các nhà sản xuất trong nước đang phải chịu thiệt hại, để có cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam thì cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về khả năng tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vì nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc" - Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định.

Nhận định đáng chú ý nữa, theo Cục Quản lý cạnh tranh, lý do các doanh nghiệp trên thua lỗ là do giá than tăng cao trong thời gian qua và do công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lỗi thời.

Đối với mặt hàng phân DAP, theo Cục quản lý cạnh tranh, hiện trong nước có hai doanh nghiệp sản xuất, đều thuộc Vinachem, là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai. Tổng công suất hai nhà máy này vào khoảng 660.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam là 1 triệu tấn/năm.

Cục quản lý Cạnh tranh dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan khẳng định, nhập khẩu DAP chưa có dấu hiệu tăng đột biến về lượng.

Cụ thể, năm 2015, lượng nhập khẩu DAP đạt 978 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD, tăng 1,76% về lượng và 2,2% về giá trị so với năm 2014. Năm 2016, lượng nhập khẩu đạt 762 nghìn tấn, giảm 22,1% về lượng và 38% về giá trị.

"Từ năm 2013-2015, lượng sản xuất các công ty phân bón DAP tăng nhưng mức độ tăng đã giảm dần. Đến năm 2016, lượng sản xuất giảm 1,4 lần so với năm 2015, công suất sử dụng năm 2016 chỉ còn 26,47%, giảm mạnh so với năm 2015" - báo cáo của Cục quản lý cạnh tranh nêu.

Trong khi đó, lượng tồn kho phân DAP sản xuất trong nước tăng liên tục từ năm 2014 đến nay, lượng bán hàng năm 2016 giảm khoảng trên 40% so với năm 2015. Lợi nhuận của các công ty phân bón năm 2015 chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 2,8% so với năm 2014. Đến hết năm 2016, các công ty sản xuất DAP lỗ tới 460 tỷ đồng.

Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là chưa có đủ yếu tố để quyết định, mà cần phải điều tra bổ sung thêm nhiều thông tin nữa.