Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ lãnh đạo Hồng Kông: Một cuộc họp bàn, dập tan tin đồn

VietTimes -- Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã chìa bàn tay ủng hộ đối với lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam, dập tắt làn sóng ngờ vực cho rằng bà sắp bị thay thế, đồng thời đánh tín hiệu rằng chính quyền Hồng Kông cần phải giải quyết tình trạng bất ổn xã hội đã kéo dài suốt 5 tháng qua.
Cuộc họp giữa ông Tập và bà Lam không nằm trong lịch trình (Ảnh: SCMP)
Cuộc họp giữa ông Tập và bà Lam không nằm trong lịch trình (Ảnh: SCMP)

Trong một cuộc gặp với đặc khu trưởng Hồng Kông vào tối hôm đầu tuần, ông Tập cũng áp dụng hướng tiếp cận có suy tính kỹ lưỡng trong việc đánh giá về cuộc khủng hoảng ở thành phố này – giới phân tích nhận định. Dù đề nghị “nỗ lực kiên định để ngăn chặn và trừng phạt các hành động bạo lực” theo đúng với luật pháp, Chủ tịch Trung Quốc vẫn kêu gọi đối thoại với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội.

“Chủ tịch Tập thể hiện hy vọng rằng tất cả người dân ở Hồng Kông thực thi một cách đầy đủ và tin tưởng vào nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” ” – Tân Hoa Xã đăng tải.

Cuộc họp tổ chức ở Thượng Hải vừa qua là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ông Tập và bà Lam kể từ khi làn sóng biểu tình Hồng Kông bùng phát hồi đầu tháng 6.

Trong hôm thứ Ba vừa qua, bà Lam nói rằng phát ngôn của ông Tập đã cho thấy vị Chủ tịch rất quan tâm tới Hồng Kông.

“Trên cương vị Chủ tịch, thật dễ hiểu khi ông ấy tỏ ra quan ngại về diễn biến ở Hồng Kông. Tôi có thể cảm nhận được sự ủng hộ của ông ấy đối với nỗ lực kiềm chế bạo lực của chính quyền” – bà Lam nói trước báo giới, bên lề Hội chợ Nhập khẩu quốc tế tổ chức tại Trung Quốc.

Bà Lam nói rằng, việc ông Tập kêu gọi chấm dứt bạo lực không có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ thắt chặt quản lý Hồng Kông. Bà cũng xác nhận rằng cuộc gặp với ông Tập ban đầu không có trong lịch trình làm việc của bà. Một nguồn tin khác cũng cho hay cuộc gặp không nằm trong lịch trình của ông Tập. Trưởng đặc khu Hồng Kông nói rằng bà chỉ được thông báo về cuộc gặp trước tiệc tối tại Hội chợ nhập khẩu hôm đầu tuần, rằng Chủ tịch sẽ gặp bà vào lúc 22h00 cùng ngày.

Dẹp mọi đồn đoán

Các nhà bình luận ở Hồng Kông cũng như giới chính trị gia ở Bắc Kinh đều nhận định rằng cuộc gặp với Chủ tịch Tập là cách mà chính phủ trung ương áp dụng nhằm dập tan lời đồn cho rằng bà Lam sẽ sớm bị thay thế, đồng thời tái khẳng định về những thành tựu mà bà đạt được bất chấp tình trạng bế tắc hiện tại.

Trong khi những người ủng hộ dân chủ ở phe đối lập lại ngại rằng cuộc gặp này sẽ khiến chính quyền của bà Lam đưa ra quan điểm cứng rắn hơn đối với người biểu tình Hồng Kông.

Theo Tân Hoa Xã, trong lúc mở đầu cuộc gặp này, bà Lam đã thông báo với Chủ tịch Tập về tình hình hiện tại ở Hồng Kông.

Phản ứng trước bản báo cáo trên, ông Tập đã tái xác nhận những thành tựu mà bà đã đạt được cho đến thời điểm này. “Chủ tịch Tập nói về niềm tin cao độ mà chính phủ trung ương dành cho bà Lam và hoàn toàn hiểu được nỗ lực của bà cùng đội ngũ trong chính quyền của bà. Chấm dứt tình trạng bạo lực và hỗn loạn vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Hồng Kông ở thời điểm hiện tại” – Tân Hoa Xã đưa tin.

Ông Lau Siu-kai – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc chuyên Nghiên cứu về Hồng Kông và Macau – nhận định rằng mục đích chính của cuộc họp giữa ông Tập và bà Lam chính là dập tan nghi vấn về việc bà Lam sắp bị thay thế.

“Những lời đồn này không có lợi cho sự ổn định của Hồng Kông cũng như công tác của chính phủ, bởi vậy lãnh đạo cấp cao nhất cần phải làm rõ rằng vị trí của bà Lam là vững chắc” – ông Lau nói, và đề cập tới một cuộc gặp khác giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và bà Lam – “Sau đó, trong hôm thứ Tư, ông Hàn có thể tiếp tục và thảo luận với bà Lam về công việc cụ thể mà bà cần làm”.

Đã đến lúc chấm dứt bất ổn

Chính quyền Bắc Kinh ám chỉ rằng đã đến lúc chấm dứt tình trạng biểu tình ở Hong Kong (Ảnh: SCMP)
Chính quyền Bắc Kinh ám chỉ rằng đã đến lúc chấm dứt tình trạng biểu tình ở Hồng Kông (Ảnh: SCMP)

Theo vị chuyên gia, ngoài việc thể hiện sự ủng hộ, ông Tập cũng muốn nhắc nhở rằng “bất ổn ở Hồng Kông đã kéo dài suốt 5 tháng”.

“Điều này có nghĩa rằng tình trạng bất ổn kéo dài thế là đã quá đủ, và trách nhiệm của chính quyền thành phố là giải quyết nó” – ông Lau nói thêm. “Nếu một chính quyền đủ năng lực, sự bất ổn đáng ra không nên để kéo dài như vậy”.

Ông Đàm Diệu Tông (Tam Yiu-chung) – thành viên của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc – thì khẳng định rằng phát ngôn của Chủ tịch Tập đã làm rõ rằng không cần thiết phải thay thế bà Lam.

Ông Đàm cũng nhấn mạnh rằng, không giống như các khác quan chức khác ở đại lục, Chủ tịch Tập không hề đả động tới sự can thiệp của nước ngoài đối với vấn đề Hồng Kông, hay gọi làn sóng biểu tình này là “bạo động” mà thay vào đó sử dụng cụm từ “xáo trộn”.

“Với cương vị Chủ tịch, ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) nhìn nhận vấn đề theo hướng vi mô hơn…và ủng hộ chính quyền (Hồng Kông) trong việc tổ chức đối thoại” – ông Đàm nói.

Sau khi tham dự lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải, bà Lam trở về Bắc Kinh trong đêm hôm thứ Ba vừa qua để tham dự cuộc gặp với Phó Thủ tướng Hàn Chính trong ngày 6/11.

Theo một số nguồn tin, ông Hàn sẽ thông báo cho bà Lam về các chỉ đạo chính sách cho Hồng Kông.

Theo SCMP