|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tham gia đoàn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Nguyễn Hoàng Anh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Cùng tham gia đoàn có: Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta sau khi hai nước nâng tầm quan hệ. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp nước nước ta và là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 5 năm. Do đó, chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì đà tiếp xúc cấp cao, triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; khẳng định sự coi trọng cao, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta về quan hệ song phương với Trung Quốc.
Chuyến thăm củng cố, phát huy, triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (năm 2023), giữ ổn định, nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi, thúc đẩy toàn diện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trên tất cả các lĩnh vực theo 6 phương hướng hợp tác lớn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.2023 gồm: Tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng bền vững, chất lượng cao, thúc đẩy xử lý các dự án song phương đã tồn đọng nhiều năm; tăng cường phối hợp, hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương; đẩy mạnh giao lưu hữu nghị, xây dựng nền tảng xã hội tốt đẹp của quan hệ song phương; khẳng định rõ lập trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta ở biển Đông, kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nâng tầm và làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, đưa quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước trở thành trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước; tăng cường trao đổi hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội với các cơ quan tương ứng của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc phù hợp với nhu cầu của ta; thúc đẩy giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về phục hồi kinh tế sau đại dịch và phát triển bền vững...
Theo TTXVN, Đại biểu Nhân dân